Ký ức cánh đồng

Đi xa lâu rồi sao vẫn nhớ tuổi thơ lấm lem mà trong trẻo, nhớ cánh đồng quê nhà yêu dấu đã đồng hành theo tôi suốt cả cuộc đời.

Có những chuyện xa lắc xa lơ từ ngày thơ bé chẳng dễ gì quên được. Đi xa lâu rồi sao vẫn nhớ cái thời chăn trâu cắt cỏ, nhớ tuổi thơ lấm lem mà trong trẻo, nhớ cánh đồng quê nhà yêu dấu đã đồng hành theo tôi suốt cả cuộc đời.

Đồng làng Gôi quê tôi ở huyện Gia Lộc, Hải Dương. Khi lúa trên đồng đã gặt xong, thóc đã vào bồ, ngoài đồng chỉ còn lúp xúp những mô rạ được úp ngược gốc lên. Trông xa như những quân cờ hình nón trên bàn cờ được xếp rất thẳng hàng. Thương cây lúa uốn câu như dáng mẹ lưng còng. Lúa cũng một thời con gái thắt đáy lưng ong, một thời dành sữa nuôi con để bây giờ thân còm xác rạ.

Ảnh minh họa: Khiếu Minh
Ảnh minh họa: Khiếu Minh

Ngày nay không còn những mô rạ đó nữa vì người ta đã dùng máy gặt cả rồi. Hồi đó tôi cũng tầm 13, 14 tuổi theo chị ra đồng chống rạ. Trông thì đơn giản vậy mà phải tập mãi mới biết làm. Thoạt đầu, người ta sẽ chụm phần gốc của mô rạ lại, sao cho phần ngọn xòe ra hình cái quạt. Sau đó dùng hai tay và kết hợp cả chân nữa, đỡ cho mô rạ đứng lên thành hình một cái nón úp xuống đất, sao cho phần chân choãi đều ra xung quanh. Nếu chống không khéo để lệch một bên là đổ ngay.

Lúc này, các cánh đồng trũng chỉ cấy được một vụ chiêm, quê tôi gọi là “cánh triều”, nước đã rút cạn. Cứ để như vậy khoảng 2 đến 3 tuần, rạ khô đi, lúc ấy đồng cũng không còn nước nữa. Người ta sẽ bó lại thành những bó lớn, dùng đòn càn xỏ vào 2 bó và gánh về nhà. Thường cách này chỉ dùng cho vụ mùa vì tháng mười đã hết mùa mưa, sắp ghé sang đông nên thời tiết sẽ khô hanh, tiện cho việc thu gom rơm rạ.

Tầm tháng 7, tháng 8 âm lịch mưa nhiều, các cánh triều ngập trắng băng nước, chỉ còn thấp thoáng vài bụi cây gáo còn thò ngọn lên. Có những năm mưa sớm, lúa chiêm chưa kịp gặt xong nước đã ngập mênh mông. Các nhà lại hối hả làm bè chuối để đi gặt. Nước đã ngập lút ngọn lúa, phải dầm mình xuống nước, dùng liềm quơ mò. Được nắm lúa nào thì đặt lên bè chuối kéo về bờ cao rồi gánh về nhà. Nếu không gặt kịp, lúa ngâm trong nước mấy ngày sẽ nảy mầm hết, thế là công toi mấy tháng giời chăm bón.

Ảnh minh họa: Khiếu Minh
Ảnh minh họa: Khiếu Minh

Đi gặt mò thế thật vất vả nhưng cũng vui đáo để vì cả làng đều phải làm như vậy. Nhiều khi đi gặt bất chợt gặp nguyên một ổ trứng “đâm đấm” (gà đồng, cúm núm) thật là thú vị. Loài chim đâm đấm này chỉ ở ngoài đồng, đến mùa đẻ trứng, chúng vần những cây lúa lại làm thành một cái tổ như cái ổ gà nhỏ và đẻ trứng vào đó. Đó là một loài chim lớn, to gần bằng con gà, chân cao thích hợp cho việc lội nước. Trên đầu nó có mào màu đỏ tươi rất đẹp. Mùa sinh sản chúng kết đôi và gọi nhau bằng những tiếng “túc, túc...” nghe rất vui tai. 

Tầm giữa tháng 10 âm lịch, khi nước rút cạn, cũng là mùa lũ trẻ trâu chúng tôi lội triều bắt cua, đặc biệt là bắt cà ra, một loài cua lớn giống như cua bể. Mai cà ra to bằng cái bát ăn cơm, càng của nó to bằng ngón chân cái. Thịt rất thơm ngon. Ngày nay giống này không còn nữa. Mà ngay cả cua cá trên đồng cũng cực hiếm, không như ngày xưa. Loài cà ra này thường sống ở các con sông lớn, khi mùa lũ nước ngập đồng, chúng mò lên các bờ đất ngập để đào hang, làm tổ.

Chúng tôi lội qua sông Ba Tòa sang đồng Thị Đức. Lúc này nước chỉ còn đến bụng. Sông Ba Tòa chảy ngoằn ngoèo trong một khu đồng trũng rộng lớn của làng Thị Đức, tiếp giáp phía Nam của cánh đồng làng Gôi. Bọn trẻ trâu cứ nghe nói sông Ba Tòa là thấy sợ vì chúng nghe người lớn đồn rằng ở đó lắm ma. Lại giáp với mả Đông Keo, nghĩa trang của làng nữa nên khu vực ấy càng hoang vắng.

Mùa mưa nước ngập trắng mênh mông, đứng trên bờ bên này nhìn về phía làng Thị Đức chỉ thấy lũy tre xa xa. Một vùng nước mênh mông như biển, chả có đứa trẻ trâu nào mà không sợ, thử hình dung mình bị vứt xuống giữa biển nước kia, chưa chết đuối thì đã chết vì sợ rồi.

Chúng tôi chưa bao giờ đặt chân vào làng Thị Đức. Chỉ biết đó là quê của thầy Duật, dạy chúng tôi hồi lớp 3, lớp 4. Mà nghe nói, thầy còn dạy cả bố mẹ chúng tôi vì khi thầy dạy chúng tôi, thầy đã già bạc cả tóc rồi. Về sau khi lớn lên, tôi còn biết Thị Đức là quê của nhà văn Tô Đức Chiêu. Năm 1986 ông có đăng một bài tản văn rất hay, nói về làng Thị Đức quê mình trên báo Quân đội Nhân dân với tựa đề: “Chân làng”.

Khi nước rút cạn, đồng chỉ còn lơ thơ những đám rong rêu, là nơi trú ngụ lý tưởng của bọn cua đồng. Nhưng đã lội sang triều Thị Đức, mục tiêu của bọn trẻ trâu chúng tôi chính là những hang cà ra đầy hấp dẫn. Lội dọc theo bờ ruộng, mắt dán vào mé bờ sát mép nước, lâu lâu bắt gặp một cửa hang to như cái tô đựng canh, bên ngoài đã được quây bằng một vùng đất do cà ra đào hang tha ra ngoài. Mắt đứa nào đứa nấy sáng lên, vì trong hang thế nào cũng có một cụ cà ra già mốc thếch, mai to như cái bát ăn cơm.

Thấy hang cà ra mừng hết biết, nhưng để bắt được nó không hề đơn giản. Hang cà ra sâu lắm, ít nhất cũng phải mét rưỡi. Vì sâu như thế nên bọn tôi có sáng kiến là đào chặn trước chứ không đào lần lượt. Được cái đất ruộng triều ngâm nước lâu ngày nên cũng dễ đào. Hì hục mãi rồi cũng đến lúc đụng vào chân cà ra, thằng nào thằng nấy lấm như trâu đằm. Để lôi được cà ra ra khỏi hang cũng phải thật khéo, phải lựa và luôn cảnh giác với đôi càng của nó với những cú kẹp chí mạng.

Ảnh minh họa: Khiếu Minh
Ảnh minh họa: Khiếu Minh

Trong cuộc đời bắt cà ra của mình, tôi cũng từng bị cà ra cắp cho những cú rụng rời chân tay, đau và buốt, đau đến tái xanh cả mặt mày. Lúc ấy chỉ còn một cách cố chịu đau, đập mạnh vào cái tay đang bị cắp, bị tác động một lực lớn bất ngờ, con vật mới chịu nhả ra. 

Một buổi chỉ cần đào được 3, 4 con đã là tuyệt vời rồi, mỗi con cỡ bự cũng tầm 5, 6 lạng. Cà ra luộc hoặc nấu canh rau đay thì khỏi phải nói, ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào.

Quần thảo, oanh tạc mấy tiếng đồng hồ khắp cánh triều Thị Đức, cuộc săn tìm cà ra cũng đến hồi kết thúc. Thằng nào thằng nấy giỏ cũng đã nằng nặng, bắt đầu hò nhau trở về. Ai cũng vui, cười đùa trêu chọc nhau. Thằng Nghiệp vừa đeo giỏ vừa nghêu ngao. Nó mới học được một bài hát chế từ bài “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến:

“Anh đi bắt cà ra. Anh về anh nấu anh ăn rồi đêm anh đái dầm...”.

Nó cố kéo dài từ đái dầm... làm cả bọn cười ngặt nghẽo.

- Bọn mày ơi, về tắm rửa sạch sẽ, chiều nay hơn 5 giờ sang nhà tao nghe chương trình đọc truyện dành cho thiếu nhi, truyện “Anh là chiến sĩ” của nhà văn Nguyễn Bùi Vợi, hay lắm bọn mày ạ!

Chả là bố nó mới mua được một cái đài National mới, đi đâu cũng khoe.

- Ừ, đợi nhé, bọn tao sẽ sang!

Trẻ con nhà quê chúng tôi thời bao cấp vất vả mà vui đáo để. Tuổi thơ tôi như mảnh trăng liềm bỏ quên trên đồng bao mùa gặt hái. Tóc pha sương một chiều ta trở lại, tìm mảnh trăng xưa hao khuyết đến bao giờ?

Đỗ Ngọc Hanh

Gặp nhau những ngày hoang tàn

Gặp nhau những ngày hoang tàn

Đại dịch không chỉ cướp đi mạng sống, thách thức sự sinh tồn mà còn thay đổi những khái niệm về gặp gỡ, yêu thương.