Habeco lãi trung bình 2 tỷ đồng mỗi ngày dù kinh doanh không như kỳ vọng

Lũy kế 6 tháng, Habeco đạt doanh thu thuần 3.251 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 184,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 23% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần khoảng 2.078 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 188 tỷ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận cùng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi ngày, Habeco lãi hơn 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên trong quý 1, kết quả kinh doanh của Habeco không đạt kỳ vọng. Lợi nhuận âm nên ảnh hưởng tới thành quả nửa đầu năm.

Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 3.251 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 184,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 23% so với cùng kỳ năm trước.

Sự giảm sút này đã được dự báo từ trước, trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 6. Khi đó, ban lãnh đạo công ty nhận định năm nay sẽ còn nhiều khó khăn do lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.

Đồng thời, giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia như bột trợ lọc, hoa houblon, gạo, đường tiếp tục tăng trong năm nay. Habeco tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn là các tập đoàn đa quốc gia và phải đấu tranh gay gắt với sự xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, gây nhầm lẫn với các sản phẩm của công ty.

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. Như vậy, Habeco đã hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản ghi nhận ngày 31/6/2023 hơn 7.282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt 309 tỷ, tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn 3.361 tỷ đồng. Khoản tiền gửi tương đương 46% tổng tài sản này đã mang về cho Habeco gần 56 tỷ tiền lãi trong quý 2. Ngoài ra, đơn vị này còn có các khoản phải thu ngắn hạn 582 tỷ đồng. Hàng tồn kho còn 725 tỷ.

Tính đến hết quý 2, Habeco đã rót 223 tỷ đầu tư vào 6 công ty con là Bia Hà Nội - Kim Bài, Vận tải Habeco, Đầu tư Phát triển Habeco, Harec Đầu tư và Thương mại, Thủy tinh San Miguel Yamamura Hải Phòng và Bao bì Habeco.

Bên kia bảng cân đối, Habeco ghi nhận tổng nợ 1.837 tỷ, vay và nợ thuê tài chính chỉ chiếm một phần nhỏ với 52 tỷ đồng. Khoản nợ lớn nhất là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước với 545 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 5.445 tỷ đồng, trong đó còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối khoảng 927 tỷ đồng.

Habeco có lịch sử lâu đời. Từ năm 1890, nhà máy bia Hommel - tiền thân của Habeco - được thành lập với quy mô 30 nhân công, mục đích phục vụ quân viễn chinh Pháp. Đến năm 1957, theo chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nhà máy bia này được khôi phục và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội.

Năm 1958, chai bia đầu tiên của Việt Nam do Habeco sản xuất, mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong ngành công nghiệp sản xuất bia. Từ đó đến nay, công ty phát triển nhiều sản phẩm bia mang thương hiệu khác nhau, như bia Trúc Bạch, bia Hà Nội (bia hơi, bia đóng chai, bia lon) và nước uống đóng chai Uniaqua.

Tính tại ngày 30/6, Nhà nước nắm giữ 81,79% vốn Habeco. Cổ đông lớn thứ 2 là Carlsberg nắm 17,34% vốn.

(Tổng hợp)

AN LY