Hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn rất rõ, đó là làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, "mua tranh bán cướp" rồi hưởng một số lãi không nhỏ.
Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Cơ quan quản lý của địa phương thì chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động, không có giải pháp gì chủ động. Thị trường thì lộn xộn, xã hội thì ồn ào như "chợ vỡ", rồi kết thúc bằng cảnh kẻ khóc, người cười.
Việc "sốt" chỉ có tác dụng lợi ích cho một số nhóm đầu cơ nhưng lại gây bất ổn với đầu tư dài hạn và cả nền kinh tế. Vấn đề mua vào thì dễ nhưng để thanh khoản, bán ra với giá tốt có lãi thì giai đoạn này bắt đầu khó, giai đoạn trước có thể các nhà đầu tư lướt sóng đã thoát ra nhưng những nhà đầu tư vào sau rất nguy hiểm. Trường hợp những nhà đầu mới tham gia vào thị trường mà lại dùng vốn vay thì tỷ lệ thất bại còn cao nữa.
Tại xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột), cơn “sốt” hiện diện ngay ở khu gần những con đường nhánh nhỏ. Chạy dọc tuyến đường vào xã này, “cò” đất, các công ty BĐS dán thông tin mua bán đất khắp nơi. “Trước, mỗi sào đất rẫy (1.000m2) giá khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng từ khi đường giao thông mở rộng, lại kèm thông tin dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương, giá lô đất kiểu này vụt tăng không dưới 5 tỷ đồng”, anh Y.K.T (35 tuổi, trú tại xã Ea Tu) cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, đất nông nghiệp sau khi sang nhượng, đã được các đối tượng tách thành từng lô nhỏ (rộng 5 mét, dài trên 25 mét). Có nơi, các công ty bất động sản còn tự đổ đường bê tông cắt ngang rẫy cà phê. Sau đó, những ô đất nông nghiệp này được tách thành các lô nhỏ, từ 40 đến 60m2 đất ở. “Tôi đang bán lô đất hơn 500m2 ở xã Ea Tu, có thể tách thành 4 lô với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Đất ở đây đang tăng giá từng ngày…”, một “cò” đất nói.
Một số xã vùng ven TP Buôn Ma Thuột cũng bị đồn thổi chủ đầu tư tận Hà Nội vào, khiến đất buôn, đất rẫy tăng giá nhanh. Tại một số buôn làng, những ngày này ô tô vào ra liên tục. Điển hình là ở xã Hòa Xuân, Hòa Thắng, Hòa Khánh, Hòa Phú, Cư Êbua… của TP Buôn Ma Thuột... Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng xác nhận, “sốt” đất chủ yếu do “cò” thổi giá, hoặc bán qua bán lại cho nhau. “Khi người dân chưa hiểu bản chất, nếu mua họ sẽ bị thiệt thòi”, ông Hưng nói.
Không ít người cho rằng, điều đó phần nào chứng tỏ sức "nóng" của thị trường bất động sản. Một số cẩn trọng hơn cho rằng đó là cách các môi giới "quảng cáo", hâm nóng thị trường, hút khách. Diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Các dự án vướng mắc, toàn án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra. Trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư cơ tận dụng tình thế này, nhiều sản phẩm bất động sản ra đời không đi theo chủ trương quy hoạch phát triển nào cả.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ tiền vào địa ốc, nhà liền thổ, đất nền là hai phân khúc hấp dẫn để hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng giá trong suốt một thập kỷ qua. Xu hướng này thể hiện rõ tại khu vực phía Nam. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng thị trường luôn sôi động.
Nhiều năm trước, các nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng "đánh bắt xa bờ", vào tận các thị trường phía Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Sau đó, giai đoạn 2019 - 2020, một xu hướng khác được chỉ ra, đó là một lượng đông đảo nhà đầu tư phía Bắc lại quay về tập trung vào các tỉnh vệ tinh và vùng ven thủ đô.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, sau một thời gian giá cả vùng ven tăng "nóng", có nơi bị đẩy lên gấp 2-3, thậm chí nhiều nơi hạ tầng không tương xứng song giá cả vẫn leo cao "từng ngày", thì xu hướng "đánh bắt xa bờ" của giới đầu tư Hà Nội lại lớn dần trở lại.
Theo thông tin trên kênh Batdongsan.com.vn, từ cuối tháng 9 đến nay, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện nhiều nhóm khách đầu tư đi "gom hàng". Trong số này, đa phần là các nhà đầu tư đến từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…
Theo khảo sát trên kênh thông tin rao vặt bất động sản, khu vực gần chợ Phước Lâm (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) một số khu đất có diện tích 120 m2, nằm gần chợ, sát biển, mặt tiền đường nhựa có giá khoảng 2,8 tỷ đồng. Hay những lô đất mặt tiền đường nhựa có diện tích 125 m2 ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, cách biển khoảng 2 km có giá chỉ 1,3 tỷ đồng.
Thị trường đang "sốt nóng" trở lại, khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung.
Tổng Hợp