TP.HCM siết xe xăng: Tài xế công nghệ lo thất nghiệp

Trước bối cảnh ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, TP.HCM lên kế hoạch kiểm soát khí thải giao thông, từng bước hạn chế xe xăng, dầu, bắt đầu từ nhóm tài xế công nghệ.

Lộ trình chuyển đổi này khiến hàng ngàn tài xế công nghệ rơi vào thế khó. Không đủ điều kiện tài chính để chuyển sang xe điện, nhiều người lo lắng sẽ bị đào thải khỏi các nền tảng gọi xe.

Trước làn sóng chuyển đổi, tài xế công nghệ ở nhiều nền tảng như Grab, Be, ShopeeFood... cảm thấy hoang mang trước chi phí đầu tư xe điện. Đối với lực lượng tài xế công nghệ vốn là lao động phổ thông, thu nhập bấp bênh, việc đổi từ xe xăng sang xe điện là một gánh nặng tài chính không nhỏ.

“Tôi chạy Grab gần 6 năm, làm từ sáng đến tối chỉ đủ lo cho gia đình, giờ nghe đến việc cấm xe xăng mà hoang mang lắm. Một chiếc xe máy điện giá rẻ cũng tầm 20-30 triệu, tiền đâu mà đổi? Chưa kể, nếu đổi xe điện, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tăng lên tôi phải làm sao nếu không thể chi trả?”, Chị Huỳnh Thị Mai (tài xế GrabBike, ngụ Gò Vấp) chia sẻ.

Đối với nhiều tài xế công nghệ, việc đổi từ xe xăng sang xe điện là một gánh nặng tài chính không nhỏ.
Đối với nhiều tài xế công nghệ, việc đổi từ xe xăng sang xe điện là một gánh nặng tài chính không nhỏ.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay một số doanh nghiệp như Be, Grab, Shopee, Ahamove, Xanh SM… đã thí điểm chuyển đổi xe điện cho tài xế. Đặc biệt, Xanh SM là doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp xe điện cho toàn bộ đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, tỉ lệ xe điện trên tổng số 400.000 tài xế công nghệ vẫn còn rất hạn chế.

Dù TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp như hỗ trợ lãi suất vay, thu đổi xe cũ, miễn lệ phí đăng ký và hoàn thuế VAT cho mỗi chuyến xe điện nhằm khuyến khích chuyển đổi phương tiện, song trên thực tế, các tài xế vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Phần lớn họ đều chịu áp lực tài chính lớn và chưa sẵn sàng để thay đổi phương tiện.

Cùng chung lo lắng với các tài xế công nghệ khác, chị Nguyễn Thị Minh (tài xế giao hàng Lalamove) chia sẻ: “Các app gọi xe bóp cuốc ngày càng căng, thu nhập tháng chẳng được bao nhiêu. Nếu tự dưng bán chiếc xe máy chạy xăng được 2-3 triệu đồng, thì tiền đâu mua chiếc xe điện 22-30 triệu, kể cả trả góp hai năm. Bởi vì tính ra, mỗi tháng tôi phải trả nợ tiền triệu, trong khi cuộc sống còn khó khăn, nhiều khoản phải chi trả như tiền ăn, học, nhà cửa..."

Không chỉ gặp trở ngại về tài chính, nhiều tài xế còn băn khoăn về những bất tiện phát sinh trong quá trình mưu sinh: “Tôi thấy đa số người lao động đều thuê trọ, việc chuyển đổi sang xe điện có rất nhiều bất cập. Nhiều chủ nhà trọ treo bảng cấm xe điện vì lo ngại cháy nổ gây thiệt hại tài sản.”, chị Tuyết Nhung (tài xế Be, ngụ Bình Tân) chia sẻ.

Chị Trương Hoài Thương (32 tuổi, ngụ phường An Khánh) cho biết: "Mình chạy 1 ngày 8 tiếng được khoảng 300.000 đồng chưa trừ chi phí, cũng đủ trang trải cuộc sống. Mình có nghe nói về việc chuyển đổi xe. Nếu mức giá đổi xe hợp lý thì mình có thể cân nhắc. Còn nếu định giá xe cũ quá thấp, trong khi giá xe điện mới lại quá cao, thì mình không biết xoay sở sao. Bởi hiện tại mình chỉ đủ ăn, gánh thêm nợ thì rất khổ."

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) nhận định đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" sẽ tác động trên diện rộng, ảnh hưởng đến toàn địa bàn, đặc biệt là sinh kế của lực lượng tài xế công nghệ thường xuyên di chuyển mỗi ngày. Theo số liệu khảo sát, TP.HCM có khoảng 400.000 shipper và tài xế công nghệ, mỗi người di chuyển trung bình 80-120 km/ngày, cao gấp 3-4 lần mức di chuyển trung bình của người dân. Vì vậy, shipper, tài xế công nghệ sẽ là nhóm đầu tiên được chuyển đổi sang xe điện từ ngày 1/1/2026.

Lộ trình đề xuất chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện tại TP.HCM.
Lộ trình đề xuất chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện tại TP.HCM.

Theo lộ trình được đề xuất, từ đầu năm 2026, khi đăng ký mới với các ứng dụng gọi xe, tài xế bắt buộc phải sử dụng xe điện. Cùng thời điểm, TP.HCM sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi xe xăng đang sử dụng, kéo dài trong hai năm. Cụ thể, đến cuối năm 2026, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi 30% số lượng xe; năm 2027, tăng lên 80% và phần còn lại hoàn tất vào năm 2028. Từ đầu năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ.

Đề án cũng kiến nghị Trung ương miễn thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký và cấp mới biển số lần đầu cho xe máy điện trong vòng 2 năm kể từ 1/1/2026. Đồng thời hoàn thuế giá trị gia tăng trên mỗi chuyến xe và có chính sách hỗ trợ dành cho tài xế cung cấp dịch vụ bằng xe máy điện.

Dù chủ trương hướng đến mục tiêu môi trường là điều tích cực, nhưng áp lực tài chính đang trở thành nỗi lo chung của tài xế công nghệ. Không ít người cho biết thu nhập bấp bênh khiến họ khó xoay sở vài chục triệu để đổi sang xe điện, ngay cả khi có hỗ trợ lãi suất hoặc ưu đãi thuế. Nguy cơ thất nghiệp, mất nguồn thu nhập chính đang trở thành gánh nặng lớn đối với lực lượng lao động tự do trong giai đoạn chuyển đổi đầy áp lực này.

Lưu Thi - Trúc Diệu

Stockholm cấm xe xăng ở trung tâm thành phố từ năm 2025

Stockholm cấm xe xăng ở trung tâm thành phố từ năm 2025

Stockholm có kế hoạch cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel tại một số khu vực của thành phố bắt đầu từ năm 2025, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm