Học cách yêu thương trong tự do

Cuộc sống sẽ luôn có những chuyện không như ý muốn. Bản thân chỉ có thể dùng lòng độ lượng mà chấp nhận sự tương đối của mình và người khác.

Cô bạn tôi gặp một chàng trai ở nhà thờ và họ nhanh chóng bắt đầu một mối quan hệ tình cảm vì có chung tình yêu với Chúa. 

Nhưng rồi được một thời gian cô bắt đầu thấy khoảng cách giữa hai người ngày một lớn. 

Cô sinh trưởng trong một gia đình rất nhiều xung đột. Hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, ba mẹ thường hay cãi nhau khiến cô không ngừng phải nỗ lực để vươn lên, để xóa nhòa cảm giác tự ti bên trong mình. Việc sinh sống ở một quốc gia khác bắt buộc cô phải nỗ lực hơn nữa để sinh tồn. 

Nhưng chàng trai lại là một câu chuyện khác. Chàng sinh ra trong một gia đình êm đềm, bố mẹ yêu thương nhau. Họ có lòng sùng mộ và nuôi dưỡng cho con mình tình yêu vào Chúa nên chàng lớn lên chỉ muốn một cuộc sống bình bình đạm đạm, chia sẻ và giúp đỡ cho những anh chị em đồng loại. 

Cô cảm thấy không thể chấp nhận đàn ông thiếu chí tiến thủ. Mọi thứ của chàng trai đều thua kém cô rất nhiều cho dù cậu ấy chân thành mà đối đãi với cô ra sao, cho dù cậu ấy đã nói rằng sẽ cố gắng hơn nữa thế nào. 

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Nhưng đổi lại bên trong cô vẫn là một sự bực dọc với những ngu ngơ của cậu ấy để một ngày cậu ấy nói rằng nếu cô ấy yêu thương thì hãy bao dung với cậu ấy. Cậu ấy cũng không thể nào ngày một ngày hai mà tiến bộ như cô ấy mong muốn. Nếu cô ấy không thể thì cậu ấy mong cô ấy lựa chọn người nào cô ấy thấy hạnh phúc hơn. 

Cô ấy bảo với tôi cô ấy đã cho thời hạn 2 năm mà chưa gì vài tháng cậu ấy đã muốn bỏ cuộc. 

Tôi bảo rằng đó là vì thái độ của cô ấy đối với cậu ấy. Phán xét, bực dọc thay vì động viên, khuyến khích. 

Thật ra mà nói, tình yêu đối với Chúa, tình yêu đối với Phật là những điều hết sức đẹp đẽ. Nó khiến người ta hướng đến Chân Thiện Mỹ. Nhưng Chúa và Phật đâu có ở trong nhà thờ hay chùa. Mà đó là một lối sống của phụng-sự. 

Ta có thể dễ dàng vào nhà thờ cúi đầu chào nhau chúc cho nhau bình an, ta có thể đập vào tim mình mà “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi”, ta có thể nguyện đem Chân Lý đến với cuộc đời nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ. Nó vẫn chỉ là những hình thức mà ai cũng có thể làm được. Để sống ở đời, ta cần phải có sự thấu hiểu lẫn nhau, khuyến khích nhau. 

Như cô ấy, nếu hiểu về hoàn cảnh sinh trưởng khác biệt của cả hai, cô ấy sẽ hiểu vì sao chàng trai ấy lại có cuộc sống như vậy. Mà sống như vậy thì có tội lỗi gì đâu? Đó chỉ là một lựa chọn trong một giai đoạn cuộc đời. Khi người ta có vợ, có con với những trách nhiệm mới thì người ta sẽ cố gắng hơn nữa cho gia đình nhỏ của mình. 

Và liệu ta có thể phụng sự hay không khi mà ta thấy họ thật đáng ghét chỉ vì họ thiếu kinh nghiệm sống, họ thánh thiện và ngây thơ, trẻ tuổi và ít va chạm? 

Và liệu ta có thể phụng sự ai khi người bên cạnh đối xử rất tốt với mình mà mình còn không thể yêu thương được những điều vụn vặt nơi họ? 

Thực tập lòng kiên nhẫn là một điều rất khó trong cuộc sống. Nó đòi hỏi sự chuyển hóa của chính ta chứ không phải ở những áp đặt dành cho người khác. Ta chỉ có thể học cách yêu thương người khác trong tự do. Ta chỉ có thể cố gắng giúp họ bằng tất cả trái tim, còn mọi thứ là do bản thân họ nỗ lực. Và nó là cả một quá trình. 

Cuộc sống này sẽ luôn có những chuyện không như ý muốn. Bản thân chỉ có thể dùng tấm lòng độ lượng mà chấp nhận sự tương đối của mình và của người khác. 

Chúa hay Phật ở trong trái tim chính ta, là khối kim cương bất hoại chờ ta lau sạch sẽ những phiền muộn bên trong mình. Đó là lối sống của sự dung hòa và bình an. Không phải ở nghi thức. 

Và nếu dùng mắt huệ để nhìn, ta sẽ thấy người đáng yêu biết bao nhiêu vì đã đối đãi với ta bằng tất cả tấm chân tình. Cho dù không đi cùng nhau nữa thì đó vẫn là những ký ức rất đẹp hơn là sự bực dọc không hài lòng nhau. 

Cuối cùng thì ta chỉ có thể tự thay đổi cách nhìn nhận của bản thân.

Sona Va

Trái tim nhìn thấu trái tim

Trái tim nhìn thấu trái tim

Chỉ có trái tim bao dung mới nhìn thấu vẻ đẹp đằng sau vẻ ngoài không vẹn toàn, đủ can đảm vượt qua định kiến để được hạnh phúc.