Hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu lớn ở TP.HCM sắp bị kiểm tra

Dự kiến tháng 6/2023, cơ quan QLTT TP.HCM sẽ đồng loạt kiểm tra hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn như: Petrolimex Sài Gòn, Saigon Petro, Comeco, SFC, Cagico...

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023 của đơn vị. Trong đó, có 91 địa điểm kinh doanh của hơn 50 doanh nghiệp xăng dầu nằm trong kế hoạch kiểm tra của cơ quan này.

Cụ thể, theo danh sách của cơ quan quản lý thị trường một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn tại thành phố thuộc diện kiểm tra gồm: Công ty CP nhiên liệu Sài Gòn (SFC); Công ty CP thương mại và dịch vụ Cần Giờ (Cagico); Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco); Công ty CP vật tư - xăng dầu (Comeco); Công ty CP xăng dầu dầu khí Sài Gòn (PV Oil Sài Gòn); Công ty TNHH đầu tư và thương mại Phúc Lộc Thọ; Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP.HCM (Saigon Petro); Công ty xăng dầu khu vực II - TNHH một thành viên (Petrolimex Sài Gòn)...

Loạt doanh nghiệp xăng dầu lớn ở TP.HCM sắp bị kiểm tra  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: MH

Theo đó, cơ quan quản lý cho biết sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh; điều kiện, hoạt động kinh doanh theo giấy phép; quy định về niêm yết giá bán; quy định về đăng ký, mua, bán, xăng dầu theo hệ thống phân phối; quy định về giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu; hợp đồng mua, bán xăng dầu...

Thời gian kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên dự kiến vào tháng 6. Đội QLTT số 1, 8, 9, 10, 11, 12, 15, 17, 18, 19 sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra các doanh nghiệp này theo đúng kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, căn cứ tình hình, đặc điểm địa bàn phụ trách, các đội QLTT phụ trách địa bàn còn phải thực hiện kiểm tra đột xuất, theo Zing.

Cuối tháng 12/2022, Thanh tra Bộ Công Thương mới công bố một loạt sai phạm của 11 thương nhân đầu mối phía Nam khi kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả thiếu sót của cơ quan quản lý.

Cụ thể, các thương nhân có tình trạng vẫn bán hàng khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết giá trị; không báo cáo cơ quan quản lý khi thay đổi số lượng đại lý, thương nhân nhận quyền; cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của các công ty con, công ty có vốn góp thuộc đồng sở hữu của một số thương nhân đầu mối chưa rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý, cơ sở để nhận xét, đánh giá về việc đồng sở hữu.

Một số khác tìm cách lách luật do không đáp ứng yêu cầu đủ tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh/đại lý bán lẻ/thương nhân nhận quyền...

Kết luận thanh tra lưu ý phần lớn thương nhân đầu mối bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối với sản lượng thấp hơn mức bình quân một tháng của năm ngoái. Bên cạnh đó hoạt động dữ trữ xăng dầu tại đầu mối cũng chưa đáp ứng mức tối thiểu bắt buộc là 15 ngày.

Trước đó, hồi tháng 2/2022, Bộ Công Thương tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu của tất cả doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Bộ đã tước giấy phép hoạt động của 7 doanh nghiệp đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu từ 1 đến 1,5 tháng; xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối, theo daidoanket.vn.

Tuy nhiên, cơ quan này quyết định tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

(Tổng hợp)

AN LY