Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT

PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 9/12, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị PVS: Mua với giá mục tiêu là 29.500 đồng/CP

CTCK MB - MBS: Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận doanh thu đạt 11.082 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 672 tỷ đồng, bằng 115% và 96% cùng kỳ 2021. MBS tiếp tục đánh giá cao cơ hội đầu tư trung và dài hạn vào cổ phiếu PVS trong giai đoạn 2022-2025 với các dự án dầu khí lớn đang được hỗ trợ bởi giá dầu ở mức cao. Định giá cổ phiếu ở mức 29.500 đồng/cp, MBS khuyến nghị MUA cổ phiếu PVS.

Kết quả kinh doanh 9T.2022 duy trì khả quan, doanh thu tăng 15%, lợi nhuận trước thuế bằng 96% cùng kỳ 2021, trong bối cảnh lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí đang là điểm trũng Trong quý 3/2022, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 3.502 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 297 tỷ đồng, lần lượt bằng 88% và 106% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 11.082 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2021 và đạt 111% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 672 tỷ đồng, bằng 96% cùng kỳ 2021 và đạt 110% kế hoạch cả năm.

Lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí có doanh thu cao nhất với 5.470 tỷ đồng, tăng 16,5% và chiếm 49,4% tổng doanh thu. Tuy nhiên, chi phí cũng tăng cao làm cho Lợi nhuận gộp chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực Căn cứ cảng dịch vụ kỹ thuật mang lại lợi nhuận gộp cao nhất với 238 tỷ đồng, tăng 17%. Lĩnh vực Khảo sát địa chất có sự hồi phục tốt khi doanh thu tăng 85,5%, lợi nhuận gộp tăng 180% so với cùng kỳ.

MBS dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lần lượt đạt 15.144 tỷ đồng và 933 tỷ đồng, tăng 7% và 6% so với 2021.

MBS đánh giá triển vọng khả quan cho năm 2023 và các năm tiếp theo của công ty dựa trên các yếu tố: 1) Các hoạt động cốt lõi của công ty tiếp tục ổn định và tăng trưởng; 2) Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua với nhiều điểm mới hấp dẫn nhà đầu tư sẽ thúc đẩy lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí trong nước phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới; 3) Giá dầu được dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao từ 85-95 usd/thùng (dầu Brent); 4) Dự án Lô B- Ô Môn đang được Chính phủ, Bộ Ngành và địa phương quan tâm thúc đẩy tiến độ, có thể sớm đạt được quyết định đầu tư và thực hiện từ năm 2023, bến cạnh đó là các dự án đầu tư lớn trong và ngoài ngành dầu khí như: Nam Du – U Minh, Cá Voi Xanh, Báo Vàng,… các dự án trên bờ như LNG Thị Vải mở rộng, LNG Sơn Mỹ, LNG Long An, dự án Đường ống Đông-Tây nam bộ, dự án điện khí NT3&4, lĩnh vực điện gió ngoài khơi…

Định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng FCFE-FCFF, so sánh PE, PB ngành, giá trị cổ phiếu được xác định là 29.500 đồng/cp.

Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT - Ảnh 1.

Biểu đồ giá cổ phiếu PVS trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị VHM: Mua với giá mục tiêu 80.200 đồng/CP

CTCK CP Vinhomes: MBS lặp lại khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes, với giá mục tiêu 80.200 đồng/cp (+46%).

Các luận điểm chính: Thứ nhất, VHM là đơn vị phát triển bất động sản dẫn đầu tại Việt Nam với thị phần tổng hợp các phân khúc 27% (2016-3Q2022), bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác. Số lượng và quy mô các dự án khổng lồ với trên 16,8 nghìn ha và còn tiếp tục gia tăng cho phép công ty phát triển mạnh mẽ trong dài hạn với hiệu quả kinh doanh vượt trội. Lợi thế rất lớn từ các sản phẩm mở bán trong quý 4 như Vinhomes Đại An (Ocean Park 3 - The Crown) vào tháng 10 hay dự án mới như Golden Avenue (Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) vào tháng 11.

Thứ hai, giải pháp thông minh để tăng doanh thu và thanh khoản cho sản phẩm của VHM trong điều kiện ngành BĐS đang gặp nhiều thách thức: Tháng 10/2022, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập CTCP Đầu tư và Quản lý Bất động sản VMI (VMI) với vốn điều lệ 783 triệu USD.

VMI được thành lập do ông Phạm Nhật Vượng làm cổ đông chính (90% góp vốn bằng cổ phần VIC), cùng với VHM (5% cổ phần) và vợ ông Vượng (5% cổ phần), nhằm giúp cho các nhà đầu tư vốn hóa nhỏ có thể cùng đầu tư vào BĐS VHM với khả năng sinh lời đảm bảo và tạo tính thanh khoản cho sản phẩm Vinhomes cũng như đa dạng hóa kênh đầu tư cho khách hàng.

Thứ ba, hưởng lợi từ hệ sinh thái của Vingroup: Cung cấp các dịch vụ tiện tích chất lượng cao cho các dự án bất động sản thương hiệu Vinhomes. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh trong việc đạt được các quyết định đầu tư dự án bất động sản lớn trước các đối thủ khi ngày càng khó khăn trong việc phát triển quỹ đất, mặt khác còn có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh bán hàng, thu hút các nhà đầu tư, khách hàng mua sản phẩm.

Rủi ro đầu tư: Lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến: Xu hướng lãi suất tăng gây khó khăn cho cả thị trường, đây là mối quan tâm lớn của VHM và trong bối cảnh đó, VHM cũng chịu tác động từ cả chiều sử dụng vốn của nhà phát triển (cung) và chiều tài chính của người mua nhà (cầu). Tuy nhiên, VHM sẽ có những chính sách hỗ trợ khách hàng để kích cầu sản phẩm.

Bên cạnh đó, với việc thị trường vốn bị siết chặt hơn, rủi ro liên quan khả năng huy động vốn để tài trợ các dự án đang dần hiện hữu. Tuy nhiên, cũng chính vì thế dòng vốn sẽ mang tính chọn lọc cao hơn, ưu tiên những công ty hàng đầu, minh bạch và chuyên nghiệp và/ hoặc đã có khoản vay vốn từ nước ngoài như VHM.

Đối với rủi ro pháp lý: Các văn bản pháp lý còn chồng chéo, ví dụ Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS chưa đồng bộ làm chậm trễ quá trình phê duyệt dự án và ảnh hưởng hiệu quả các dự án. Tuy nhiên các quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt giúp thị trường sôi động trở lại.

Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT - Ảnh 2.

Biểu đồ giá cổ phiếu VHM trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị BVH:  Khả quan

CTCK SSI - SSI Research: Mặc dù lãi suất huy động liên tục tăng mạnh trong năm 2022, nhưng tác động đến KQKD của Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) là trong 9 tháng đầu năm 2022 còn rất hạn chế, do thị trường chứng khoán không khả quan và tỷ lệ bồi thường không còn ở mức thấp đặc biệt như năm 2021 trong giai đoạn giãn cách xã hội. Điều này phù hợp với dự báo của SSI Research và do đó, ước tính LNTT năm 2022 của SSI duy trì ở mức 2 nghìn tỷ đồng (giảm 0,6% so với cùng kỳ).

Năm 2023, SSI cho rằng tác động của việc tăng lãi suất đến kết quả kinh doanh của BVH sẽ được thể hiện rõ rệt hơn, với doanh thu tài chính tăng tốt theo xu hướng của lãi suất tiền gửi. SSI đang xem xét lại ước tính lợi nhuận cho năm 2023, trong khi chờ công ty công bố rõ hơn về danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (12,6 nghìn tỷ đồng cuối tháng 9/2022).

Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT - Ảnh 3.

Biểu đồ giá cổ phiếu BVH trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị VNM: Tích cực

CTCK Agribank (AGR): Doanh thu nội địa CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM – sàn HOSE) hồi phục qua từng quý với quý III/2022 đạt 13.775 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với nền cao cùng kỳ và tăng 10% so với quý trước đó.

Sau khi sắp xếp lại, từ quý III/2022 hoạt động của kênh phân phối truyền thống dần ổn định và hiệu quả. Bên cạnh đó VNM cũng tăng độ hiện diện khi mở mới thêm 600 điểm lẻ. Theo Ban lãnh đạo, các ngành hàng chủ lực (sữa đặc có đường, sữa chua ăn, sữa nước) tiếp tục tăng trưởng tốt và dẫn đầu thị phần.

Hiện giá nguyên liệu đang có xu hướng giảm, giá sữa bột gầy đã điều chỉnh từ vùng đỉnh 4.600 USD/tấn vào đầu tháng 4 xuống còn 3.250 USD/tấn. Qua đó, VNM có thể tận dụng các hợp đồng mua nguyên liệu với giá thấp hơn.

Quý III/2022, doanh thu của các chi nhánh nước ngoài đạt 1.117 tỷ đồng (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, Driftwood tăng gần 30% và Angkormilk tăng trên 20%.

VNM đang có kế hoạch đầu tư thêm 42 triệu USD vào thị trường Campuchia để xây dựng trang trại bò sữa hướng tới mục tiêu cho sữa trong vòng 2-3 năm tới và mở rộng diện tích nhà xưởng tại Angkormilk, nâng công suất sản xuất lên 90 triệu lít các loại mỗi năm. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong các quý tới bù đắp cho hoạt động xuất khẩu trực tiếp ảnh hưởng bởi lạm phát.

Tại thời điểm 30/9/2022, số dư tiền ròng là 12.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản, giúp VNM hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 92.000 đồng/CP.

Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT - Ảnh 4.

Biểu đồ giá cổ phiếu VNM trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị PHR: Tích cực

CTCK Agribank (AGR): CTCP Cao su Phước Hòa (PHR – sàn HOSE) kỳ vọng lợi nhuận sau thuế Q4/2022 tăng mạnh nhờ ghi nhận thu nhập từ tiền đền bù đất hơn 400 tỷ đồng ở dự án VSIP 3. Năm 2023, chúng tôi dự kiến PHR sẽ tiếp tục nhận hơn 200 tỷ đồng tiền đền bù đất cao su còn lại. Tuy nhiên lợi nhuận ròng ước tính cho năm 2023 có thể giảm khi thu nhập từ đền bù đất thấp hơn.

Về dài hạn, PHR hưởng lợi nhiều từ mảng BĐS KCN khi các dự án KCN Tân Lập 1, KCN Tân Bình mở rộng kỳ vọng được phê duyệt và triển khai trong năm 2024 - 2025. Bên cạnh đó, lợi nhuận cũng sẽ tăng trưởng nhờ các khoản đầu tư vào công ty liên kết như NTC, VSIP 3 khi các dự án Nam Tân Uyên 3 và VSIP 3 đi vào hoạt động.

PHR đang được định giá khá hấp dẫn với mức P/B TTM ~ 1,7x, thấp hơn các công ty tương đồng trong ngành và trung bình 3 năm trong quá khứ nhưng chúng tôi giảm giá mục tiêu PHR xuống 52.000đ/cp trong bối cảnh lãi suất tăng so với đầu năm và các dự án KCN dự kiến sẽ lùi tiến độ triển khai. Tuy nhiên, PHR với triển vọng kết quả kinh doanh trong Q4 tăng trưởng mạnh cùng với việc chuẩn bị chi trả cổ tức tiền 40% đợt 1/2022, với tỷ suất ước tính trên 9% sẽ là cơ hội đầu tư trong thời gian này.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PHR với giá mục tiêu 52.000 đồng/CP.

Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT - Ảnh 5.

Biểu đồ giá cổ phiếu PHR trong 1 tháng qua.

Khuyến nghị PVT: Tích cực

CTCK Agribank (AGR): Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2022 tăng trưởng tích cực với doanh thu thuần đạt 2.330 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó doanh dịch vụ vận tải đạt 1.807 tỷ đồng (tăng 45%), doanh thu dịch vụ hàng hải đạt 202 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, và doanh thu thương mại và dịch vụ khác đạt 321 tỷ đồng (tăng 38%). Đồng thời, PVT cũng ghi nhận lợi nhuận đột biến 200 tỷ đồng từ khoản thanh lý tàu Athena. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của PVT đạt 386 tỷ đồng (tăng 152%).

Nhu cầu đối với tàu chở dầu đang tăng mạnh kể từ giữa năm nay, khi Liên minh châu Âu EU áp dụng các lệnh trừng phạt về dầu thô đối với Nga, và xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Lệnh cấm vận dẫn đến hải trình vận chuyển dầu khí xa hơn khi Nga cần vận chuyển nhiều hơn đến thị trường Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ.

Ngược lại, EU cũng cần nhập khẩu từ các nước xa hơn. Chỉ số về giá cước liên quan tới hoạt động kinh doanh của PVT như: Cước vận tải dầu thô (Baltic dirty tanker), cước vận tải các xăng dầu thành phẩm (Baltic clean tanker) đều tăng mạnh trong thời gian gần đây

Triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo nhờ vào các tàu mới có thể chạy tuyến định hạn quốc tế với chi phí thấp hơn các chủ tàu nước ngoài.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 23.000 đồng/CP.

Khuyến nghị cổ phiếu 9/12: PVS, VHM, BVH, VNM, PHR, PVT - Ảnh 6.

Biểu đồ giá cổ phiếu PVT trong 1 tháng qua.

Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

TRUNG HIẾU