Đừng thêm những gánh nặng cho tâm hồn

Cô ấy làm mẹ đơn thân đã 7 năm ròng. Cô yêu một người đàn ông mà trái tim anh ấy chỉ ngập ngụa những đau đớn vì cuộc hôn nhân đổ vỡ đã qua.

Anh ta kết hôn với cô gái là mối tình đầu của mình sau 8 năm yêu nhau. Họ yêu xa. Bao nhiêu tiền bạc anh đều gửi qua bên Mỹ, chờ ngày đoàn tụ cùng nhau. Nhưng sau ngày cưới một năm, cô vợ ngoại tình, phủi bỏ hết những gì anh đã từng làm. Cũng từ đó, anh không thể nào thoát ra khỏi những oán hận, tổn thương.

Và cô ấy, người phụ nữ đến sau, phải hứng chịu sự thất thường về tâm lý của anh. Một năm bên nhau là một năm của những ngày buồn và tổn thương nhiều hơn là vui vẻ. Cô cố dằn lòng chịu đựng vì thông cảm cho một người đàn ông vừa trải qua biến cố lớn, mất niềm tin vào cuộc sống.

Nhưng anh mãi chẳng thay đổi.

Mỗi khi anh cần, cô phải có mặt cho dù cô bận bịu bài vở thế nào, con cô ốm đau ra sao.

Mỗi khi cô cần, anh phải rảnh lắm mới có thể xuất hiện.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Khi cô bệnh tật cũng phải tự lết đến bệnh viện một mình. Nếu anh cảm thấy ổn sẽ ghé qua, trả tiền viện phí, rời đi và rồi lại thả mình trôi về những cảm xúc với người cũ. Còn lại, đa phần cô tự gượng mình dậy, lo toan tất cả mọi thứ. Vì nếu tâm trạng anh không tốt sẽ cho là cô gây áp lực lên cuộc sống của anh.

Nhưng khi anh bệnh cũng chỉ có thể gọi cho cô sau bao nhiêu cuộc vui với bạn bè và các cô gái khác.

Mỗi khi cô muốn chia tay, anh ta sẽ lặp lại điệp khúc “Thương mà thế à? Thương là không bao giờ buông tay”.

Cô hỏi tôi: “Theo chị em nên thế nào?”.

“Thì chia tay đi chứ thế nào là thế nào”.

Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có quyền được trải qua cảm giác sống chết vì tình yêu. Ta yêu bằng tất cả những thăng trầm cảm xúc của mình, bất an, nồng nhiệt, vô định, khờ khạo…

Nhưng khi đã là một người phụ nữ trưởng thành, ta phải là một người phụ nữ có lý trí để yêu trong tỉnh táo, không tự làm tổn thương bản thân.

Giả như khi em là một single mom, em cần phải học cách quan sát người đàn ông ấy đối xử với con mình thế nào.

Đàn ông chín chắn trưởng thành không ai lại bắt em bỏ mặc con mình chỉ vì họ muốn em qua đêm cùng họ vì họ không chịu đựng nổi cô đơn. Mà họ phải biết cùng em chăm lo cho con em.

Họ có thể không yêu con em như bố ruột của nó nhưng phải biết yêu nó như con người với con người. Một đứa trẻ đã thiếu đi tình cảm của cha, không ai lại nỡ để nó mất luôn tình thương của mẹ.

Con em đẻ ra, em phải có trách nhiệm yêu thương và lo toan cho nó.

Còn anh ta chỉ là một đứa trẻ không chịu lớn. Ngay cả với con mình, ta cũng chỉ nuôi nấng và rồi học cách buông tay cho nó khôn lớn. Vì thế, có thông cảm gì, bao dung gì với anh ta cũng chỉ có chừng mực. Sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Ta không thể nào gánh mãi tổn thương của họ.

Không có anh ta, em cũng nhất định sẽ gặp được người xứng đáng hơn.

Thà cô đơn và đợi người phù hợp biết chia sẻ cùng mình chứ nhất định không đi cùng mấy thằng dở hơi cám lợn suốt ngày chỉ biết đòi hỏi mình chứng minh tình yêu mà nó còn không biết yêu có nghĩa là gì.

Lúc nào cũng dùng câu “anh yêu em” hay “em yêu mà không hy sinh” để bắt đối phương phục tùng là thiếu tử tế. Yêu mà chênh lệch trong cách đối xử, thiếu tôn trọng nhau là không đúng.

Tốt với người cũng phải xem cái tốt đó có tổn hại đến mình không? Nếu có là em đã có lỗi với bản thân mình. Không ai có quyền được bắt em phải “hi sinh” trừ khi em vui vẻ với điều đó, không hối tiếc, không đòi hỏi vì những gì mình đã làm cho đối phương.

Phải tỉnh táo quan sát một người đàn ông trước khi bắt đầu mối quan hệ nào. Không thì cứ một mình. Dành thời gian, sức lực, tình cảm cho con.

Nuôi một đứa trẻ đã chịu nhiều vất vả, chẳng việc gì ngu dại vác thêm những gánh nặng cho tâm hồn mình.

Vân Anh

Vì sao phụ nữ lại rực rỡ khác thường khi bỏ chồng?

Vì sao phụ nữ lại rực rỡ khác thường khi bỏ chồng?

Không ít người chọn cách sống không hôn nhân vì đã quá sợ hay vì đã có sự so sánh quý báu của cuộc sống tự do với hôn nhân cùm xích.