Đại dịch Covid-19: Giờ là lúc bên nhau

Sự kỳ thị có thể bắt nguồn từ nỗi sợ, từ khác biệt văn hóa. Người ta sợ virus SARS-CoV-2 lây lan, nhưng virus kỳ thị cũng đáng sợ vô cùng.

Kỳ thị đồng bào

Tháng 3.2020, khi xuất hiện bệnh nhân số 17, cả Hà Nội náo loạn. Hầu như người ta quên đi lý do duy nhất cô đáng trách, đó là không khai báo mình ở Ý và Anh về, mà tự cách ly, tự đi khám, khiến công tác chống dịch trở nên phức tạp bội phần và cô làm nhiễm bệnh cho chính người thân của mình. Trên mạng tràn ngập những lời lẽ tấn công cá nhân nhằm vào cô, vào gia đình cô, và đổ lỗi cho cô là người gieo rắc dịch bệnh. Trong cơn tức giận, chúng ta đã quên rằng bất kỳ ai cũng có thể “dính” virus, cũng như bất kỳ ai cũng có thể dính cảm cúm hay thậm chí những bệnh tật nguy hiểm hơn như ung thư, tim mạch.

Trong một khuyến cáo đoàn kết, chống kỳ thị liên quan đến đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói: “Những người nhiễm virus corona không làm gì sai cả, do đó đừng đối xử khác biệt với họ. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm Covid-19 không phân biệt độ tuổi, giới tính, phẩm chất cá nhân. Việc bị nhiễm Covid-19 không có nghĩa là người đó ít giá trị hơn người khác”.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Song cho dù khuyến cáo đó, sự kỳ thị với các F vẫn kéo dài. Rất nhiều trường hợp F0 khác, trong lúc đang điều trị thì trên mạng xã hội lan truyền những tin đồn sai sự thực về họ, khiến họ bị miệt thị, người thân bị xa lánh. Điều đó xảy ra với cả các y bác sĩ, nhân viên y tế đang căng mình chống dịch. Trong lúc họ làm việc ngày đêm tại bệnh viện không được về nhà, thì người thân ở nhà vẫn bị xem là nguy cơ lây nhiễm, làm sao có thể yên tâm làm việc. 

Trong làn sóng dịch thứ tư tấn công Việt Nam lần này, khi khoa học đã giải mã được những chủng virus với tương đối đầy đủ thông tin về dịch bệnh, với sự hiểu biết đã gia tăng, song câu chuyện kỳ thị dường như xấu xí hơn. Một nam sinh lớp 12 trường THPT Kinh Bắc (Bắc Ninh) đi bê cỗ cưới thuê ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành để kiếm tiền. Hôm sau xã này xuất hiện nhiều ca Covid-19. Em học sinh và các bạn phải đi cách ly, qua xét nghiệm em được xác định mắc Covid-19. Lập tức trên FB cá nhân và điện thoại em là những bình luận, tin nhắn, cuộc gọi thóa mạ, chửi bới đổ lỗi, khiến em phải xóa Facebook, tắt điện thoại. Phải chăng, khi đổ lỗi được cho người khác, người ta thấy mình mạnh hơn, người ta tạm quên những điểm yếu của mình?

 Ngay cả trong cuộc tranh luận về sự riêng tư của các bệnh nhân Covid-19, vấn đề kỳ thị cũng được đặt ra. Những thông tin về tên tuổi, lịch trình di chuyển của các F0 được công bố khiến họ bị đàm tiếu, bêu riếu, nhiều người không dám khai báo trung thực. Cần nhớ rằng ở Australia nhà chức trách cũng truy vết bệnh nhân, song những thông tin về tên tuổi bệnh nhân được giữ kín, hàng xóm biết trong khu vực của mình có người nhiễm bệnh song không biết là ai, để cả hai bên tự thực hiện nghiêm khắc các biện pháp cách ly, nhờ đó tránh được sự kỳ thị.

Cậu bé học sinh lớp 12 ở Bắc Ninh có lỗi gì khi em chỉ muốn đi làm thêm, và em không hề biết mình nhiễm virus? Những tổn thương vì bị thóa mạ có lẽ sẽ theo em trọn đời, nó có thể khiến một người trở nên tự ti, sợ hãi mà cần rất nhiều ý chí và sự giúp đỡ để vượt qua.

Bùng nổ phân biệt chủng tộc

Xét cho cùng, việc kỳ thị trong dịch Covid-19 ở Việt Nam chưa dẫn tới các vụ bạo lực, xô xát, tấn công như ở phương Tây. Tổng thống Mỹ Joe Biden, trung tuần tháng 5 năm 2021 đã ký ban hành luật chống thù hận người gốc Á do dịch Covid-19. Một bộ luật người Mỹ mất rất nhiều thời gian để xây dựng, và mãi tới gần 1 năm rưỡi kể từ khi dịch bùng phát mới chính thức có luật, nhưng muộn còn hơn không. Việc có một bộ luật như vậy cũng cho thấy sự kỳ thị với người gốc Á là rất nghiêm trọng ở Mỹ, một phần được thúc đẩy bởi những phát ngôn bất cẩn của Tổng thống Donald Trump khi đó, chẳng hạn việc ông gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc”.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Người gốc Á chiếm 6% dân số Mỹ và ngày càng phát triển. Nhưng đại dịch bùng phát, tỷ lệ các vụ tấn công nhằm vào họ tăng vọt, mà theo NBC News là tăng tới 150%, đặc biệt ở những nơi đông cộng đồng gốc Á sinh sống như Los Angeles, New York. Báo cáo của tổ chức Stop Asian American Pacific Islander Hate (Chấm dứt thù hận với người Mỹ gốc Á, người quốc đảo Thái Bình Dương) cho biết, năm qua, họ nhận 6.600 khiếu nại về các hành vi thù hận, 2/3 số vụ là nhằm vào phụ nữ, từ né tránh, lăng nhục, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến…

Ở châu Âu cũng là tình trạng tương tự. Số liệu của cảnh sát London (Anh) cho biết, tại thành phố này có 200 vụ tấn công nhằm vào người gốc Á trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Các vụ tấn công ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha cũng gia tăng mạnh, trong đó người Việt cũng trở thành nạn nhân.

Một nhóm sinh viên Việt Nam học ở một thành phố nhỏ của nước Ý mà tôi quen kể lại, khi nước Ý bắt đầu cách ly xã hội mùa xuân năm ngoái, lúc các em đi từ trường về ký túc xá thì bị một nhóm thanh thiếu niên địa phương chặn lại, la ó huýt sáo phản đối, nói những lời xúc phạm. Có em đi học về chiều tối bị nhổ nước bọt. Nơi đất khách quê người, các em chỉ có thể tránh đi, lặng im ra về, hoặc không ra ngoài nếu không cần thiết. Lúc đó, nhiều người châu Á ở phương Tây đeo khẩu trang như thói quen từ trong nước, nhưng người Mỹ và châu Âu lấy đó là một biểu tượng để họ căm ghét, xúc phạm.

Vì con virus được khẳng định lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, nên tất cả người châu Á với người phương Tây đều là người Trung Quốc, và bị đổ lỗi, chỉ trích vì bị cho là đã gieo rắc virus đi toàn thế giới. Thật ra người phương Tây quên một điều rằng, cho dù virus được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, song những gì xảy ra ở Trung Quốc, từ số người chết kinh hoàng lên tới 3 – 4000 người chỉ trong vòng 2 tháng, hay cách Trung Quốc đã làm để ngăn chặn dịch, như cách ly xã hội cả một thành phố, còn cần được nhìn từ góc độ là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch.

Nhưng phương Tây chỉ nhìn thấy rằng, việc đeo khẩu trang khiến người ta trông xấu đi, cách ly khiến người ta mất tự do khi không được tham gia các hoạt động ngày thường, những việc nhỏ nhất như đi uống một cốc cà phê, ra ngoài ăn tiệm, đến việc phải ngừng nghỉ làm, thu nhập bị cắt giảm hoặc mất đi. Sự tức giận khiến người ta quên rằng, không phải là sự chia rẽ, thù hận, mà đoàn kết, thông cảm mới là cách để vượt qua đại dịch.

Không chỉ là tức giận vì nguồn gốc con virus, sự kỳ thị của phương Tây với người châu Á dường như còn là do những khác biệt lớn về văn hóa. Phương Tây vốn đề cao chủ nghĩa cá nhân tới mức tuyệt đối, ngay từ đầu họ đã không chấp nhận biện pháp cách ly mà Trung Quốc thực hiện, coi đó là sự xâm phạm quyền riêng tư, quyền tự do đi lại. Để rồi khi dịch lan ra, chính phương Tây sau đó cũng phải giãn cách, cách ly.  Họ lấy lý do quyền tự do cá nhân bị xâm phạm, trong khi quyền tự do lớn nhất là mạng sống của con người lại không được bảo vệ.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Cũng phương Tây, họ không chấp nhận chiếc khẩu trang. Chính Tổng thống Donald Trump hay chuyên gia hàng đầu về chống dịch của Mỹ khi đó, tiến sĩ Fauci, ban đầu đã phản đối chiếc khẩu trang, cho rằng nó không có tác dụng ngăn chặn virus. Họ cần những nghiên cứu khoa học bằng số liệu, nhưng họ không chấp nhận rằng người châu Á có những tri thức bản địa phong phú, được kiểm chứng trên diện rộng, qua thời gian, bằng thực tế chứ không chỉ là trong phòng thí nghiệm. Chưa nói đến việc người châu Á cũng đã có những nghiên cứu khoa học, mà bằng kinh nghiệm, họ biết rằng đeo khẩu trang giúp chống ô nhiễm, khói bụi hàng ngày, ngăn giọt bắn, và vì thế có tác dụng trong việc giảm bớt lây lan virus. Chẳng phải các bác sĩ trong phòng mổ của y học phương Tây cũng đeo khẩu trang như một biện pháp tự bảo vệ hay sao. Sự cứng nhắc, thậm chí là kiêu ngạo đó khiến phương Tây không chấp nhận tri thức của người châu Á, bỏ qua một thời gian dài trước khi các nước phương Tây cũng bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc.

Thống đốc bang California Gavin Newsom từ năm ngoái đã nói về đại dịch: “Bệnh tật không phải lý do để phân biệt chủng tộc. Chúng ta đơn giản là không khoan dung với bất kỳ hình thức bài ngoại nào. Giờ là lúc bên nhau để công nhận nhân loại chung. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch”. Việc phát triển vaccine đã có kết quả, nhưng rõ ràng đó không phải là cách duy nhất. Vaccine có thể ngăn chặn việc lây nhiễm bệnh, nhưng chính sự đoàn kết, như ông Newsom nói, mới là cách tốt nhất để ngăn ngừa sự tổn thương và các hậu quả về tinh thần, ngăn ngừa virus kỳ thị.

Mỹ Hằng

Vắc-xin tử tế

Vắc-xin tử tế

Sự tử tế như thứ vắc-xin tốt đẹp cho tâm hồn, tạo ra kháng thể lòng tin để chúng ta sống và đáp đền tiếp nối.