Trong quan niệm của người Việt, niềm vui, tiếng cười sẽ khởi đầu một năm mới thuận buồm xuôi gió, luôn tràn đầy sự may mắn, hạnh phúc. Bởi thế, hài Tết như món “đặc sản” không thể thiếu dịp nghỉ lễ Nguyên đán. Tuy nhiên, xoay quanh sự ra mắt ồ ạt của phim hài, những câu chuyện về hài tục, phản cảm, nở rộ như hiện nay đã khiến những bộ phim đưa lại tiếng cười nhân văn cứ vắng bóng dần.
Chúng ta có lẽ không còn quá xa lạ với những cái tên như series hài Tết Làng ế vợ, Đại gia chân đất, Chôn nhời,... vốn từng khuynh đảo thị trường băng đĩa hài Tết miền Bắc suốt từ thời kỳ đầu VCD, DVD và vẫn còn thịnh hành cho đến thời đại bùng nổ của Internet. Cùng sự góp mặt của những gương mặt gạo cội trong giới nghệ sĩ, nhưng những tác phẩm này đang bị đánh giá là kịch bản quá cũ, không nổi bật và lạm dụng, khai thác thừa thãi những vấn đề nhạy cảm như: chuyện phòng the, nhu cầu sinh lý, cảnh nhìn trộm, cảnh đại gia cưỡng hiếp tiếp viên, cảnh nằm ngủ hở hang... khiến nhiều khán giả không khỏi nhíu mày khi xem. Diễn viên dù đã cố gắng diễn tả sao cho logic với kịch bản nhưng vẫn lộ rõ sự thô vụng của các tình tiết này trên phim.
Ảnh minh họa: internet. |
Phần lớn các phim hài Tết, đặc biệt là những bộ phim được chiếu từ những năm 2016-2018, theo phong cách hiện đại ngày nay đều chứa đựng các mô-tuýp như: đại gia hám gái, thanh niên chạy theo “của lạ”, gái xinh ăn mặc “thiếu vải”…
Tết năm 2016, trên mạng xã hội đã từng bàn tán không ít về cảnh bà Tri huyện nhìn lén quần rách của người ở trong “Chôn nhời 3”, cảnh đo ba vòng trong “Đại gia chân đất 6” và chuyện nhí nhảnh tòm tem của cặp đôi trai gái đang hẹn hò trong hài “Tiền đồ”...
Đến năm 2018, những cảnh khoe da thịt ở mức độ táo bạo trong hài Tết “Tỷ phú đè đại gia” cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi quyết liệt. Thậm chí, trong trailer đăng tải trên YouTube, nhà sản xuất cũng tự nhận đây là hài Tết có nhiều “cảnh phim sexy nhất”. Trong số đó, cảnh Quang “tèo” (Trần Đại Gia) xé áo để lộ bầu ngực của nhân vật do hotgirl Phí Huyền Trang đóng đã được chia sẻ khá nhiều trên mạng với những lời bình phẩm khá gay gắt.
Những thước phim như thế này được chạy quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ “vô tình hữu ý” tình dục hóa hình ảnh người phụ nữ, mà còn biến một nét đẹp vốn đặc sắc trở nên nhảm nhí, “khó ăn”.
Chia sẻ về vấn đề này, NSƯT Đức Hải đã nói: “Thực tế là có một số nhà sản xuất rất hay lạm dụng chuyện đó để đánh trúng vào sở thích của một bộ phận khán giả nhằm mục đích kinh doanh. Ở góc độ nào đó chúng ta có thể chia sẻ với họ. Nhưng chúng ta cũng không cổ súy cho họ lạm dụng những cảnh này trong hài Tết vì mục đích thương mại bất chấp mọi thứ. Ngoài ra, chúng ta cũng hiểu hài Tết là dành cho mọi đối tượng khán giả, trong đó có cả trẻ em lẫn người già... nên nếu lạm dụng quá nhiều những cảnh khoe da thịt hoặc cảnh hở hang sẽ tạo nên sự phản cảm, phản giáo dục”.
Mặc dù từ những năm 2019 trở về đây, những tác phẩm hài Tết đã có sự tiếp thu và tiết chế hơn những hình ảnh dung tục, nhưng cái bóng quá khứ vẫn là một trong những lý do khiến khán giả dần quay lưng với món ăn tinh thần này.
NSND Trung Hiếu cho rằng, việc lạm dụng các cảnh hở hang, nhảm nhí... đã làm cho phim hài Tết tự “giết chết” chính mình. Bởi có lẽ, những yếu tố như vậy với công chúng không còn là điều gì đáng nhìn vào và cười nữa. Thay vào đó, mọi người mong muốn những nội dung nhân văn hơn, bình đẳng hơn và thoát ra được khỏi cái lối mòn cũ, để hài Tết tiếp tục là một sản phẩm cả nhà có thể cùng nhau xem và thư giãn.
Chê “con nhà người ta” trên mạng xã hội: Các mẹ, xin đừng… “kém duyên”
Bọn trẻ còn quá nhỏ để tự bảo vệ mình, và tệ hơn khi người lớn lại công kích tổn thương những đứa trẻ vì những lời nói “vô thưởng vô phạt”.