Nếu mà mệt quá…

Thiên nhiên lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn, khiến chúng tôi dường như quên mình là một phần của văn minh để hòa nhập trọn vẹn với biển và đất trời.

Tôi, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở đất Kẻ Bưởi - giữa lòng Hà Nội. Vậy mà một ngày cả gió, tôi phiêu bạt tới một hòn đảo cách đất liền 60 hải lý, điều mà trước đó, có nằm mơ, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ tới. Thế mà một ngày, mở mắt ra, tôi đã sống ở đảo được 3 năm.

Đảo - với đúng nghĩa là sự tách biệt, chia cắt với tất cả những gì từng quen thuộc, không tivi, sóng điện thoại lúc được lúc mất và điện lưới thì thỉnh thoảng lại “đi vắng”.

“Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau

Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”

Lời bài hát rất nổi tiếng này đã trở thành phương châm sống của nhiều người. Bỏ phố về quê dường như đang trở thành “hot trend”, nhiều người ước ao, nhiều người dự định, nhưng chẳng mấy ai thật sự làm. Bởi lẽ bỏ phố, bỏ những bon chen chật chội, cũng đồng nghĩa với việc xa rời nhiều tiện nghi hiện đại, thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt và từ bỏ nhiều thú vui. Đó là điều ít người làm được.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Còn nếu bỏ phố ra đảo thì sao? Một hòn đảo thỉnh thoảng lại bị gián đoạn liên hệ với đất liền bởi bão gió. Một hòn đảo thuộc hàng biên viễn xa xôi, cách đất liền tới hơn một giờ đi tàu cao tốc… Thế mà, một ngày rất bình thường và không hề lường trước trong cuộc đời mình, tôi đã quyết định bỏ phố ra đảo, dắt díu thêm 2 đứa con, đứa lớn mới vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, còn đứa nhỏ hơn thì vừa tập nói.

Chẳng biết đó là quyết định đúng đắn hay sai lầm, nhưng cũng giống như một đồng xu bao giờ cũng có hai mặt, chúng tôi mất nhiều và được cũng không ít. Tôi sẽ chẳng bao giờ hiểu được hết cụm từ “ánh sáng văn minh” cho đến khi chuyển nhà ra sống ở đảo. Mọi thứ đều ít ỏi đủ dùng và đắt đỏ, từ thực phẩm cho tới các thứ thiết yếu khác. Duy chỉ có một thứ luôn thừa thãi: đó chính là khí trời - khí trời miền biển - thứ không khí trong vắt mang theo hơi muối mặn mòi của biển cả. Và một thứ luôn hậu hĩnh: đó chính là những sản vật của biển. 

Phô mai, mì Ý, pizza, gà rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh… trở thành những “xa xỉ phẩm”. Chúng hiếm hoi đến nỗi tôi phải đặt hàng từ đất liền và nén cơn thèm thuồng của mình lại để chờ một chuyến tàu nào đó (trong trường hợp gió yên biển lặng) vận chuyển chúng ra.

Thay vào đó, chúng tôi có ngất trời tôm, cá, hàu, ghẹ, mực… Mỗi ngày, trong khu chợ duy nhất của cả một hòn đảo, chúng tôi có thể bắt gặp hàng chục loại cá biển khác nhau, chúng tươi xanh đến nỗi đôi mắt vẫn còn long lanh và những đám vẩy thì ánh lên như bạc. Đó là cảnh tượng mà tôi chẳng bao giờ nhìn thấy ở bất kì đâu trên phố thị.

Ở đảo không có khu vui chơi trẻ em – chắc chắn rồi! Nên mỗi buổi chiều, nhằm lúc mặt trời đã không còn quá chói chang, tôi lại phải lùa lũ trẻ ra biển, để chúng thỏa thích nô đùa trên bãi cát, bốc từng nắm cát mịn để xây những lâu đài ước mơ, hay lang thang nhặt vỏ sò, vỏ ốc… Chán chê, chúng sẽ lân la ra gần mép nước, nhúng những bàn chân nhỏ xíu xuống làn nước trong vắt của biển và đuổi nhau cùng với sóng.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Mặt bằng chung dân trí ở đảo khá thấp, chủ yếu là dân chài lưới, nhiều người còn chẳng biết chữ. Thế nên, chúng tôi phải làm quen với chuyện họ sẽ chẳng mấy quan tâm tới thời sự hay những vấn đề chính trị. Buổi sáng, những người đàn ông ngồi đan lưới, đẽo mái chèo, sửa thuyền, họ kể những câu chuyện về nghề biển, về sóng gió, về những luồng cá đầy hứa hẹn. Buổi tối, những người đàn bà túm tụm lại bên một rổ lạc luộc hay một rổ sắn vừa mới rẫy, họ hồ hởi kể chuyện làng, chuyện xóm, những chuyện rặt lông gà vỏ tỏi nhưng thể hiện tình làng nghĩa xóm nồng hậu và khăng khít.

Hòn đảo không lớn, nên mọi người trên đảo đều quen biết nhau. Tôi đã rất sửng sốt khi nhận ra chị nhân viên ở phòng hành chính công huyện hóa ra cũng là chị bán cá ở chợ; anh cán bộ phòng văn hóa xã hóa ra cũng đồng thời là anh chuyên bán đá cây… Và cũng bởi hòn đảo rất nhỏ, nên chẳng bao giờ có chuyện mất mát, trộm cắp. Nhà không cài cửa, xe không rút khóa là “lối sống văn hóa” rất mới ở đảo mà chúng tôi phải làm quen.

Cuộc sống ở đảo thiếu hụt hẳn những thú vui cao cấp như rạp chiếu phim hay những buổi xem ca nhạc ở Nhà hát lớn. Mọi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của chúng tôi giản tiện lại chỉ còn những tối nghe karaoke vọng sang từ nhà hàng xóm, hay lắng tai thưởng thức những “bản hòa ca điền dã” của đám côn trùng trong sân nhà. Đã từ lâu lắm, tôi mới có dịp giảng giải cho lũ trẻ của mình phân biệt đâu là tiếng ếch nhái, đâu là tiếng dế và đâu là giọng điệu của đám thạch sùng…

Ở đảo không có quá nhiều ánh điện, cũng chẳng có những cao ốc hào nhoáng, những trung tâm thương mại sang trọng. Chúng tôi chỉ có những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ, có màu nước biển đẹp như một ly cocktail nhiệt đới, có một bầu trời đêm lồng lộng ánh sao và vầng trăng vằng vặc. Thiên nhiên rợn ngợp đã lấp đầy những khoảng trống trải trong tâm hồn chúng tôi, khiến chúng tôi, trong một khoảnh khắc nào đó, dường như đã quên mất rằng mình là một phần của văn minh, để hòa nhập trọn vẹn với biển cả và đất trời của hòn đảo.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Nếu như những ngày ở phố, tôi luôn loay hoay sắp xếp cuộc sống của mình mà vẫn thấy rối bời, thừa thãi, thì khi chuyển tới hòn đảo này với rất ít đồ đạc, tôi lại thấy mọi thứ thật vừa vặn và gọn gàng. Chúng tôi chẳng phải chạy đua theo những mốt thời trang trên phố, vì ở đây, mọi người đều ăn mặc rất giản dị. Chúng tôi chẳng phải đặt mục tiêu mua điện thoại xịn, sắm xe đẹp, tậu nhà to… bởi ở đây, mọi thứ chỉ là phương tiện. Hóa ra cuộc sống là vậy, càng giản tiện sẽ càng nhẹ nhàng và tự do.

Hòn đảo, cũng giống như Mẹ Thiên Nhiên, đã dạy chúng tôi nhiều bài học lớn, hơn bất kì trường lớp nào, rằng chúng tôi, hóa ra có thể từ bỏ rất nhiều thói quen lệ thuộc vào công nghệ, vật chất; chúng tôi có thể thiếu rất nhiều thứ thuộc về thế giới hiện đại, nhưng không thể thiếu bầu không khí trong sạch và môi trường sống lành mạnh. Cứ thế, mỗi ngày, tôi hài lòng với việc ngắm nhìn những đứa trẻ của mình lớn lên như một cái cây non trong khu rừng tự nhiên, vươn mình mạnh mẽ và được tưới tắm bởi những mát lành, tinh khôi. 

Đào Thị

Sức mạnh con người đến từ đâu?

Sức mạnh con người đến từ đâu?

Sức mạnh đâu có nghĩa là cực đoan xa lánh mọi người ta cảm thấy vấn đề, mà chỉ cần dừng lại, bình tâm suy nghĩ và nhìn nhận lại mọi thứ.