Hơn 77% sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam là sang Trung Quốc

Thị trường nông sản hôm nay 28/10 giá cà phê thế giới tăng nhẹ, trong khi đó báo cáo từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, hơn 77% sản lượng cao su trong nước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chuyên gia dự báo cà phê Việt Nam và Brazil chiếm 60% thị phần toàn cầu trong niên vụ mới

Giá cà phê trong nước hôm nay 28/10 giao dịch trong khoảng từ 41.000 - 41.600 đồng/kg. 

Cụ thể, tại Lâm Đồng là 41.000 đồng/kg, Đắk Lắk: 41.600 đồng/kg, Đắk Nông: 41.500 đồng/kg, Gia Lai: 41.600 đồng/kg, Kon Tum: 41.600 đồng/kg. 

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 tăng 3 USD/tấn, giao dịch ở mức 1.878 USD/tấn; giao tháng 3/2023 giữ nguyên ở mức 1.864 USD/tấn. 

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 0,9 US cent/lb, giao dịch ở mức 178,85 cent/lb; giao tháng 3/2023 giảm 0,35 USD cent/lb, giao dịch ở mức 176,95 US cent/lb.

Thị trường nông sản 28/10 không có nhiều biến động - Ảnh 1.

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE mở rộng mức lỗ lên 1,92 USD/pound.

Theo cập nhật của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nguồn cung cà phê niên vụ vừa qua có phần thiếu hụt với sản lượng chừng 167,2 triệu bao (1 bao = 60 kg) so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu lên đến 170,83 triệu bao. Ước thị phần của Việt Nam chiếm chừng 27 triệu bao hay 16%.

Tuy vậy, sang niên vụ mới, cán cân cung - cầu của thị trường sẽ cân bằng hẳn, thậm chí nguồn cung có vẻ dồi dào hơn nhờ vụ mùa bội thu của Brazil đã thu hái xong, ước chừng trên 60 triệu bao. Nếu ước sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ mới chừng trên dưới 30 triệu bao, thì chỉ hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới Brazil và Việt Nam chiếm chừng 90 triệu bao, đủ để đáp ứng chừng 60% nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 10 đạt 36.156 tấn, lũy kế 9,5 tháng đầu niên vụ tăng 11,05% lên 23,01 triệu bao. Về giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh 35,45% tương đương 3,16 tỷ USD. Thông tin này phản ánh nguồn cung dồi dào của cà phê robusta nên giá robusta lại có 1 pha trượt dài. Theo phân tích kỹ thuật, lần thứ 2 giá xuyên thủng thành công mốc 2.000 USD, trong khi các chỉ số kỹ thuật hiện tại vẫn đưa tín hiệu động lượng giảm vẫn còn.

Tiêu xuất khẩu Việt Nam được đánh giá là chưa hội đủ nhiều tiêu chuẩn quốc tế

Giá tiêu hôm nay 28/10 tại thị trường trong nước cao nhất là 59.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 56.500 đồng/kg tại Gia Lai.

Tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo): 57.500 đồng/kg, Bình Phước: 58.500 đồng/kg, Đồng Nai: 57.0000đồng/kg.

Thị trường nông sản 28/10 không có nhiều biến động - Ảnh 2.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã niêm yết giá tiêu xuất khẩu của Indonesia theo chiều hướng tăng nhẹ, và giữ nguyên ở những thị trường khác. Từ đầu tuần, tổ chức này liên tục điều chỉnh giá tiêu của Indonesia lên xuống thất thường.

Ở trong nước, áp lực vào đầu vụ mới và nguồn dự trữ được đánh giá dồi dào đang gây sức ép giảm lên thị trường. Từ đầu tuần này, tỷ giá USD đang xu hướng đi xuống, tuy nhiên giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có cà phê và hồ tiêu không được lợi, thậm chí giảm.

Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, đồng USD đảo chiều giảm nhưng cũng không hỗ trợ giá do tiền tệ của Việt Nam nới lỏng tỷ giá, đồng nghĩa với việc xuất khẩu sẽ gia tăng giá bán để thu về nhiều ngoại tệ hơn. Đầu phiên giao dịch ngày 27/10 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm mạnh 1,21%, xuống mốc 109,74.

Hiện nay trên các diễn đàn những người trồng hồ tiêu Việt Nam, tâm lý bi quan đang bao trùm. Đa số ý kiến đều nhận định thị trường có thể về 50.000 đồng/kg khi vào vụ thu hoạch rộ. Yếu tố đột biến nâng đỡ thị trường chỉ có thể đến từ việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như giá bán thấp, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường.

Việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là rất quan trọng. Ngay cả Trung Quốc, thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam cũng đã có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Do đó sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam

 Giá cao su kỳ hạn hôm nay tiếp đà giảm toàn thị trường tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 11/2023 ghi nhận mức 220,8 JPY/kg, giảm 4,5 JPY/kg. Kỳ hạn tháng 12, 1/2023, kỳ hạn 2/2023, kỳ hạn tháng 3/2023 giảm mạnh từ hơn 1% đến hơn 3%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2022 có giá là 11.245 CNY/tấn, giảm 110 CNY/tấn; các kỳ hạn tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023 giảm trên dưới 1%.

Thị trường nông sản 28/10 không có nhiều biến động - Ảnh 3.

Cao su giảm 56,20 US Cents / kg hay 31,52% kể từ đầu năm 2022, theo giao dịch trên hợp đồng chênh lệch (CFD) theo dõi thị trường chuẩn cho mặt hàng này.

Trong tháng 9, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.445 USD/ tấn, giảm 4,7% so với tháng 8 và giảm 12,7% so với tháng 9/2021. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Cụ thể: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 9 Việt Nam xuất khẩu được 193,4 nghìn tấn cao su, trị giá 279,4 triệu USD, giảm 11,8% về lượng và giảm gần 16% về trị giá so với tháng 8, còn so với tháng 9/2021 tăng gần 7% về lượng, nhưng giảm 6,7% về trị giá.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá xuất khẩu, trong tháng 9, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.445 USD/ tấn, giảm 4,7% so với tháng 8 và giảm 12,7% so với tháng 9/2021. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trong kỳ, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 149,43 nghìn tấn, trị giá gần 208 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 8; so với tháng 9/2021 tăng 21,5% về lượng và tăng 4,4% về trị giá.

Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.392 USD/tấn, giảm 5,6% so với tháng 8 và giảm 14,1% so với tháng 9/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 989,6 nghìn tấn cao su, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Malaysia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 9/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.

HÀ MY