Chị ngồi trước mặt tôi hồi tưởng về đoạn đời đã qua nhưng dường như vẫn chưa thể thoát khỏi những căm hận tột cùng.
Hai năm trước, chị và chồng cũ bắt đầu cuộc chiến ly hôn sau hai mươi năm sống cùng nhau.
Cuộc hôn nhân đó vốn dĩ đã tràn đầy những bất ổn từ những ngày ban đầu.
19 tuổi, chị gặp chàng trai lai Pháp đẹp trai lại là sinh viên mỹ thuật nên đem lòng mộng mơ yêu thương chỉ vì mơ ước làm họa sĩ nhưng nhà nghèo nên học tới cấp 2 đã phải nghỉ để đi học may lo cho cả gia đình. Yêu người ta cũng chỉ vì mình nhìn thấy mình ở họ. Họ có thể sống cho những ước mơ dang dở của mình.
Chị đâu biết rằng chị phải “nuôi báo cô” từ đó. Anh tuy cao lớn, đẹp trai, sinh viên đại học nhưng lại là một sản phẩm bị lỗi từ cách giáo dục sai lầm của gia đình mà trở thành một người yếu đuối, nhu nhược. Chị lo cho anh trong những ngày ăn học, đến khi anh hoàn thành nghĩa vụ, và đến cả khi anh trở thành chồng chị sau đó vì anh đã quen dựa dẫm ở chị.
Ảnh minh họa: internet. |
Học xong, anh chỉ biết vứt tấm bằng đó cho vừa lòng người bố của mình là một họa sĩ nổi tiếng thời đó. Ông ép con trai mình cũng phải theo con đường hội họa và đạt những thành công như ông. Về phần vợ ông thì tiêm nhiễm cho con trai mình cái tư tưởng “Nhà mình có tiền tiêu bao giờ mới hết” nên anh vừa tự ti khi thất bại trong mong muốn của bố, lại vừa ỷ lại với sự mớm lời của mẹ mà thiếu đi ý chí phấn đấu. Anh dựa vào vợ như cái phao của cuộc đời mình.
Chị căm hận khi phải lấy người chồng vô dụng. Vì từ nhỏ chị đã tảo tần lo cho cả gia đình mình, lúc nào cũng vươn lên như ngọn cỏ mãnh liệt cho dù đã sớm chịu nhiều tổn thương tâm lý khi sống chung với vợ hai của ba. Chị cần người chồng cho chị cảm giác tôn trọng nhưng chị đâu hiểu ngoài tính khảng khái, bất cần ấy là sự yếu đuối thẳm sâu bên trong chị. Chính những người đàn ông yếu đuối ấy lại cho chị cảm giác an toàn khi họ lệ thuộc chị. Nên chị sống trong cảnh giằng co tâm lý vừa an toàn, vừa thấy coi thường anh.
Cho dù anh không biết kiếm tiền nhưng cũng lo cho chị từ nấu nước tắm đến giành việc nhà và luôn thể hiện sự tự hào vì chị giỏi giang. Nhưng chị không thể giấu được sự khinh khi với anh trong sự chấp nhận không cam tâm. Mỗi khi làm tình đều là sự giằng co giữa hai người và chị nằm yên như một xác chết không hồn để mặc anh muốn làm gì làm. Có điều, chị muốn sinh con thì anh không đồng ý.
Mỗi khi chị muốn ly hôn, anh đều dọa sẽ giết bố chị rồi tự sát. Vì vậy mà họ sống bên nhau cũng hai mươi năm và nhận đứa con nhỏ của em trai anh nuôi. Chị thương nó hết lòng, xem như sự an ủi duy nhất trong ngôi nhà ấy.
Cho đến một ngày sau hai mươi năm sống chung, anh đột ngột ngoại tình. Anh nhận ra với cái mác bảnh bao của mình, có biết bao phụ nữ lăn xả vào thèm muốn những điều anh không thể tìm thấy ở người vợ. Anh về nhà và bắt đầu đánh đập chị vì sự coi thường trong bao nhiêu năm mà chị dành cho anh sau khi anh kể việc mình ngoại tình và nhận được vỏn vẹn hai từ “chúc mừng” từ chị.
Họ ly hôn nhanh chóng khi anh đã tìm được cái phao mới của đời mình.
Đến lúc đó anh mới kể chuyện đã ăn nằm với cả cô em gái mà chị thân thiết nhất như một chiến tích huỷ hoại tâm hồn chị mất niềm tin vào con người.
Tôi phân tích tâm lý của anh ta cho chị: “Thật ra anh ta cũng đáng thương. Anh ta cũng chỉ là nạn nhân từ cách giáo dục sai lầm của bố mẹ mình nên anh ta vừa yếu đuối tự ti, vừa muốn đi tìm cảm giác được nể trọng nhưng anh ta lại thiếu ý chí sống. Mà chị còn coi thường anh ta, lại tạo điều kiện cho anh ta ỷ lại trong những ngày đầu yêu nhau. Mình cũng có lỗi khi không biết nâng đỡ họ vì có rất nhiều người bị khuyết tật tâm hồn cả đời không thể lành lặn nổi cũng chỉ vì thiếu đi sự thấu hiểu của những người xung quanh ngoài sự phán xét họ. Huống chi mình chọn họ cũng chỉ vì sự yếu đuối ấy cho mình cảm giác thống trị an toàn”.
Khi ta hiểu quá trình hình thành nhân cách của một con người, ta sẽ thấy thương họ thay vì căm hận hay oán ghét. Đó là cách duy nhất mà ta có thể chữa lành cho chính ta.
Chị như nhẹ nhõm đi một chút khi hiểu người chồng cũ hơn. Chị lại bắt đầu kể về vướng mắc trong mối quan hệ hiện tại. Sau 2 năm ly hôn chìm trong trầm cảm, chị bắt đầu vực dậy và sống trong tình yêu với một chàng trai 34 tuổi kém chị đến 10 tuổi.
Anh ta yêu chị rất chân thành, lại có công ăn việc làm ổn định, chăm lo cho chị từng ly từng chút trong suốt 1 năm qua. Tuy nhiên, chị sợ mình đã lớn tuổi nên không thể sinh con cho anh được nữa nên luôn tìm mọi cách xua đuổi anh mặc cho anh khóc đau khổ.
Tôi nói: “Thủy Hương 52 tuổi còn kết hôn, sinh con với Bộ trưởng kìa. Mình phải nhìn những người đàn bà như vậy để có thêm niềm tin vào tình yêu chứ”.
Mắt chị lại lấp lánh hi vọng.
Ảnh minh họa: internet. |
Tôi thích cái cách mà người đàn ông của Thủy Hương viết tâm thư xin lỗi giữa những mũi dùi đang chĩa về phía người đàn bà của mình. Đó là lần đầu tiên mà người ta thấy văn hoá xin lỗi của một quan chức. Cuối cùng sau bao nhiêu truân chuyên, người đàn bà đa đoan ấy vào cuối đời có thể tìm thấy một người đàn ông trân trọng và chở che cho mình, như vậy chính là một diễm phúc khi xung quanh ông không thiếu những bóng hồng trẻ đẹp hơn. Nếu không yêu nhau chân thành, người ta sẽ chẳng thể nào bảo vệ nhau bước qua miệng lưỡi dư luận như vậy.
Điều đó chẳng phải là điều mà mỗi người đàn bà đều mong muốn ở người đàn ông hay sao?
Người yêu kém tuổi cũng yêu chị bằng một tình yêu không thề non hẹn biển mà chỉ âm thầm chăm sóc từng ngày. Có con hay không có còn là điều quá quan trọng? Khi người ta thật sự yêu mình, người ta chẳng đòi hỏi những gì vượt quá khả năng của mình.
Vậy thì tại sao chị lại phải ôm mãi nỗi mặc cảm để tự huỷ hoại mối quan hệ của mình bằng sự bất cần? Sự cố gắng không thể đến từ một phía mà phải là sự quân bình cảm xúc từ cả hai. Tình Yêu được vun đắp và nuôi dưỡng bởi hai người vì sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn. Không ai chịu được mãi sự thất thường cảm xúc của mình.
Tôi bảo: “Hôm nay thử nhắn tin Em nhớ anh xem chắc anh ta hết hồn luôn”.
Chị cười: “Để thử”, sau khi tháo gỡ những nút thắt trong lòng.
Muốn hạnh phúc trong một mối quan hệ thì trước tiên ta hãy là người đàn bà hạnh phúc, tự tin với chính mình. Ở thời điểm nào ta cũng luôn xứng đáng với tình yêu.
Vì cuộc đời ngắn ngủi lắm cho những sợ hãi.
Bình yên là khi ta có thể thực hành sự tha thứ. Cho mình và cho người...
Chẳng có con người nào sinh ra đã hoàn thiện. Ai cũng có lỗi lầm. Bình yên là khi ta có thể thực hành sự tha thứ. Cho mình và cho người.