Trong lo sợ vẫn sáng những yêu thương

Hơn một tháng phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh những chộp giật, chuộc lợi, kỳ thị thì vẫn còn rất nhiều những nghĩa cử đẹp đang lan tỏa trong cộng đồng.

Vừa hết kỳ nghỉ Tết, người dân cả nước lo lắng như ngồi trên đống lửa bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới bùng phát tại Việt Nam. Cái giá lạnh, màu xám xịt của bầu trời cộng với nỗi lo sợ trong lòng mỗi người khiến cho bức tranh cuộc sống bỗng trở nên u tối. Nhưng, không hẳn mọi việc đều diễn biến theo chiều hướng xấu đi.

Bệnh nhân thứ 16 tại Việt Nam xuất viện sau khi được điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm phổi do Covid-19.
Bệnh nhân thứ 16 tại Việt Nam xuất viện sau khi được điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm phổi do Covid-19.

Lo sợ tốc độ lây lan của dịch bệnh, người dân đổ xô đi mua khẩu trang và nước rửa tay khô để phòng chống dịch covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO. Giá hai mặt hàng này tại các hiệu thuốc hay chợ online tăng gấp 3-4 lần. Khẩu trang từ 45.000/hộp lên tới 150.000 – 200.000/hộp. Nước rửa tay khô cũng không ngoại lệ, được nhà nhà tích trữ. Nỗi lo sợ tăng dần, thì lượng khẩu trang có trên thị trường giảm dần, thậm chí nhiều nơi trở nên khan hiếm.

Giữa lúc để mua được “lá chắn vàng” cho sức khỏe, bao người giành giật, tranh nhau sứt đầu mẻ trán, thì nhà thuốc tại Khánh Hòa tặng khẩu trang miễn phí cho người dân. Rồi Hà Nội, TP. HCM cũng xuất hiện nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí. Doanh nghiệp tặng khẩu trang cho khách hàng, cảnh sát giao thông tặng khẩu trang cho người tham gia giao thông. Nhà khoa học, thầy giáo, sinh viên tự làm nước rửa tay sát khuẩn, phát miễn phí…

Nghĩa cử cao đẹp, tặng khẩu trang miễn phí
Nghĩa cử cao đẹp, tặng khẩu trang miễn phí

Những nghĩa cử đẹp dần lan tỏa, như giáng một cái tát vào mặt bọn gian thương “đục nước béo cò”. Thay vì giành giật nhau, người ta chia sẻ từng chiếc khẩu trang kèm lời dặn dò “Mỗi người chỉ nên nhận 1 - 2 cái, để dành khẩu trang cho những nơi thật sự cần thiết, như các y bác sĩ và bệnh nhân trong vùng bị cách ly”. Trong hoang mang, lo sợ, vẫn nhen nhóm những đốm lửa yêu thương.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tất cả các trường từ mầm non tới đại học quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Kéo theo cuộc sống và lịch sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn. Những gia đình có con nhỏ nhất là bậc tiểu học, mầm non loay hoay giữa lựa chọn đi làm hay nghỉ ở nhà trông con.

Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia giải cứu dưa hấu.jpg
Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia giải cứu dưa hấu.jpg

Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp chấp nhận công việc đình trệ, cho phép nhân sự làm việc tại nhà, liên lạc qua internet. Hay có nơi cho phép nhân sự được đưa con nhỏ không người trông tới văn phòng, vừa làm vừa trông con. Tất nhiên, hiệu quả công việc trong thời gian này không cao, nhưng người lao động thấy được sẻ chia.

Biên mậu đóng cửa, hàng hóa nông sản bị ứ trệ, không kịp tiêu thụ, người dân đứng trước nguy cơ mất trắng. Dẫu biết rằng, điều đó phản ánh thực trạng khâu chế biến sau thu hoạch của nước ta còn yếu, và phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu nông sản tươi sang Trung Quốc, nhưng tình trạng cấp bách buộc phải đưa ra những hành động thiết thực.

Chế biến thanh long, giúp người dân tiêu thụ nông sản tồn
Chế biến thanh long, giúp người dân tiêu thụ nông sản tồn

Các nhà khoa học, nhà sáng chế đưa ra nhiều giải pháp, công nghệ hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Nhiều hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ tới các tiểu thương, người dân cùng chung tay giải cứu. Hàng nghìn tấn dưa hấu, thanh long được người dân giải cứu thành công, thậm chí còn sáng tạo thêm những món mới như bánh mì thanh long, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu, và công khai công thức cho tất cả mọi người có thể làm.

Bánh mỳ thanh long được sáng tạo để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản.
Bánh mỳ thanh long được sáng tạo để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản.

Trong đợt dịch Covid-19, Vĩnh Phúc trở thành điểm nóng của dịch bệnh, với hơn 11 trường hợp mắc bệnh tại ba huyện: Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương. Xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) có 8 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 trường hợp mắc do lây truyền thứ phát trong cộng đồng trở thành tâm điểm của vùng dịch.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, thành lập 12 chốt trạm kiểm soát y tế, kiểm soát các điểm ra vào vùng dịch. Đồng thời, huy động các lực lượng tiến hành phun khử trùng, tiêu độc, kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân.

Nhiều nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện tặng dung dịch sát khuẩn cho người dân vùng dịch.
Nhiều nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện tặng dung dịch sát khuẩn cho người dân vùng dịch.

Không ít người kỳ thị, thậm chí có nhà nghỉ còn treo biển không tiếp du khách đến từ Vĩnh Phúc.

“Họ gọi chúng tôi là “Vũ Hán của Việt Nam”, từ chối mua hàng và tỏ thái độ kỳ thị người dân Sơn Lôi và cả Vĩnh Phúc nói chung” - ông P.V.T, chủ một cửa hàng bán thuốc thú y tại xã Sơn Lôi buồn rầu chia sẻ trên tuổi trẻ online.

Nhưng không hẳn tất cả mọi người đều như thế. Nhiều nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện làm nước rửa tay khô, mua khẩu trang tặng người dân và động viên “Sơn Lôi cố lên”.

160 cán bộ chuyên môn, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên… từ các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện thuộc các bộ, ngành trên địa bàn Vĩnh Phúc tiên phong về huyện Bình Xuyên để hỗ trợ người dân nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh. “Nếu nói không sợ, không lo lắng thì chúng tôi nói dối, nhưng trách nhiệm của một người khoác trên mình tấm áo blouse cùng lòng trắc ẩn với những con người cùng quê hương ruột thịt khiến nỗi lo lắng ấy bị lu mờ”.

Tình nguyện viên cùng nhau tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19.
Tình nguyện viên cùng nhau tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19.

Những dòng thư nhắn nhủ đầy ắp những yêu thương của các em học sinh lớp 1H (trường tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi tới các bạn tại vùng dịch Sơn Lôi, lần nữa lại khiến mọi người càng thêm xúc động: “Các bạn có thiếu gì không, chúng tớ sẽ gửi đến nhé! Hãy luôn nhớ giữ sức khỏe, tinh thần vui vẻ để chiến đấu với Covid-19”. “Tớ rất thương các bạn. Hy vọng các bác sĩ sẽ tìm ra thuốc để chống dịch. Cùng cố gắng các bạn nhé!” …

Dẫu thời gian để tuyên bố hết dịch vẫn còn dài, và nỗi lo sợ vẫn còn đấy, nhưng tôi vẫn thấy vững tin rằng mọi chuyện sẽ sáng lên. Bởi việc phòng chống dịch giờ đây không chỉ là việc của riêng ngành y, không chỉ của một vài người, một nhóm người, mà cả cộng đồng đã coi đẩy lùi dịch là nhiệm vụ chung.

Minh Khang

Động viên nhau qua mùa dịch theo cách lạc quan nhất

Động viên nhau qua mùa dịch theo cách lạc quan nhất

Đó không phải những số liệu khô khốc hay thông tin, khẩu hiệu hô hào chống dịch, có nhiều cách chia sẻ vui vẻ động viên nhau giữa đại dịch Covid-19.