Học sinh phải nghỉ học, nhà hàng thì đóng cửa, người dân tập trung trong siêu thị và các cửa hàng tạp hóa, hàng triệu người được yêu cầu trú ẩn trong nhà của mình. Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Thế nhưng giữa biến cố xuất hiện những người hùng. Giữa tình hình đầy bất định và cuộc sống bị đảo lộn, con người và cộng đồng vẫn tìm đến, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
Tặng trẻ em bữa ăn miễn phí.
Đối với hàng triệu học sinh, trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc mất đi nguồn cơm cố định. Một số quận đã lập kế hoạch tiếp tục làm đồ ăn cho những học sinh thực sự cần. Thế nhưng tại một vài quán ăn, khi phải chịu cảnh kinh doanh thua lỗ vì đại dịch, vẫn cố gắng chung tay giúp đỡ.
Suất ăn miễn phí mà Doug Lammers, chủ một quán cafe nhỏ ở Myrtle Beach dành cho học sinh trong giai đoạn đóng cửa vì Covid-19. |
Trong cuộc họp của các chủ nhà hàng ở thành phố Myrtle Beach, Nam Carolina (Mỹ), thay vì bàn luận phương án duy trì kinh doanh giữa đại dịch, họ cùng nhau bàn cách để có thể giúp đỡ cộng đồng. Doug Lammers, chủ một quán café tại đây đã quyết định làm đồ ăn miễn phí cho bọn trẻ.
“Chúng tôi chỉ là một quán café nhỏ tại Myrtle Beach. Chúng tôi không định giải quyết toàn bộ đại dịch này, nhưng sẽ làm những gì có thể cho đến khi có thể. Và nếu đến khi không làm được nữa, chúng tôi sẽ tìm cách khác để giúp”.
Sự giúp đỡ của ông được nhiều người ủng hộ, thậm chí có người ở tận bang California đã gửi quán một chi phiếu 1.000 đô la để quán có thể tiếp tục việc làm của mình.
Không chỉ riêng quán của Lammers, nhiều cơ sở kinh doanh cũng chung tay để giúp đỡ cộng đồng.
Tại Albany, New York, các gia đình có thể đến nhận một chiếc pizza phomai miễn phí từ thứ Ba đến thứ Sáu tại nhà hàng Ý Nové. Tại Asheville, Bắc Carolina, một cửa hàng taco đã làm tặng học sinh một chiếc taco miễn phí từ thứ hai đến thứ sáu.
“Gia đình chúng tôi chào đón gia đình các bạn trong thời gian này. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chủ quán Taco chia sẻ trên mạng.
Hỗ trợ tiền cho người lao động theo giờ
Không có ngày nghỉ ốm và chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh đóng cửa hay giới hạn giờ làm ở các nhà hàng, quán bar và các cửa hàng, những lao động làm việc theo giờ đang phải nếm trải tình trạng khó khăn về tài chính.
Thế nhưng nhiều khách hàng đã tự “đào” trong túi để hỗ trợ những người phục vụ họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Jayde Powell đã cùng đội sinh viên tình nguyện mua giúp nhu yếu phẩm cho những người già trong đại dịch Covid-19. |
Chỉ vài giờ trước khi Thống đốc bang Ohio Mike DeWine thông báo lệnh đóng cửa các nhà hàng và quán bar, một khách hàng tại quán Coaches Bar & Grill đã để lại tiền tip 2.500 đô la và một mẩu giấy ghi rõ tiền tip cho hóa đơn 29,75 đô này sẽ được chia đều cho 5 nhân viên của quán với tên cụ thể.
Và tại Houston, một cặp đôi đã tới ăn tại quán Irma’s Southwest và để lại 1.900 đô la tiền mặt trên bàn và 7.500 đô la khác trong thẻ. Với hóa đơn 90,12 đô la, cặp đôi đã tip lại cho quán 9.400 đô la với lời nhắn trên hóa đơn “giữ tiền này để trả nhân viên trong vài tuần tới”.
“Nhân viên của quán vô cùng ngạc nhiên khi một khách hàng đã quan tâm đến họ tới mức cho họ một khoản tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chủ quán chia sẻ.
Cung cấp thiết bị cho những người chịu ảnh hưởng
Jayde Powell và một “đội quân” tình nguyện đã dũng cảm vào những siêu thị đông đúc và cạn kiệt để những người có nguy cơ lây nhiễm cao không cần phải bon chen mua những nhu yếu phẩm cần thiết
“Là một sinh viên y khoa, tôi hiểu những người già hay những người có triệu chứng bệnh tim, phổi hay hệ miễn dịch kém là đối tượng dễ nhiễm bệnh. Vì thế, chúng tôi tình nguyện làm việc này để cố gắng giúp đỡ họ, để họ biết rằng bản thân không hề cô đơn trong giai đoạn khó khăn này”, Power, một sinh viên y khoa tại Đại học Nevada, Reno tâm sự.
Cô Lori Jabagchourian, mẹ của ba con, bên cạnh các thùng khẩu trang, găng tay, nước sát khuẩn mà cô ủng hộ bệnh viện trong giai đoạn thiếu trang thiết bị điều trị tại các bệnh viện ở Mỹ. |
Không chỉ đơn giản là chuyển phát, Powell còn tạo ra một quỹ GoFunMe dành riêng cho người cao tuổi, những người không đủ khả năng mua những đồ cần thiết.
Tại Minnesota, những nhân viên y tế ngày đêm căng mình hỗ trợ các bệnh nhân khi virus lan rộng cũng nhận được sự giúp đỡ từ các sinh viên của Đại học y khoa Minnesota.
Dù công việc có là chăm sóc trẻ, trông thú cưng hay mua hàng tại tạp hóa, sinh viên được bắt cặp với các nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, y tá, nhân viên bếp, nhân viên vệ sinh hay quản lý bệnh viện trên toàn bang để đảm bảo công việc được hoàn thành.
“Năng lực đặc biệt của mọi người đều bộc lộ. Chúng tôi đã thấy được nhiều kỹ năng tuyệt vời của các bạn sinh viên mà trước đây chưa có cơ hội nhận ra”, một sinh viên cho biết.
Và khi cộng đồng y khoa bắt đầu gặp khó khăn về sự thiếu thốn các đồ dùng cần thiết trong lúc chữa bệnh, một phụ nữ người California đã tìm ra cách để giữ sự kết nối ấy.
“Tôi là một người mẹ ba con và chỉ đang cố làm những điều cần thiết để giúp mọi người trong lúc khó khăn”, cô Lori Jabagchourian chia sẻ.
Biết được tình trạng thiếu thốn tại bệnh viện San Francisco, cô đã nghĩ ra cách để giúp đỡ họ. Với sự giúp đỡ từ những người bạn sở hữu nhà hàng làm móng và tóc đang trong giai đoạn đóng cửa, Jabagchourian đã lấy được 42.000 đôi găng tay, hơn 1.300 khẩu trang, 25 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn và hơn 11 lít thuốc sát trùng để trao cho bệnh viện.
Khôi phục lại niềm tin cho cộng đồng
Đôi khi, âm nhạc lại trở thành cầu nối cho những khoảng cách mà đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải tuân theo.
Khi một hàng xóm tại Columbus, Ohio bắt đầu phải tự cách ly để bảo vệ bản thân khỏi virus corona thì cậu bé 9 tuổi Taran Tien cùng cô em gái Calliope 6 tuổi của cậu ngồi ngoài hiên, diện đồ và bắt đầu biểu diễn buổi hòa nhạc với những cây vĩ cầm trên tay.
Hình ảnh cậu bé Taran Tien cùng em gái biểu diễn nhạc bên ngoài nhà của một hàng xóm đang phải cách ly vì Covid-19 tại Ohio, Mỹ. |
“Đó là một trong những thời khắc mà bạn thấy mình đang thuộc về một điều gì đó diệu kỳ. Đó là một cách tốt để giúp con người nhớ lại giá trị của sự kết nối, đặc biệt trong những thời điểm như thế này khi mọi người đều cảm thấy xa cách. Chỉ cần biết rằng chúng ta là một phần của một thứ ngọt ngào, thậm chí chỉ trong vài phút, cũng có ý nghĩa rất nhiều”, Rebecca Tien, mẹ của bọn trẻ tâm sự.
Còn đối với Emmanuel Maira Mallen và vợ của anh, nhạc mariachi là một cách để “trả ơn” cộng đồng.
Thức dậy buổi sáng và thấy tràn ngập những thông tin đáng sợ về dịch bệnh trên facecbook của mình, anh và vợ quyết định thuê ban nhạc mariachi với hy vọng có thể xua đi nỗi u ám cho cộng đồng.
Bước vào một cửa hàng tạp hóa, anh và ban nhạc ban đầu cảm nhận được không khí hoảng loạn và lo lắng khi nhân viên cửa hàng đang phải vật lộn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Và khi tiếng nhạc vang lên, anh thấy được những tiếng cười xuất hiện, rồi mọi người cùng nhau nhảy. Không khí trong cửa hàng bỗng chốc thay đổi. Video được anh chia sẻ trên facebook đã nhanh chóng trở nên lan tỏa, mang lại những hiệu quả mạnh mẽ vượt quá sự kỳ vọng của chính bản thân anh.
“Chúng tôi luôn muốn làm một điều gì đó, dù nhỏ cho cộng đồng và giờ đây đã mang đến tiếng cười cho hàng triệu người”, Mallen vui vẻ nói.
May tặng 10.000 khẩu trang vải cho người có hoàn cảnh khó khăn
10.000 khẩu trang vải sẽ được đoàn viên thanh niên may tặng người dân TP.HCM.