Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Đứng yên không có nghĩa là mắc kẹt, ngắt bớt kết nối với thế giới chính là cơ hội để ta có thời gian kết nối với bản thân mình nhiều hơn.

Em gái nhỏ của chị!

Những ngày đầu tháng 8, Sài Gòn mưa dai dẳng không ngớt. Mưa rả rích, dầm dề do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ngoài những lúc mưa thì thời tiết thật sự rất dễ chịu, tiết trời hiu hiu khơi gợi bao nhiêu cảm xúc lãng đãng. Chị gọi đó là tiết thu Sài Gòn.

Những ngày đẹp trời chỉ muốn bước ra ngoài hít đầy lồng ngực không khí căng tràn nhựa sống của đất trời, cây cỏ; cuối tuần thèm lê la cafe vỉa hè với đám bạn, rồi buổi tối lên rooftop làm một ly cocktail nhẹ, hay qua pub nghe vài bản nhạc phiêu diêu với đời. Những hoạt động rất bình thường mà tuần nào chị cũng tự thưởng cho mình giờ lại trở nên thật xa xỉ trong những ngày tháng Covid này.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Đọc thư em, chị hiểu được tâm trạng bức bối mà em đang trải qua. Có lẽ tất cả chúng ta đang mắc kẹt trong đợt dịch bệnh. Những người đang sống dịch chuyển, bỗng một ngày bị đóng băng, phải dừng giao tiếp, đi lại, du lịch, phải bó chân ở nhà để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Những ngày đầu tiên của kỳ giãn cách xã hội, chị đã stress biết bao vì phải thu mình với 4 bức tường trong căn phòng hơn 30m2. Thứ giao tiếp duy nhất với thế giới bên ngoài chính là những cuộc họp qua video call, qua chat chit, hay những cuộc gọi với mọi người. Công nghệ giúp chúng ta kết nối ảo nhanh chóng và tiện dụng quá, nhưng khi ở tình thế này chị cảm thấy đáng sợ quá, chị sợ mình bị mắc kẹt và bỏ lại trong căn phòng của mình.

Với những người trẻ độc thân xa nhà như chị em mình, đợt giãn cách này khiến mình thèm hơi ấm của bữa cơm gia đình, hiểu và thương quý nhiều hơn cái không khí nói cười rộn rã trong bữa cơm nhà. Thiếu đi những hò hẹn, tụ tập với bè bạn, thiếu đi những chuyến đi khám phá thế giới mới thấy được giá trị của Nhà - nơi để trở về khác với Nhà trọ - nơi để trú chân - thế nào em nhỉ.

Sau vài ngày quen với trạng thái bình thường mới, chị đã học cách bình tâm để nhìn vào những giá trị mà chúng ta có thể học được từ thời Covid này. Chị học được rằng, có lẽ vũ trụ đã gửi một tín hiệu để chúng ta cần chậm lại, bớt theo đuổi các guồng quay mà xã hội đang cuốn ta đi, để có thời gian nhìn sâu vào chính bản thân ta. Chị học cách tận hưởng từng ngóc ngách trong căn phòng của chị, dành thời gian đọc sách, chăm chút cây cối, chăm chút bản thân, tìm công thức nấu ăn và tự thưởng cho mình vài bữa ăn ngon. Chị cũng có nhiều thời gian hơn để mỗi ngày đều video call về nhà với mẹ, với bà và mọi người ở nhà. Cả có thời gian để đọc và tâm sự cùng cô em gái bé nhỏ của chị nữa.

Em thương yêu,

Mắc kẹt trong không gian sống của mình không đáng sợ bằng việc mắc kẹt trong thế giới và tư duy của chính mình. Vì vậy Covid không đáng sợ, WFH không đáng sợ, không được đi du lịch vài tháng hay một năm cũng không đáng sợ. Điều e nên lo sợ là việc mình không ngừng hoài nghi về bản thân, về lựa chọn của bản thân hay cả những người xung quanh yêu quý em.

Đại dịch là thứ chúng ta không mong muốn, nhưng qua giai đoạn hoảng loạn ban đầu, chúng ta cần đối mặt và lạc quan để nhìn nhận những giá trị mới của cuộc sống. Suốt cuộc đời này, chị sẽ không quên hình ảnh giữa tâm dịch trong bối cảnh cách ly tại Milan - Italia, người dân cùng ra ban công để hát vang quốc ca và những bài hát cùng cổ vũ nhau, để có được những khoảng khắc vui vẻ trong một giai đoạn lo âu.

Em gái của chị hãy lạc quan lên nào. Thay vì hoài nghi và bức bối vì cho rằng mình đang mắc kẹt trong công việc, ngôi nhà hay một mối quan hệ em chưa vừa ý, hãy thử đổi một góc nhìn. Mùa Covid này là cơ hội để em sống chậm lại, có thời gian chăm chút cho căn phòng của mình, học thêm vài thứ để bổ sung và nâng cao kiến thức của mình. Khoảng lặng này cũng là thời điểm để em nhìn sâu vào bản thân, hiểu và chấp nhận bản thân mình để có những quyết định quan trọng cho những giai đoạn tiếp theo của cuộc sống.

Cô gái à,

Đứng yên không có nghĩa là mắc kẹt, mà để ta có khoảng lặng cần thiết đi tìm tự do trong tâm hồn. Và ngắt bớt kết nối với thế giới chính là cơ hội để ta có thời gian kết nối với chính bản thân mình nhiều hơn.

Chị ghen tỵ với cô gái, vì ít nhất lúc này bên cạnh em luôn có một bờ vai để tựa đấy.

Hãy chăm sóc bản thân mình thật tốt nhé. Chị và cả nhà rất lo cho em. Nếu nhớ nhà, gọi về thường xuyên để nói chuyện với bố mẹ, bố mẹ sẽ vui lắm đấy.

Yêu thương cô gái của chị.

Hoàng Hường

Nhu cầu một mình: sự kết nối sâu sắc hơn với bản thân

Nhu cầu một mình: sự kết nối sâu sắc hơn với bản thân

Niềm vui là thứ bạn chỉ có thể tự cảm thấy mà không phải do ai trao tặng. Một cuộc sống như vậy đòi hỏi sự chủ động của chính mình.