Kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực

Kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành động lực của nền kinh tế. Năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã tương đối yếu, thể hiện qua chỉ số nợ thuế cao. Khi phân tích mô hình tài chính cho thấy nhà nước còn chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Việc yêu cầu các doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất là vấn đề “bấp bênh” trong pháp lý. Nếu doanh nghiệp không đồng thuận và có những ràng buộc về hiệp định thương mại dễ dẫn đến việc khiếu kiện ra trọng tài quốc tế.

Tổng hợp ý kiến tại 20 tổ thảo luận cho thấy 106 ý kiến tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cô đọng, súc tích. Về các kết quả đạt được, một số vị đại biểu nhấn manh tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,64%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,82%) , thu ngân sách nhà nước đạt ấn tượng.

GDP năm 2021 tăng khoảng 6,5% -7,0% dựa trên đóng góp của các cấu phần:

- Cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đáng kể so với mặt bằng thấp của năm 2020. Doanh thu bán lẻ hàng hóa sẽ tiếp tục phục hồi sau khi các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã cho thấy hiệu quả, quá trình thích nghi với chế độ “bình thường mới”, giúp cho nhu cầu tiêu dùng trở lại nhiều hơn, thậm chí cả tại các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

- Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn là chỉ báo quan trọng đối với sức khỏe của ngành sản xuất, vốn có mức đóng góp đáng kể vào GDP đã cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

- Cùng với đó, việc duy trì thành công sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng chính sách nhất quán của chính phủ trong thu hút đón đầu dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc, góp phần thúc đẩy đầu tư từ cả 2 khu vực công tư. Trong đó, phải kể đến các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ tại các trung tâm kinh tế truyền thống mà còn tại nhiều các thành phố vệ tinh xung quanh như Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai,… tại khu vực phía Nam hay Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… tại phía Bắc. Đây được đánh giá là những nhân tố thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Diễn biến thuận lợi về lạm phát tiếp tục được duy trì trong năm 2021. Tỷ lệ lạm phát năm 2021 được dự báo mức không quá 4%. Năm 2021 sẽ ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi: Chính phủ chưa tăng lương cơ bản cho năm 2021; Mặc dù cầu tiêu dùng vẫn đang phục hồi tốt nhưng chưa thực sự mạnh mẽ đủ tạo sức ép lên lạm phát; Nhóm lương thực thực phẩm cần phải lưu ý theo dõi diễn biến giá gạo và thịt lợn, trong đó Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và điều phối nguồn cung, bên cạnh đó, hoạt động tái đàn và nhập khẩu lợn giống cũng được đẩy mạnh; Chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt, giảm thiểu tối đa các tác động; Giá cả của các loại hàng hóa dịch vụ công, điện, nước, y tế trong khả năng điều hảnh và kiểm soát của Chính phủ.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn luôn tồn tại những yếu tố gây áp lực tăng nhất định lên lạm phát, đó là: Cầu tiêu dùng nội địa ghi nhận cải thiện đáng kể ở nhóm tiêu dùng không thiết yếu; Giá dầu ảnh hưởng theo diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với các chính sách về năng lượng tái tạo và dầu đá phiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn được ghi nhận, giá dầu khó có thể tăng mạnh; Do chịu tác động tiêu cực từ thiên tai, nhu cầu các mặt hàng nguyên liệu dân dụng, sửa chữa có thể tăng lên; Nhóm y tế cũng có thể ghi nhận áp lực tăng, trong đó vật tư y tế chịu áp lực tăng theo nhu cầu chung thế giới, nhu cầu chữa trị tăng do công tác dự phòng.

Lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định kim ngạch xuất khẩu tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn gia tăng; sức khỏe và tính mạng của Nhân dân được chăm lo và bảo vệ cũng là những kết quả được đại biểu ghi nhận. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra không ít hạn chế, như thu hút FDI giảm; vốn đầu tư nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn cùng kỳ, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp lớn rời bỏ thị trường. Bên cạnh đó tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước. Một số ý kiến nhấn mạnh việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Đánh giá về việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nhiều đại biểu sốt ruột khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm, không đạt được mục tiêu. Việc này còn nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt liên quan đến đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo nhận xét của đại biểu. Liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu cho rằng việc tiếp cận các gói hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hầu như không tiếp cận được nguồn vốn do chưa đáp ứng đầy đủ được tiêu chí.

Với các chỉ tiêu lớn về kinh tế đã đề ra, như tỉ trọng chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP, đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng là 45%, Chính phủ ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế, tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Trọng tâm là hoàn thiện các quy định còn chồng chéo, chưa phù hợp liên quan đến quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài chính, ngân sách, tài sản công, thuế, công nghiệp...  Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó sửa đổi, hoàn thiện, trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc ban hành nghị quyết thí điểm với các vấn đề mới phát sinh, gắn đẩy mạnh phân cấp phân quyền, rõ trách nhiệm.

Yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh được đặt ra. Trong đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp nền tảng, cụm liên kết, gắn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.  Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ gắn với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng kiên quyết khắc phục tình trạng dàn trải, manh mún, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát.

Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia. Cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Đáng chú ý, Chính phủ chú trọng việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả với mục tiêu vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP.

Nhật Hạ