Khẩu trang không phải là mặt hàng bình ổn giá

Làm rõ hiện tượng "không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi" tại chợ thuốc Hapulico.

Trước thông tin dư luận bức xúc hiện tượng nhiều quầy tại chợ thuốc Hapulico (Hapu) cùng treo biển "không bán khẩu trang , nước rửa tay, miễn hỏi". Chiều ngày 4/2/2020, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng cục QLTT đã trực tiếp khảo sát tình hình chung khu vực kinh doanh ở chợ thuốc này.

Làm rõ hiện tượng
Làm rõ hiện tượng "không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi" tại chợ thuốc Hapulico.

Theo ghi nhận thực tế tại các cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico, tình hình ở đây đã trở lại bình thường, không còn chen lấn như những ngày vừa qua. Tất cả các quầy thuốc của toà nhà đồng loạt gỡ biển với nội dung "không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi" treo những ngày trước đó. Tuy nhiên khi khách hàng hỏi mua khẩu trang thì những quầy thuốc ở đây vẫn báo hết hàng.

Giải thích về điều này, Ngô Quốc Doanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hapulico cho biết, trong số 205 cửa hàng thuốc tại đây thì chỉ có 10 cửa hàng là bán vật tư y tế, 5 cửa hàng bán thực phẩm chức năng. Số còn lại đều bán tân dược. Như vậy số cửa hàng bán vật tư y tế trong đó có khẩu trang y tế và nước rửa tay y tế không nhiều. Ban quản lý tòa nhà cũng đã có thông báo nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Nếu hết hàng đề biển không còn hàng.

Lực lượng chức năng cũng đang tiến hành xác minh một số trường hợp cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin, bài viết kêu gọi các chủ cửa hàng ở chợ thuốc Hapulico không nhập, không bán khẩu trang. Khi có đủ căn cứ, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Khẩu trang không phải là mặt hàng bình ổn giá

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá. Tuy nhiên đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy.

Như vậy tính từ ngày 31/1 đến ngày 4/2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra 338 cửa hàng kinh doanh Thiết bị y tế (TBYT), hiệu thuốc kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Trong số các cửa hàng bị kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 95 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền xử phạt 197.100.000 đồng. Tạm giữ 137.776 khẩu trang các loại.

Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất mặt hàng khẩu trang, đánh giá năng lực và khả năng cung ứng mặt hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu phòng chống dịch.

Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công Thương.

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương