Gặp nhau những ngày hoang tàn

Đại dịch không chỉ cướp đi mạng sống, thách thức sự sinh tồn mà còn thay đổi những khái niệm về gặp gỡ, yêu thương.

Bạn vỗ nhẹ vai tôi, hơi thở gấp chưa kịp dứt thì đã vội nhoẻn miệng cười “Chờ lâu không? Đưa ba lô đây”. Khoảnh khắc ấy là điều tôi đã chờ đợi hơn hai năm qua. Hay nói cách khác, là giây phút mà một vùng ký ức của tôi về những lần đặt chân xuống sân bay Nội Bài chợt được đánh thức. Hành động thân thương từ người bạn của mình đã in đậm trong trí nhớ của tôi nhiều năm qua, kể từ ngày chúng tôi là bạn và mỗi khi tôi đặt chân đến Thủ đô, bất kể ngày đêm. Chỉ có điều, phút giây gặp lại chợt trở nên lạ lẫm đôi chút, không phải vì khung cảnh, cũng chẳng phải vì con người. Có chăng, thời gian hai năm của đại dịch đã khiến nhịp điệu của mỗi hành động không còn như cũ.

Đại dịch không chỉ làm gián đoạn nhiều chuyến đi bên ngoài Việt Nam của tôi đến những vùng đất mà tôi chỉ gặp trong trang sách hay giấc mơ. Mà đại dịch, trong một chiều kích giới hạn hơn, gián đoạn cả những chuyến đi đến nhiều vùng đất thân quen khác, nơi mà tôi luôn tìm kiếm một lý do thích đáng để đặt chân đến ít nhất mỗi năm một lần. Hà Nội là một chốn như vậy.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Lần ghé thăm Hà Nội đầu đông là chuyến bay đầu tiên sau hai năm, kể từ ngày cuối cùng đáp chuyến bay từ Ấn Độ về vào cuối năm 2019, ngay trước thềm đại dịch. Với một kẻ cuồng đi, cảm giác trở lại với cung đường bay, được nhìn thấy trời mây bồng bềnh và tận hưởng cảm giác ù tai bằng tất cả niềm hân hoan sau một thời gian dài, chợt trở nên sống động hơn bao giờ hết. Đâu đó xen lẫn trong sự thích thú và háo hức còn chất chứa cảm giác biết ơn về sự sống sót của chính mình. Khi mà những ngày tháng mà cái chết là điều mong manh và khó đoán, thì từng giây phút biết mình còn được sống, được yêu, được đi luôn là điều may mắn.

Tôi không tính toán mình sẽ ở lại bao lâu hay những nơi mình muốn đặt chân trong lần ghé thăm này. Những cuộc gặp gỡ ở ngưỡng cửa dịch bệnh phải chăng đều không có kịch bản? Vì đâu biết chừng chuyến bay của tôi có ca dương tính, và tôi sẽ cách ly ở một trung tâm thuộc ngoại thành. Hoặc không may, điểm đến mà tôi muốn ghé chân chợt đổi màu trên bản đồ dịch, và tôi phải ở lại lâu hơn dự tính. Nên có chăng, điều duy nhất tôi chuẩn bị, là tâm thế gặp lại người bạn thân thiết của mình sau một thời gian dài.

Câu chuyện thú vị nào tôi muốn kể hay trải nghiệm ngớ ngẩn nào chúng tôi muốn có cùng nhau. Là hai kẻ gàn dở không bao giờ gọi điện bằng các ứng dụng, cũng chẳng bao giờ hỏi han nhau vì luôn có niềm tin mãnh liệt rằng đứa nào cũng sẽ sống tốt dù cuộc sống có thách thức tới đâu, nên cuộc gặp mỗi năm như thế này là cách để chúng tôi chắp vá lại những mảnh ghép rời rạc của trải nghiệm và cảm xúc có trong từng người.

Nhiều năm về trước, câu chuyện của chúng tôi luôn đầy ắp chân dung về những người chúng tôi gặp hay những vùng đất từng đi qua thì cuộc gặp gỡ này không còn hiện diện điều đó nữa. Chẳng đứa nào còn to mồm bảo tao đã chinh phục ngọn núi nào ở Ấn Độ, đổ dốc trên con đường đèo nào ở Trung Quốc. Cũng chẳng còn mấy câu chuyện lượm lặt từ bữa cơm ven đường ở Malaysia hay những chuyến bus đêm dọc khắp xứ Chùa Tháp.

Chúng tôi không còn hào hứng đèo nhau trên các con đường phố cổ tấp nập, hít hà mùi chả nướng thơm lừng ở chùa Láng hay đứng chen chân xếp hàng chờ cây kem Tràng Tiền như những lần gặp trước. Chúng tôi chần chừ rồi lại từ chối kéo nhau lên xe bus để đi hồ Gươm, hay tần ngần chẳng muốn thưởng ngoạn Hà Nội trên đường cao tốc Cát Linh – Hà Đông mới khánh thành. Giữa lòng Thủ đô, chúng tôi tạm gói ghém sự sôi nổi của mình mà chừa chỗ cho những phút giây thầm lặng hơn.

Sự yên lặng thay lời cho nhiều điều. Hoặc nếu không yên lặng, chúng tôi chọn đi bộ với nhau, nói với nhau về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Tôi nói về những món ăn quen thuộc được cộp mác “tốt cho sức khỏe” đã được nấu thuần thục gần hai năm qua. Cậu nói về cuốn sách nhỏ đang viết, nơi mà cậu tự đối thoại với chính mình về những gì được học và trải nghiệm trong ngành nghề. Đại dịch bỗng chốc xóa nhòa, hoặc nói cách khác, không cho phép chúng tôi được vẽ nên bức tranh mà vốn dĩ nó hay lắp đầy bởi những gương mặt người, những vùng đất mới. Mà thay vào đó, bức tranh cuộc sống hiện tại được tô vẽ bởi những trải nghiệm riêng tư cất kín, bởi những rung cảm nhỏ nhặt của mỗi người trong đời sống thường nhật.

Điều mà chúng tôi giữ cho mình suốt những ngày tháng đã qua, giờ đây đơn thuần được gói ghém trong sự tĩnh lặng, sự kiên nhẫn, niềm biết ơn và sự trưởng thành. Chẳng ai bảo nhau rằng đại dịch đã khiến mỗi người sợ hãi về sự mất mát như thế nào. Chẳng ai nói với nhau là hai năm qua chúng tôi đã tù túng trong căn phòng nhỏ của mình ra sao. Cũng chẳng ai nói với nhau là cơn địa chấn đã quét sạch điều gì.

Chúng tôi chọn gói ghém sự mất mát và dằn vặt bên trong, để tiếng thở dài trong thinh lặng dẫn lối cho những niềm vui dung dị trong đời sống tinh thần mà chúng tôi chọn lựa. Chúng tôi chọn nhìn ngắm nhau, chọn lắng nghe nhau, chọn hiểu nhau, vì biết sự hữu hạn của thời gian có thể lấy đi những ký ức và sự hiện diện đẹp đẽ này nhanh đến nhường nào. Chúng tôi không nhìn những tòa điện sáng màu nữa, chúng tôi chọn nhìn nhau, chọn nhìn bước chân âm thầm của nhau qua những ngã tư ngoài phố. Chúng tôi không ba hoa nữa, mà chọn trân trọng những cảm giác yên lặng được đi bên nhau.

Giờ đây, niềm vui sướng mà tôi có được không còn là đi ăn bao nhiêu món ăn mới, thưởng thức bao nhiêu hàng quán ngon, hay tham lam tích góp cho mình đủ trải nghiệm ở những nơi chốn mới. Mà thẳm sâu bên trong, là hạnh phúc giản đơn khi được nhìn ngắm người bạn của mình thong dong và bình an sống cuộc đời của họ. Hay là sự biết ơn vì giây phút ngắn ngủi này mình vẫn còn được nhìn thấy nhau, vẫn còn được hiện diện đủ đầy cùng nhau.

Tôi tin rằng, những sự đổi thay nhỏ nhoi diễn ra trong cuộc gặp với bạn mình, là điều có thể diễn ra trong những cuộc gặp khác giữa đống tro tàn của đại dịch. Đó có thể là cuộc gặp với ba mẹ tôi, với người tôi yêu, với những mối quan hệ thân quen tạm chia cắt vì biến động. Không gian và gương mặt có lẽ không giống nhau, nhưng chắc chắn cuộc gặp nào nếu được thành hình cũng chất chứa đầy sự biết ơn. Vì có thể đó sẽ là lần cuối cùng gặp gỡ.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Đại dịch không chỉ cướp đi mạng sống, thách thức sự sinh tồn. Mà đại dịch còn thay đổi cả những khái niệm về gặp gỡ, yêu thương, đánh đố con người về sự hữu hạn của những gì gọi là “mãi mãi”. Giây phút đối diện với sinh tử, với điều mà dù có giỏi giang đến mấy ta cũng không thể nào cầm nắm, ta đã biết mình hời hợt với cuộc đời này đến thế nào, với người mình thương yêu ra sao.

Tôi chọn chuyến bay vào một ngày đông cuối năm về lại nơi chốn thân thương của mình, một thành phố yên ả cách Thủ đô gần 700 cây số. Chút lạnh cuối đông thường khiến cho người ta có cảm giác nuối tiếc. Những câu chuyện vụn vặt vẫn còn dang dở. Những ánh nhìn vẫn còn chút vấn vương. Nhưng tôi đành chọn sự trở về, để giữ những xúc cảm đẹp đẽ cho cuộc gặp gỡ lần này vẹn nguyên.

Sau cuộc gặp, chúng tôi lại quay về bên trong, với cuộc sống nhỏ nhoi của chính mình. Sẽ vẫn là những căn phòng với tiếng nhạc không lời, sẽ vẫn là bàn phím máy tính lạch cạch mỗi chiều hoàng hôn, sẽ vẫn là những ngày đeo khẩu trang tránh chạm mắt nhau chốn đông người, sẽ vẫn là ánh bình minh lúc mặt trời còn chưa bị che khuất bởi bụi bẩn. Sẽ vẫn ở đó, những con người may mắn sống sót từ đống tro tàn.

Nhưng sâu bên trong, chúng tôi biết, sự gặp gỡ này âu cũng đã gieo duyên lành về sự đồng hành, về niềm thương mến và quý trọng nhau trong đời. Ít nhất điều còn lại, là biết rằng thế giới ngoài kia vẫn đang có một người chật vật chọn lớn lên như mình, và tin rằng màu xám của đống tro tàn chẳng thể nào vùi lấp được những tâm hồn đẹp đẽ.

Đường còn dài, cám ơn vì tụi mình đã luôn lớn khôn cùng nhau.

(Trích nhật ký những ngày gặp lại người bạn của mình tại Thủ đô Hà Nội trong đại dịch).

Như Quỳnh

Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Đứng yên không có nghĩa là mắc kẹt, ngắt bớt kết nối với thế giới chính là cơ hội để ta có thời gian kết nối với bản thân mình nhiều hơn.