Hà Nội trong quá khứ có diện mạo thế nào?

Hoàng Toàn

Rất cần lan toả những giá trị văn chương tốt đẹp đang dần bị mai một trong thời đại công nghệ số, khơi dậy văn hoá đọc ở giới trẻ.
Quang cảnh toạ đàm Tọa đàm văn học và Nghệ thuật
Quang cảnh toạ đàm Tọa đàm văn học và Nghệ thuật

Vừa qua, tại Bảo tàng Hà Nội, câu lạc bộ LiT đã tổ chức Tọa đàm văn học và Nghệ thuật “Hà Nội - Phố cùng Em ở lại”. Lấy chủ đề “Đi tìm ý niệm về Hà Nội thông qua các phương tiện thực hành văn hoá”.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện LiT Wonders 2023 với sự cố vấn chuyên môn của Tổ Ngữ Văn Trường Chuyên và Đại học Sư phạm Hà Nội. LiT Wonders 2023 mong muốn truyền tải tới các bạn trẻ những ý niệm đẹp đẽ, sâu sắc về Hà thành, khơi dậy và nung nấu tình yêu dành cho mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng như cho văn chương muôn đời.

Toạ đàm có sự góp mặt của 2 diễn giả: Nhà văn Nguyễn Trương Quý và TS Trần Ngọc Hiếu và thu hút hơn 200 người đến tham dự. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của nhiều các Khách mời quan trọng thuộc đội ngũ giảng viên, giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường THPT Chuyên, Thạc sĩ giảng viên Nghệ sĩ piano Nguyễn Thuý Hà, Vivu Band...

Nhà văn Nguyễn Trương Quý phát biểu tại toạ đàm
Nhà văn Nguyễn Trương Quý phát biểu tại toạ đàm

Tại tọa đàm nhà văn Nguyễn Trương Quý mở đầu bằng câu nói: “Ở vị trí đầu tàu Hà Nội đã trở thành một chiến địa văn hoá”. Với nhà văn, đây là kết quả quá trình người Việt Nam tìm căn cước, chân dung của bản thể và đặc biệt là của Hà Nội. Bởi lẽ Hà Nội là không gian thi triển các trường phái, các ý hệ thẩm mỹ, các quan điểm đa chiều buộc con người ta xung đột để tìm cách khẳng định bản thân. Nhà văn kết luận gọi Hà Nội là chiến địa văn hoá bởi vì ở đó có một cuộc giao tranh không bao giờ kết thúc, nhằm tìm kiếm vị thế, sự tiến bộ, sự thay đổi, khác biệt.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng: So với các hình dung của chúng ta về Hà Nội như một thành phố có vẻ hơi tĩnh, Hà Nội trong quá khứ phức tạp hơn những hình ảnh người ta phóng đại lên nhằm mục đích quảng bá. Lịch sử Hà Nội trải qua nhiều thăng trầm, không phải lúc nào cũng là đất kinh kỳ, thế nhưng cuối cùng, nó vẫn cố gắng thể hiện mình như một thủ đô, một chiến địa văn hoá.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu thảo luận tại buổi toạ đàm
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu thảo luận tại buổi toạ đàm

Cũng theo Tiến sĩ, Hà Nội còn bộc lộ mình ở những đặc điểm rất riêng tạo nên một cái hồn không chung lẫn: Hà Nội là thành phố bí mật, nó có những khoảng tối chính là những tâm tư đang chờ được khai thác; Hà Nội cũng là thành phố lạc đường, đem tới cho con người khoái cảm lang thang.

Hà Nội như một thực thể, được tiếp cận qua rất nhiều các lăng kính khác nhau như: địa lý, lịch sử, chính trị,... Từ đó TS Trần Ngọc Hiếu đặt ra câu hỏi: Liệu có Hà Nội nào để chúng ta nhớ, Hà Nội nào in hằn trong tâm trí chúng ta? Với tiến sĩ, Hà Nội được tạo nên là thông qua các thực hành văn hoá, cơ bản nhất là văn chương như cách kể một câu chuyện. Văn chương tạo nên ký ức tập thể thứ được bồi đắp và kiểm chiếu qua các thế hệ trở thành một ký ức chung cho cộng đồng trong việc đánh giá nhìn nhận các thực thể văn hoá.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu kết luận rằng: Có những ý niệm về Hà Nội đã hình thành và đóng đinh trong mỗi người. Song, điều này cũng gióng lên một vấn đề với giới trẻ ngày nay, bởi ký ức tập thể đồng thời tạo nên ký ức vay mượn, những tác phẩm viết về Hà Nội của thời đương đại dường như vẫn dừng ở những hình ảnh của thế hệ trước. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Lẽ nào thế hệ này không có ký ức về Hà Nội của riêng họ? Tuy vậy, không thể đánh mất niềm tin vào giới trẻ.

Kết thúc buổi toạ đàm, TS Trần Ngọc Hiếu mở ra một định nghĩa mới về người Hà Nội qua tác phẩm “Một người Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Khải. Từ nhân vật bà Hiền trong các giai đoạn lịch sử, có thể thấy người Hà Nội không đơn thuần là những người sinh ra và lớn lên ở Thủ đô (Hà Nội mang ám ảnh về gốc), mà hơn hết, họ là những người có học, có gu thẩm mỹ, vì vậy họ khó tính và không dễ đưa lời khen. Họ còn là những người biết bảo vệ nếp nhà điều hiếm có trong thời kỳ chiến tranh, khi người ta hướng đến những gì lớn lao hơn và biết hy sinh, dù không dễ thoả hiệp.

Thông qua toạ đàm đã phần nào giải đáp, thỏa mãn được trăn trở, suy tư của khán giả về ý niệm về Hà Nội thông qua các phương tiện thực hành văn hoá.

Giao lưu văn nghệ cùng nhóm nhạc Vivu Band
Giao lưu văn nghệ cùng nhóm nhạc Vivu Band
Trao giải Tiền sự kiện - Cuộc thi viết
Trao giải Tiền sự kiện - Cuộc thi viết "Trong đáy mắt" Ra mắt ấn phẩm sự kiện LiT Florature: "Như trời biếc lúc sang thu"
Các diễn giả cùng khách mời chụp ảnh lưu niệm
Các diễn giả cùng khách mời chụp ảnh lưu niệm