Nhiều người siêu giàu lập ra các văn phòng gia đình (family office), bao gồm một vài hoặc hàng chục nhân viên, với mục đích giúp họ quản lý các khoản đầu tư, hoạt động từ thiện và "đồ chơi cao cấp" như du thuyền. Một văn phòng có thể đảm nhiệm trông coi tiền, tài sản của một người ở một thành phố, hoặc của đại gia đình trên nhiều quốc gia.
Đổi lại, nhân viên làm việc tại văn phòng gia đình của giới siêu giàu, được trả lương ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn nhân viên làm ở ngân hàng, quỹ đầu tư tư nhân và các công việc tài chính hàng đầu khác. Tuy nhiên, tính chất độc đáo của công việc khiến những ứng viên được các nhà tuyển dụng kỳ vọng có nhiều năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm khác thay vì các kỹ năng tài chính cơ bản.
Dưới đây, Business Insider đã phỏng vấn 3 nhà tuyển dụng của các văn phòng gia đình để tìm hiểu rõ hơn về những phẩm chất nào giúp ứng viên có cơ hội tốt nhất để trở thành nhân viên quản lý tài sản cho gia đình siêu giàu.
Nhân viên làm việc tại văn phòng gia đình của giới siêu giàu được yêu cầu có nhiều kỹ năng đặc biệt (Ảnh minh hoạ). |
1/ Đa tài
Trong các văn phòng gia đình, các nhân viên (thậm chí có cả giám đốc điều hành) phải đảm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau. Điều này khác ở những công ty thông thường khi những nhân viên thường được xác định rõ ràng về trách nhiệm và công việc.
"Một giám đốc đầu tư tại ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs có thể không phù hợp với công việc này, bởi họ đã quen với việc có một đội ngũ hỗ trợ lớn, chẳng hạn như có 10 nhà phân tích và 2 trợ lý đồng hành cùng họ. Trong khi đó, khi làm việc ở văn phòng gia đình, họ sẽ phải tự mình thực hiện mọi công việc, từ phân tích đầu tư đến đặt vé máy bay", Paul Westall, đồng sáng lập công ty tư vấn tuyển dụng Agreus Group, nhận định.
Jimmy Soh - cố vấn tại công ty tuyển dụng AP Executive, nhấn mạnh đến phẩm chất của ứng viên là có thể đảm nhiệm nhiều vai trò, phát triển chuyên môn ở đa dạng lĩnh vực.
Soh cho biết: "Bạn không chỉ phải là một nhà quản lý đầu tư mà còn kiêm nhiệm vị trí cố vấn gia đình và bất kỳ vai trò bổ sung nào khác như trợ lý cá nhân".
Một gia đình tỷ phú Hong Kong (Trung Quốc) từng yêu cầu ông Soh thuê một trợ lý điều hành với mức lương 20.000 USD/tháng. Ứng viên cần là một kế toán viên có bằng cấp thuộc Ivy League (danh hiệu đại học hàng đầu nước Mỹ) và nói được 3 thứ tiếng.
Mô tả công việc cho vị trí này bao gồm lập kế hoạch cho các chuyến công tác và di chuyển cá nhân của gia đình, cũng như quản lý du thuyền và thủy thủ đoàn của họ. "Nhiều gia đình siêu giàu nói rằng ngân sách dùng để tuyển dụng ứng viên là vô hạn. Vì họ đang tìm kiếm những người tốt nhất", Soh nói.
Một nhân viên có thể được yêu cầu giúp khách hàng quản lý các tài sản đắt tiền, chẳng hạn như du thuyền (Ảnh minh hoạ). |
2. Độc lập, cam kết có mặt 24/7
Theo ông Soh, nhân viên tại văn phòng gia đình được yêu cầu có sự cam kết cao với công việc. Họ có thể nhận yêu cầu bất cứ lúc nào, kể cả giờ ăn trưa hoặc giữa đêm.
"Hầu hết yêu cầu đều có thể rất khắt khe. Vì họ thuê bạn để làm việc ở một vị trí cụ thể và dễ dàng tìm được người mới ở công ty khác", Soh cho biết.
Ở châu Á, nhiều văn phòng gia đình vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nên công việc chưa được phân định rõ ràng như ở châu Âu hoặc Mỹ. Pierre Pineau, người đứng đầu văn phòng Singapore của Agreus Group, cho biết nhân viên thường phải sẵn sàng xử lý mọi công việc cũng như làm việc nhiều giờ xuyên suốt 7 ngày/tuần.
Tính chất công việc cũng đòi nhân viên có sự độc lập cao.
Pineau cho biết tại các thị trường mới nổi ở Châu Á, nhân viên thường làm việc độc lập tại một địa điểm trong khi văn phòng chính nằm ở quốc gia khác.
Ông Westall cho biết, "tính linh hoạt" có thể là chìa khoá giúp bạn được tuyển dụng vào công việc. Ông đã từng tuyển một giám đốc đầu tư (CIO) để làm công việc giám sát khoản đầu tư vào ngựa đua thuần chủng của một gia đình giàu có. Dù ứng viên là một cựu nhân viên ngân hàng có năng lực, anh lại không có kinh nghiệm về ngựa đua.
"Nhưng sau đó, anh ta vẫn nhận được công việc này, và làm việc vì anh ta phải làm vậy. Những nhân viên chủ chốt, gắn bó lâu dài được trong các văn phòng gia đình sẽ xây dựng được lòng tin, nếu khi có vấn đề xảy đến, họ giải quyết tốt chúng bằng những ý tưởng đột phá", Westall nói.
Nhân viên được yêu cầu có thể học hỏi bất kỳ kỹ năng nào, chẳng hạn như đua ngựa (Ảnh minh hoạ). |
3. Giỏi ăn nói, EQ cao
Trong các văn phòng gia đình, nếu bạn chỉ có sự thông minh về mặt chuyên môn là không đủ. Làm việc cho một gia đình giàu có đòi hỏi nhân viên có khả năng quản lý cả tài sản lẫn các mối quan hệ cho gia đình.
Ông Westall cho hay một trong những phẩm chất chính mà nhân viên văn phòng gia đình cần có là trí tuệ cảm xúc (EQ). Chẳng hạn như ứng viên có thể làm việc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau trong cùng một gia đình, từ cậu con trai 16 tuổi cho đến người mẹ và ông nội của cậu.
Ứng viên cũng phải có kỹ năng giao tiếp để thích ứng với yêu cầu và mối quan hệ đa dạng của các thành viên khác nhau trong gia đình. "Hãy nhớ rằng, bạn đang trao đổi công việc của mình với những người có thể không am hiểu nhiều về tài chính, chứ không phải đồng nghiệp tại ngân hàng", Ông Westall nhấn mạnh.
Ông Soh cho biết các yếu tố vô hình, như tính cách hay khả năng hòa hợp với các thành viên gia đình, thường quyết định thành bại của một ứng viên. Việc bạn được tuyển dụng hay không còn phụ thuộc tính cách phù hợp với gia đình khách hàng hay không.
Ông lấy ví dụ, một người có thể thông minh, nhưng khó để làm việc cùng hay có tích cách kỳ quặc có thể không phù hợp để gia nhập văn phòng. Hoặc một số gia đình khắt khe có thể từ chối ứng viên vì một số chi tiết nhỏ như cách họ đi lại hay ăn mặc, tuy nhiên những gia đình khác cởi mở hơn lại tôn trọng ứng viên không đi theo khuôn mẫu nhất định.
Ông Westall chia sẻ câu chuyện về một nhân viên văn phòng gia đình bắt đầu sự nghiệp ở vị trí nhân viên dọn dẹp trong thời gian học trường điện ảnh. Anh giúp gia đình chủ viết một kịch bản và sau đó được tuyển dụng để giám sát các khoản đầu tư vào ngành phim ảnh của gia đình.
"Đôi khi, họ không tìm kiếm người có kinh nghiệm cụ thể, mà là người có thể mang lại giá trị cho văn phòng gia đình đó. Đó là một câu chuyện lạ kỳ, nhưng sự thật là có những cách kỳ lạ để mọi người bước chân vào các văn phòng gia đình", ông Westall chia sẻ.
Theo Business Insider
Dubai rớt khỏi top 10 thành phố đắt đỏ nhất dành cho giới siêu giàu
Một báo cáo cho thấy Dubai không còn nằm trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với giới siêu giàu, vì chi phí sinh hoạt ở đây vẫn cạnh tranh so với các thành phố lớn trên toàn cầu.