Theo như nguồn tin cho biết, những con chip được tích trữ đa phần là vi xử lý dùng trong các server được làm bởi Intel và Xilinx. Những con chip này là thành phần đặc biệt quan trọng cho Huawei trong các các máy chủ của hãng. Cho những ai chưa biết, nhà sản xuất Trung Quốc cũng tham gia sản xuất cơ sở hạ tầng kết nối 5G đồng thời cũng phát triển dịch vụ lưu trữ đám mây, tương tự như Amazon.
Các lệnh trừng phạt gần đây từ chính phủ Mỹ đã cắt nguồn cung cấp chip cho Huawei, nhưng có vẻ như công ty này đã chuẩn bị trước. Hiện họ đã có nguồn dự trữ chip đủ để sử dụng từ 1.5 năm đến 2 năm tới. Tuy nhiên việc chỉ sử dụng chip cũ mà không nâng cấp có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất lớn nhất Trung Quốc.
Huawei gần đây đã tiết lộ họ đã chi 167,7 tỷ nhân dân tệ (23,45 tỷ USD) để dự trữ chipset, linh kiện và hơn thế nữa vào năm 2019, một bước nhảy đáng kể lên 73% so với năm 2018. Đặc biệt, có vẻ như Huawei đã tập trung hơn vào việc xây dựng dự trữ đối với các chip lập trình từ Xilinx, bởi hiện tại khá khó để tìm vi xử lý nào có khả năng thay thế được, ngay cả từ nhà thiết kế chip của riêng họ, HiSilicon.
Tương tự, cùng khoảng thời gian đó, công ty cũng đã tích trữ rất nhiều các bộ phận chip nhớ như là NAND hay DRAM đến từ Samsung, SK Hynix, Micro và Kioxia. Có vẻ Huawei đã sẵn sàng một cuộc chiến chống lại chính phủ Mỹ từ rất lâu. Chắc chắn những quy định mới của Mỹ áp dụng lên Huawei sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến nhà sản xuất này nhưng ảnh hưởng bao nhiêu thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Theo Gizmochina