TP.HCM đề xuất chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Đề án “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh tại TP.HCM”.

Chiều 17/7, ông Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin về Đề án “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh tại TP.HCM”.

Ông Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin tại họp báo. Ảnh: Hương Thảo
Ông Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin tại họp báo. Ảnh: Hương Thảo

Theo ông Lê Thanh Hải, qua thống kê từ 3 nền tảng xe công nghệ lớn trên địa bàn thành phố, có khoảng 400.000 tài xế công nghệ đang sử dụng xe máy xăng, sẽ là đối tượng chuyển đổi sang sử dụng xe điện vào cuối năm 2029.

Nghiên cứu từ năm 2023 của Viện này cho thấy, trung bình tiền xăng của mỗi tài xế vào khoảng 70-100.000 đồng mỗi ngày cho đoạn đường 100-150 km. Trong khi đó, thời gian gần đây, khảo sát các tài xế chạy xe điện cho thấy, tiền sạc chỉ tốn 20.000 đồng/ngày.

“Chúng tôi ước lượng tài xế mỗi ngày tiết kiệm được ít nhất 40.000 đồng. Với thời gian chạy bình quân 25 ngày một tháng, mỗi tài xế tiết kiệm được khoảng một triệu đồng một tháng. Đó là lợi ích kinh tế rõ ràng”, ông Hải nói.

Về nhận định đối với các tài xế có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, khả năng tiết kiệm chưa cao, số tiền ban đầu đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho một chiếc xe điện cũng là điều đáng suy ngẫm. Ông Hải cho biết, để hỗ trợ tài xế, thành phố đề xuất gói vay trả góp. Theo đó, tài xế chỉ cần trả trước khoảng 8 triệu đồng (tương đương khoản tiền bán xe xăng cũ), phần còn lại sẽ được khấu trừ dần qua số tiền tiết kiệm mỗi tháng khi chạy xe điện (khoảng 1 triệu đồng). Như vậy, sau 24–30 tháng, tài xế sẽ sở hữu hoàn toàn xe điện mà không gánh thêm chi phí lớn.

Theo thống kê, có khoảng 400.000 tài xế công nghệ đang sử dụng xe máy xăng. Ảnh minh hoạ
Theo thống kê, có khoảng 400.000 tài xế công nghệ đang sử dụng xe máy xăng. Ảnh minh hoạ

Không chỉ có lợi ích kinh tế, đại diện Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho rằng, xe điện còn mang lại lợi ích sức khỏe rõ rệt. Tài xế thường di chuyển 8–10 tiếng/ngày, tiếp xúc với bụi mịn, khí thải và tiếng ồn đô thị nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ. Do đó, việc sử dụng xe điện giúp tài xế hạn chế các tác nhân gây hại trên, từ đó cải thiện chất lượng sống và tinh thần khi làm việc.

Liên quan đến những luồng thông tin về nguy cơ cháy nổ khi sử dụng xe điện, ông Lê Thanh Hải cho biết, nguy cơ cháy nổ chủ yếu đến từ ổ cắm dân sinh kém chất lượng, chứ không phải xe hay pin. Do đó đề án cũng đưa ra giải pháp UBND phường, xã, đặc khu phải phối hợp với lực lượng công an rà soát lại đường truyền tải điện tại các khu trọ tư nhân, đảm bảo việc sạc xe điện và điện sinh hoạt.

Từ nay đến 2030, TP.HCM đặt mục tiêu 100% xe máy hai bánh phục vụ giao hàng và dịch vụ công nghệ sẽ là xe điện. Đề án đang chờ phê duyệt và công bố, lấy ý kiến cộng đồng trước khi triển khai rộng rãi.

Xuân Quý

TP.HCM dự kiến chi gần 149 tỷ đồng để tri ân người có công

TP.HCM dự kiến chi gần 149 tỷ đồng để tri ân người có công

Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), TP.HCM dự kiến chi gần 149 tỉ đồng để tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa tri ân người có công với cách mạng.