Kinh tế đình trệ khiến "giấc mộng Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình tan vỡ?

Ngày 17/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố rằng nền kinh tế đã thu hẹp 6,8% trong quý I năm 2020. Trung Quốc thừa nhận sụt giảm kinh tế.

Năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 1990, Trung Quốc không công bố mục tiêu tăng trưởng GDP trong kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hồi tháng 5/2020. Trước đó, ngày 17/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố rằng nền kinh tế nước này đã thu hẹp 6,8% trong quý I năm 2020. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, Trung Quốc thừa nhận sụt giảm kinh tế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phải chăng tăng trưởng vượt trội của Trung Quốc trong gần một nửa thế kỷ đã chấm dứt bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19)?

Câu trả lời là không, điều đó không hoàn toàn chính xác. Thực tế ở đây là điều kiện tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã rất khó khăn ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện. COVID-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vẻ hào nhoáng mà bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả với thế giới bên ngoài là hoàn toàn giả dối, và hình ảnh siêu cường kinh tế của Trung Quốc chỉ là ảo tưởng. Trên thực tế, kinh tế là một trong các điểm yếu lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây.

GDP của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ năm 2003, đạt đỉnh vào năm 2007 ở mức 14,2%, nhưng kể từ đó đã suy giảm. Tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt mức 6,6% năm 2018 và mức 6,1% năm 2019, đánh dấu tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990. Các lý do dẫn đến sự trì trệ này là các vấn đề mang tính cấu trúc đã âm ỉ trong nhiều năm - bao gồm đầu tư quá mức, năng suất công nghiệp thấp, nợ cao, chi tiêu của người tiêu dùng giảm sút và thay đổi về nhân khẩu học.

Vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Trung Quốc đã tích lũy của cải theo cách rất hợp lý. Các nhà máy sản xuất các sản phẩm mang tính cạnh tranh mọc lên như nấm, và một loạt cầu cảng, đường sá kết nối các thành phố và thị trấn được xây dựng. Các khoản đầu tư này đã tạo ra việc làm và cơ hội thu nhập cho nhiều người, trong khi mở rộng hiệu suất kinh tế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay cả thời điểm hiện nay, Trung Quốc cũng đang tích lũy của cải, nhưng theo con đường sai lầm. Họ đang theo đuổi các khoản đầu tư mà không mang lại năng suất hay tiềm năng tăng trưởng. Các cây cầu và đường sá mà họ xây dựng không dẫn tới đâu. Hiệu suất đã sụt giảm liên tục trong thập kỷ qua.

Bên cạnh việc chi tiêu quá mức vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đang thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và chi tiêu công nghiệp bằng cách mở rộng tín dụng sẵn có. Trung Quốc đã nợ chồng chất. Năm 2019, tổng các khoản nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ của Trung Quốc đã tăng lên 40 nghìn tỷ USD - khoảng 300% GDP của họ. Một điều trớ trêu ở đây là Trung Quốc - quốc gia đang tạo ra các "bẫy nợ" cho các quốc gia nhỏ hơn - lại đang mắc khoản nợ lớn như vậy.

Làm thế nào Trung Quốc có thể hoàn trả khoản nợ đó? Một phương tiện hiệu quả sẽ là chuyển từ tăng trưởng dựa trên đầu tư sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng. Tuy nhiên, liệu điều đó có khả thi hay không, nếu xét tới tỷ lệ thất nghiệp và sức mua giảm sút của người dân Trung Quốc?

Trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang lao dốc, nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp đã phải đóng cửa, dẫn tới thất nghiệp hàng loạt và cản trở tăng trưởng tiền lương. Vào giữa năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị lên tới 5,3%, mức cao nhất trong 2 năm. Và trong kịch bản hậu COVID-19, con số này còn tồi tệ hơn và có xu hướng đạt mức cao nhất chưa từng có tiền lệ.

Ảnh: AFP
Ảnh: AFP

Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây thừa nhận rằng hơn 600 triệu người Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 140 USD - không đủ để thuê 1 căn phòng tại các thành phố của Trung Quốc. Nếu nhà lãnh đạo của một nhà nước Cộng sản - vốn luôn tìm cách che đậy các sai lầm và khiếm khuyết của mình - lên tiếng thừa nhận như vậy, chúng ta có thể dự đoán rằng tình hình thực tế còn ảm đạm hơn nhiều.

Nhân khẩu học của Trung Quốc cũng không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Dân số trong độ tuổi lao động đã thu hẹp kể từ năm 2012 - một kết quả tất yếu của chính sách một con được ban hành năm 1979. Các ước tính dự đoán rằng số người nghỉ hưu có thể chiếm hơn 40% dân số Trung Quốc vào năm 2050. Dân số già hóa sẽ thử thách khả năng của Đảng Cộng sản trong việc cung cấp chương trình an sinh xã hội cho người dân.

Mục tiêu tăng trưởng GDP là chỉ dấu về niềm tin kinh tế của Đảng Cộng sản. Việc thiếu mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay là dấu hiệu cho thấy môi trường kinh tế hiện là thách thức khó khăn nhất mà Trung Quốc đang đối mặt trong nhiều thập kỷ qua. Mấu chốt của tính hợp pháp của chế độ Cộng sản là việc đảm bảo chất lượng cuộc sống, việc làm và sự ổn định.

Năm 2020 là một phần quan trọng trong kế hoạch tổng thể “ Giấc mộng Trung Hoa ” của Tập Cận Bình - xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Trung Quốc đã đặt mục tiêu xóa đói nghèo và nâng cao mức sống của người dân vào năm 2020. Tuy nhiên, có vẻ như “giấc mộng” đó đã tiêu tan, không chỉ đối với Tập Cận Bình, mà với hàng tỷ người dân Trung Quốc đã tin tưởng ông cũng như các kế hoạch tham vọng của chính quyền ông.

Cuộc khủng hoảng kinh tế mà Trung Quốc đã chứng kiến trong những năm gần đây cho thấy thất bại lớn của Đảng Cộng sản. Hàng triệu thanh niên có thể không đạt được thành công và sự thịnh vượng như thế hệ cha mẹ của họ từng có. Rõ ràng, họ có lý do để đặt câu hỏi về tính hợp pháp và quyền lực của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, và điều đó đặt ra thách thức đối với sự ổn định của Trung Quốc.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương