Vắc-xin tử tế

Sự tử tế như thứ vắc-xin tốt đẹp cho tâm hồn, tạo ra kháng thể lòng tin để chúng ta sống và đáp đền tiếp nối.

Sự tử tế như thứ vắc-xin tốt đẹp cho tâm hồn, tạo ra kháng thể lòng tin để chúng ta sống và đáp đền tiếp nối.

Có lần, bạn tôi kể, cách đây mấy năm, anh ra ngoài đê An Dương thăm một người bạn. Anh phải gửi xe tạm ở quán nước gần đó. Lúc quay ra lấy xe, anh đề nghị trả tiền nhưng chị bán hàng nước không lấy. Anh ngỏ ý muốn mua mấy cái kẹo cao su, hay kẹo lạc của chị, nhưng chị xua tay: “Anh không phải khách sáo, ở đây bọn em khác, không như bên Hà Nội đâu”.

“Không như bên Hà Nội đâu!”. Trời ơi, một người phụ nữ bán nước, ngoài đê, nơi gần chợ đầu mối, nơi vẫn còn san sát những dãy nhà thuê trọ của người nghèo, người bán đồng nát, dân thợ hồ, nơi chỉ cách Nhà hát Lớn qua con đê có vài trăm mét đường chim bay, cách Bờ Hồ chừng hơn cây số đi bộ, lại có thể nói vậy về Hà Nội?

Chúng ta đã cư xử như thế nào để một phụ nữ di cư từ quê lên thành phố mưu sinh có thể mất lòng tin về Hà Nội như thế?

Chia sẻ cho người khó khăn trong đại dịch (Ảnh: internet).
Chia sẻ cho người khó khăn trong đại dịch (Ảnh: internet).

Hà Nội, và cả xã hội mình, vài năm trước thế nào, bây giờ thế nào, để không ít người, có lúc thở dài thườn thượt khi nói về ứng xử giữa người với người trong xã hội. Cách đây vài hôm, một người bạn tôi than, đạo đức xã hội xuống cấp quá. Mới trước Tết vừa rồi, khi bàn luận về việc học sinh lẫn người lớn chửi tục nhiều quá, một cô bạn khác comment: “Ở cái xã hội khốn nạn này nó thế”.

Cô ấy là bạn Facebook, tôi không đủ thân nên không rõ điều gì khiến cô ấy giữ những suy nghĩ, thái độ hằn học, độc hại như thế về xã hội. Có thể cô ấy thất bại trong hôn nhân và phải một mình bươn chải nuôi con suốt nhiều năm nay, có thể vì viện nghiên cứu nơi cô làm việc người ta cũng phải lộ ra không ít thủ đoạn để giành giật kinh phí nghiên cứu đề tài, đạo văn, mượn danh hão của nhau để bước lên bậc thang thăng tiến? Tôi chỉ nghĩ, với thái độ độc hại ấy trong đầu, cô làm thế nào để không ảnh hưởng đến đứa con gái xinh xắn dễ thương đang học cấp hai của cô?

Nhưng hẳn không thể nào mọi chuyện lại tệ hại như thế được.

Cho dù có chuyện cảnh sát giao thông ăn tiền của người vi phạm. Ở bệnh viện, có trường hợp sản phụ đến ngày sinh bỗng biến chứng mất cả mẹ lẫn con. Xã nọ, là chuyện cán bộ lợi dụng chức vụ lấn chiếm đất rừng xây biệt phủ xa hoa, tỉnh kia, là một vụ án oan mà bị cáo phải ngồi tù cả hai chục năm mới được minh xét. Bọn trẻ, bỗng đam mê những video quậy phá của Khá Bảnh hay nói đạo lý của Huấn Hoa Hồng. Hà Nội tắc đường và bụi mịn, sông Tô Lịch ô nhiễm và người ta nghi ngờ các dự án làm sạch sông đứng sau là lợi ích nhóm…

Cho dù có như thế thì sao có thể nói xã hội băng hoại, khốn nạn!

Cả nước cùng giải cứu nông sản cho người dân Hải Dương (Ảnh: internet).
Cả nước cùng giải cứu nông sản cho người dân Hải Dương (Ảnh: internet).

Tôi còn nhớ, chừng hơn mười năm trước, tôi vào viện sinh con. Một viện công. Khi ấy trên các diễn đàn mạng, người ta vẫn truyền tai nhau, mỗi lần y tá đưa em bé đi tắm, hãy cài vào tã em bé 20 nghìn, y tá sẽ nhẹ tay. Tôi vào viện mới thấy các y bác sĩ đối diện với một núi công việc, những áp lực hữu hình và vô hình nặng nề, đối diện với chuyện sinh tử của con người chỉ trong gang tấc. Tất cả mười mấy sản phụ mà tôi hỏi chuyện, chẳng ai phải cài tiền vào tã em bé đi tắm. Bé nào khi được đẩy về trả mẹ cũng sạch sẽ sởn sơ, ngủ ngon lành trong khăn quấn gọn gàng. Các cô y tá nhẹ nhàng, dễ chịu, đêm cần giúp thì ra gọi, họ sẽ vào đỡ cho những bà mẹ lần đầu còn rất vụng về. Tất nhiên khi mổ xong, hay khi ra viện, nhiều người trong chúng tôi đã đưa phong bì cho kíp mổ như lời cảm ơn, và thấy họ xứng đáng mà. Hóa ra những lời chia sẻ đồn đại trên mạng là không đúng. Con người, vốn hiểu biết đã hạn hẹp, lại còn hay định kiến, lại thích drama mọi thứ cho thỏa sự tò mò hay tự tạo phép thắng lợi tinh thần rằng mình hơn kẻ khác.

Tôi tin rằng cuộc sống này vận hành bằng sự tử tế. Chính bằng sự tử tế ấy mà cuộc sống vẫn chuyển động không ngừng, và tốt hơn. Ở đây, có thể là góc nhìn, cốc nước đầy một nửa hay vơi một nửa. Ta chọn một thái độ sống như thế nào, tích cực, lạc quan, thực tế, hay nhìn đâu cũng thấy đen tối. Ta chọn tin vào cái gì, vào sự tử tế vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ, hay một vài trường hợp xấu xa, vài vụ việc bức xúc nổi lên để quy nó là bản chất của xã hội?

Không phải tử tế, đẹp đẽ hay sao, khi mà trong dịch Covid-19 là những ATM gạo mỳ, ATM khẩu trang dành cho người khó khăn, người dân góp suất ăn, hoa quả, khẩu trang tặng bác sĩ và nhân viên y tế, còn chính các bác sĩ và nhân viên y tế thì bỏ nhà bỏ cửa đằng đẵng trong bệnh viện chống dịch bất chấp hiểm nguy!

Mùa lũ bất thường gây sạt lở miền Trung là những chuyến hàng cứu trợ không ngừng nghỉ. Trên vùng sâu vùng xa, các cô giáo cắm bản vẫn ngày ngày nhẫn nại dạy và dỗ bọn học trò miền núi. Các nhóm thiện nguyện tự tổ chức, hay các cuộc vận động lớn xây trường, xây nhà cho các cháu vẫn cứ đều đặn, kiên nhẫn để xây nên những ngôi nhà kiên cố trên lưng chừng núi. Là anh chiến sĩ chữa cháy lao vào lửa cứu cháu bé, là ông cựu quan chức cấp quận từ quan mua xe cứu thương chở người bệnh miễn phí. À, có người phụ nữ về hưu, cũng tự bỏ tiền ra mua xe cứu thương chở giúp bệnh nhân nghèo, ban đầu là bà thuê lái xe, sau đó không ít người đến tình nguyện chung tay lái xe đưa bệnh nhân về nhà hàng trăm cây số.

Những sự tử tế đó như thứ vắc-xin tuyệt vời, giúp tâm trí, tâm hồn ta tạo nên kháng thể lòng tin, để mà tin ở hoa hồng, mà sống.

Tất nhiên bạn thích drama, bạn có thể chọn những thứ vắc-xin độc hại là điều tiêu cực, và trong bạn sẽ hình thành kháng thể hoài nghi, và bạn cũng sống theo cách của mình.

"Người hùng" Nguyễn Ngọc Mạnh (Ảnh: internet).

Mới đây nhất, là câu chuyện về “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh, người lái xe tải chuyển đồ, đã nhanh trí băng mình lên mái nhà đỡ bé gái rơi từ tầng 13, cứu cháu bé khỏi cú ngã tưởng như không còn một kết cục nào tốt đẹp. Mạnh được ví như “siêu nhân”, như “người nhện”, người ta gọi anh là “Super Mạnh” và câu chuyện của anh lan truyền tới hang cùng ngõ hẻm, trong phút chốc dường như cả thế giới biết đến việc cháu bé được người hùng ra tay cứu sống. Đi đâu cũng thấy người ta bàn tán về Mạnh đỡ bé gái rơi từ tầng 13, không chỉ như một phép màu của số phận, mà còn như sự khát khao về cái tử tế, tốt đẹp trong cuộc đời này, khát khao thứ vắc-xin thiện lương cho tâm hồn mình, để vượt qua những điều ngang trái, vượt qua cơn lũ truyền thông với những tác động tiêu cực sẵn sàng đổ ập vào nhận thức của mỗi người.

Cũng chẳng cần phải dùng những từ ngữ như là “khát khao”, bởi thực ra sự tử tế - thứ vắc-xin cho tâm hồn ấy luôn đồng hành cùng cuộc sống, hàng ngày hiển hiện, chỉ là bạn có tiếp nhận nó hay không. Nhiều người chọn thứ vắc-xin đó, nhận được những điều tốt đẹp của cuộc sống, và đến lượt họ, đáp đền tiếp nối, như tên một bộ phim về sự lan tỏa những điều tử tế trong xã hội.

Như Lưu Quang Vũ, một thời đã viết: “Vì sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế/ Sao anh lại yêu em đến thế/ Chim sẻ tóc xù ơi/ Bác thợ mộc nói sai rồi…”.

Mỹ Hằng

Trong lo sợ vẫn sáng những yêu thương

Trong lo sợ vẫn sáng những yêu thương

Hơn một tháng phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh những chộp giật, chuộc lợi, kỳ thị thì vẫn còn rất nhiều những nghĩa cử đẹp đang lan tỏa trong cộng đồng.