'Kịch bản Triều Tiên' có giúp kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraina?

"Kịch bản Triều Tiên" được đưa ra khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraina kéo dài và không bên nào chịu thỏa hiệp về "lằn ranh đỏ" của mình.

Trong bối cảnh có nhiều nguy cơ về một cuộc tấn công mới của Nga, các cuộc thảo luận về khả năng đàm phán chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraina gần đây đã được hồi sinh. Và trong số đó, chủ đề được thảo luận nhiều nhất chính là "kịch bản Triều Tiên".

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gợi ý về lựa chọn này, và điều đó cũng được hiểu là đã được thảo luận trong giới phân tích và chính trị phương Tây. Tuy nhiên, Oleksiy Danilov, Thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Medvedev khi nói rằng "Ukraina không phải là Triều Tiên".

"Kịch bản Triều Tiên" là gì?

Kịch bản này dựa trên một tiền lệ lịch sử - cụ thể là cách các hành động thù địch tạm dừng sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Về hình thức, đó là cuộc chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, mà ở đó Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ chế độ cộng sản Triều Tiên, còn Mỹ và một số nước phương Tây dưới lá cờ Liên hợp quốc (LHQ) đã tham chiến để bảo vệ chủ quyền của Hàn Quốc.

Đó là cuộc chiến tranh "nóng" cục bộ đầu tiên sau khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh - cuộc đối đầu giữa các nước tư bản ở phương Tây và các chính quyền Cộng sản ở phương Đông. Cả hai bên của cuộc xung đột đều liên quan đến các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, mối quan tâm chính là cách Chiến tranh Triều Tiên kết thúc - không có hiệp ước hòa bình và chỉ dựa trên thỏa thuận chấm dứt chiến sự bằng cách ấn định đường phân chia dọc theo lãnh thổ Triều Tiên, được gọi là vĩ tuyến 38.

'Kịch bản Triều Tiên' có giúp kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraina? - Ảnh 1.

Ukraina bắn hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 Grad về phía các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần thị trấn Marinka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 7/2. Ảnh: REUTERS

Tại sao kịch bản này được xem xét liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraina?

Không còn thời gian cho các biện pháp nửa vời hoặc trì hoãn vì về mặt lý thuyết, Nga có thêm hàng triệu thanh niên "kém may mắn" bị ném vào cuộc chiến "cối xay thịt" này.

Nguyên nhân chủ yếu là do lập trường đàm phán tương ứng của Ukraina và Nga không tương thích, và dường như trên thực tế không thể tìm thấy bất kỳ thỏa hiệp hòa bình nào. 

Ukraina không muốn từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào hiện đang bị Nga chiếm đóng và không thể từ bỏ những khu vực mà Nga nói rằng họ đã chính thức sáp nhập. Do đó, kịch bản có khả năng nhất để ngăn chặn chiến tranh là một thỏa thuận về việc chấm dứt chiến sự dọc theo một chiến tuyến được xác định.

"Kịch bản Triều Tiên" có thể mang lại lợi ích gì cho Nga?

Khi khơi mào cuộc chiến toàn diện chống lại Ukraina hồi tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn "đưa" Ukraina về dưới sự kiểm soát của Điện Kremlin. Ông cũng đã sử dụng những lời biện minh được như "phi phát xít hóa" và "phi quân sự hóa" để tiến hành kế hoạch của mình.

Hơn nữa, ông Putin còn đưa ra tối hậu thư cho phương Tây, yêu cầu NATO trở lại cấu trúc năm 1997. Một năm sau đó, Nga trắng tay. Nga thậm chí còn không thành công trong việc kiểm soát hoàn toàn các khu vực mà nước này sáp nhập.

Tổng thống Putin không thể thắng cuộc chiến này, nhưng ông cũng không muốn thua. Vì vậy, điều đó đặt ra câu hỏi – liệu Nga có đủ nguồn lực cho một cuộc xung đột kéo dài ở quy mô tương tự không?

Một thất bại nhục nhã đối với Điện Kremlin sẽ kéo theo việc mất tất cả các lãnh thổ chiếm đóng, bao gồm cả Bán đảo Crimea. Điều này có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Nga. Tuy nhiên, việc ngừng cuộc chiến hiện tại ở Ukraina, trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát ít nhất một phần lãnh thổ mà nước này đã chiếm giữ, sẽ có lợi cho Moscow một phần.

Tuyên truyền có thể coi đó là một chiến thắng tương đối. Một kịch bản như vậy cũng sẽ duy trì các đòn bẩy gây áp lực quân sự và chính trị đối với Ukraina và gián tiếp đối với phương Tây. Không còn nghi ngờ gì nữa, những người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Nga sẽ không hài lòng và sẽ có những lời chỉ trích và buộc tội, dẫn đến một vòng xoáy bất ổn chính trị nội bộ ở Nga.

'Kịch bản Triều Tiên' có giúp kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraina? - Ảnh 2.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 được phóng tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng, ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên ngày 18/2. Ảnh: REUTERS

"Kịch bản Triều Tiên" có thể mang lại lợi ích và rủi ro gì cho Ukraina?

Những điểm tích cực chính bao gồm chấm dứt mọi hoạt động thù địch (chẳng hạn như tấn công bằng tên lửa và pháo kích vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraina); bảo vệ mạng sống của các chiến binh và dân thường Ukraina; sự trở lại cuộc sống bình yên; và tạo ra các điều kiện tiên quyết để phục hồi nền kinh tế.

Nếu "kịch bản Triều Tiên" được thực hiện dựa trên những gì Ukraina yêu cầu - quay trở lại biên giới năm 1991 - thì đó sẽ là lựa chọn tốt nhất. Nhưng, hoàn toàn là một vấn đề khác nếu kịch bản này được thực hiện trước khi giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Một số người có thể hỏi tại sao chúng ta cần Crimea và Donbass, nơi đại đa số dân chúng thân Nga. Đúng là việc giải phóng các vùng lãnh thổ này sẽ tạo ra một vấn đề nội bộ lớn, nhưng tuyệt đại đa số người dân Ukraina ủng hộ việc giải phóng hoàn toàn tất cả các vùng đất của Ukraina đang bị Nga chiếm đóng.

Rủi ro cao nhất của "kịch bản Triều Tiên" là việc giữ một phần lãnh thổ bị chiếm đóng dưới sự kiểm soát của Nga có thể bị phần lớn người dân Ukraina từ chối. Một kịch bản như vậy sau đó chắc chắn sẽ bị chỉ trích, không chỉ bởi phe đối lập mà còn bởi những người ủng hộ chính phủ đương nhiệm.

Điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Từ quan điểm chiến lược, một rủi ro chính là kịch bản này không mang lại hòa bình bền vững và được đảm bảo, mà là một sự đình chỉ tạm thời. 

Điều này có nghĩa là nó có thể dễ dàng rơi vào một giai đoạn nóng mới và nhanh chóng dập tắt hy vọng về sự phục hồi kinh tế của Ukraina. Các nhà đầu tư và các nhà tài trợ tài chính sẽ không muốn chấp nhận những rủi ro như vậy khi đầu tư vào Ukraina.

"Tất cả mọi người - Ukraina, châu Âu và bây giờ là các nước ở châu Á - đều muốn tái vũ trang. Có một sự lo lắng về việc liệu viện trợ của phương Tây cho Ukraina có thể tiếp tục ở mức hiện tại lâu hơn nữa hay không - có nghĩa là "trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, Moscow có thể chiếm thế thượng phong".

Richard Fontaine, giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mỹ Mới

Ngoài ra, còn rất nhiều rủi ro và vấn đề khó khăn. Thứ nhất, thái độ của các đối tác phương Tây của Ukraina – dựa trên tín hiệu trực tiếp và gián tiếp – rõ ràng là mơ hồ. Các đối tác phương Tây mong muốn chân thành giúp Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga và họ cũng hiểu rằng hầu hết người dân Ukraina không muốn từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ bị chiếm đóng nào.

Thứ hai, rõ ràng là Putin sẽ không trở thành một đối tác "văn minh" trong các cuộc đàm phán và ông là người không thể tin tưởng được.

Thứ ba, những đối tác phương Tây lo ngại rằng cuộc chiến với Nga có thể kéo dài.

Thứ tư, nguồn vũ khí, khí tài còn hạn chế, trong khi các vấn đề kinh tế - xã hội, chính trị nội bộ đang nảy sinh.

Cuối cùng, vẫn còn lo ngại về khả năng leo thang mất kiểm soát của xung đột quân sự ở Ukraina và nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, có nguy cơ biến thành chiến tranh hạt nhân toàn cầu.

Tóm lại, "kịch bản Triều Tiên" không phải là ưu tiên của các nhà lãnh đạo và giới tinh hoa chính trị phương Tây. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn chưa bị bác bỏ hoàn toàn và vẫn có thể được xem xét trong một số điều kiện nhất định.

"Kịch bản Triều Tiên" có vẻ không khả thi vì cả Nga và Ukraina đều hy vọng xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho họ. Trong 6 tháng tới, hay đúng hơn là cho đến tháng 10/2023, cả hai bên sẽ cố gắng tiến hành các cuộc tấn công và hiện thực hóa lợi ích chính trị của mình bằng các biện pháp quân sự. Dựa trên kết quả của các hoạt động quân sự này, chắc chắn sẽ nảy sinh câu hỏi cho tương lai.

'Kịch bản Triều Tiên' có giúp kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraina? - Ảnh 4.

Vào thứ Ba, ông Putin sẽ đánh dấu một năm cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Ảnh: AP

"Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?"

"Kịch bản Triều Tiên" sẽ được xem xét nếu cuộc chiến vẫn kéo dài và nếu rõ ràng là không bên nào giành được lợi thế và mang lại chiến thắng quyết định. Đó là khi các cuộc đàm phán có thể bắt đầu.

Tình hình chính trị trong nước ở Nga và Ukraina, cũng như tình hình chung của các vấn đề quốc tế, sẽ ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả của các cuộc đàm phán như vậy.

Trong Chiến tranh Triều Tiên, hai năm đã trôi qua kể từ khi bắt đầu bế tắc trong các hoạt động quân sự và bắt đầu hành trình đàm phán trước một thỏa thuận cuối cùng. Do đó, Ukraina chỉ có thể xem xét "kịch bản Triều Tiên" nếu điều đó là không thể tránh khỏi và xã hội ít nhất cũng chấp nhận nó một phần.

Không cần phải nói, cả diễn biến và kết quả của cuộc chiến đều có thể diễn ra theo những kịch bản hoàn toàn khác nhau. Đối với người dân Ukraina, một trong số đó được gọi là "thắng lợi hoàn toàn".

(Nguồn: TTXVN/kyipvpost)

CHẤN HƯNG