Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay với tổng số tiền 40.000 tỷ đồng việc triển khai trên thực tế dường như còn quá chậm

Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay với tổng số tiền 40.000 tỷ đồng việc triển khai trên thực tế dường như còn quá chậm, trong khi nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi là rất lớn.

Liên quan đến gói hỗ trợ 2% lãi suất, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng thành phố đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng doanh nghiệp để nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Qua đó, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai, tập huấn về chính sách hỗ trợ lãi suất đến toàn đơn vị; đảm bảo tư vấn và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và tuân thủ các quy định liên quan. Trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất, các tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho khách hàng.

Song song đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cũng lưu ý các ngân hàng thương mại phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê riêng các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

“Nếu doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ mà đúng đối tượng, quy định sẽ được hưởng. Trường hợp, doanh nghiệp bị ngân hàng thương mại “làm khó” thì có thể liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.

Dưới góc độ của chuyên gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia lưu ý một số điểm chính của chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đợt này.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất không hỗ trợ theo kiểu “đại trà” như trước đây, mà chỉ tập trung vào 13 lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Đồng thời, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng của tổ chức tín dụng, không có nợ xấu và phải là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Đây là một số lưu ý chính để các ngân hàng nhanh chóng thực hiện.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết, hiệu lực của gói hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ đầu năm 2022. Do đó, đối với một số khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng từ đầu năm, doanh nghiệp có thể được phép hồi tố, để truy soát lại. Nếu đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp có thể làm việc với ngân hàng để được tính hỗ trợ lãi suất ngay từ đầu năm nay.

Thực tế, việc tiếp cận với chính sách hỗ trợ, nhất là liên quan đến tín dụng ngân hàng vẫn luôn là bài toán nan giải của hầu hết các doanh nghiệp xưa nay.

Chưa kể khâu thủ tục hành chính, thì nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng nhanh trong thời gian qua đã đẩy tín dụng lên cao so với cùng kỳ những năm trước, trong khi nhiều ngân hàng đã đụng trần tín dụng. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lo ngại khó có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ trong bối cảnh "room" tín dụng còn khá eo hẹp.

Đại diện Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chương trình hỗ trợ 2% lãi suất đang triển khai quá chậm. Từ nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cho đến thông tư hướng dẫn tương ứng với khoảng thời gian gần 6 tháng là quá trễ đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giai đoạn này là rất lớn, nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ này. Do vậy, các Bộ, ngành cần phối hợp tham gia và khẩn trương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận.

Tổng Hợp