Những áo dài trên phố cũ mùa thu

Khoác lên mình tấm áo lụa đủ màu xuống phố, các bà, các cô tranh thủ ghi lại thời điểm Hà nội đẹp nhất trước khi trời chuyển sang đông.

Không biết từ bao giờ trong đám chị em phụ nữ, các bà các cô Hà Nội bắt đầu xuất hiện phong trào mặc áo dài chụp hình với các kiến trúc cổ, các đường phố cũ mùa thu. Họ chụp trên cầu Long Biên, quảng trường Nhà hát Lớn, tháp nước Hàng Đậu, cầu đá Phùng Hưng hay hàng sấu phố Phan Đình Phùng… Có những công trình phong cách vintage thuộc địa làm nền, các nhan sắc kể cả tân thời lẫn tiền chiến trong tà áo dài bay dưới trời thu lộng lẫy hẳn lên. Điều này thật tuyệt vời. Phụ nữ họ luôn đẹp bất chấp tuổi tác, và họ có quyền đem vẻ đẹp ấy để trang điểm, để sánh đôi cùng với những khung cảnh thân yêu của thành phố chúng ta.

Tòa tháp nước tròn xây đá hộc mà người ta hay gọi nhầm là bốt Hàng Đậu là địa điểm đầu tiên thường được các bà các cô chiếu cố seo phi. Vườn hoa Hàng Đậu những năm 7x có tên là vườn Vạn Xuân. Một hàng rào beton đúc thấp người lớn có thể bước qua được, là ranh giới giữa vườn hoa và vỉa hè.

Góc khuất tòa tháp này trước kia có công năng giải tỏa sự bức bối cho khách uống bia ở cái xe lưu động hay đỗ xế bến tàu điện Quán Thánh chạy sang. Còn bây giờ tòa tháp cổ sạch tinh từng viên đá, mạch vữa, làm tấm phông nền lý tưởng cho những tà áo màu bay phơ phất.

Thành phố thủ đô đẹp đẽ lên, văn minh hơn cùng với sự phát triển kinh tế là tất yếu, song trong ký ức của một người Hà Nội cũ không hiểu sao vẫn có những điều gì lẩn quất như thế khiến người ta có đôi chút ngậm ngùi.

Những áo dài trên phố cũ mùa thu

Từ vườn hoa này theo phố Quán Thánh đi lên một đoạn có một căn nhà lớn trúng tên lửa của không quân Mỹ thời chiến tranh. Chắc tay phi công nhắm vào nhà máy nhiệt điện Yên Phụ nhưng chệch mục tiêu. Chẳng biết chết bao nhiêu người, chỉ thấy căn nhà toang hoác mấy tầng gác đổ. Đi qua đây những đêm mất điện nghe rờn rợn vì Hà Nội hồi đó vắng lắm, lại có tiếng dương cầm từ đó vọng ra nữa. Có người bạn tôi kể đó là tiếng đàn của con gái ông Trịnh Ngọc, họa sĩ bạn nhà thơ Phan Vũ, và tiếng chuông ngân buổi tan lễ chiều trong bài thơ bất hủ này là từ nhà thờ Cửa Bắc vọng sang.

Bỏ qua những khoảng lặng buồn thời chiến. Mùa thu bây giờ đã khoác lên góc đường này từng khoảng nắng nghiêng dịu dàng sau tiết Hàn lộ. Các bà, các cô cũng khoác lên mình những tấm áo lụa đủ màu xuống phố, tranh thủ ghi lại hình ảnh mình vào thời điểm Hà nội đẹp nhất trước khi trời chuyển sang đông.

Đi trên phố Phan Đình Phùng ngày chủ nhật hẳn những ai yêu thơ Olga Bergoltz bắt đầu “hiểu bây giờ anh có lý” khi thi sĩ cảnh báo về những loài hoa cuối mùa bỗng sặc sỡ đến lo âu. Hoa cũng vậy và con người cũng vậy. Con phố vắng ngày xưa bỗng rực lên màu sắc. Thực ra điều này cũng phù hợp với các quy luật vật lý cũng như sinh học. Đồng lúa dồn dinh dưỡng cho bông thóc mẩy hạt trước khi biến thành những cọng rơm xác rạ. Mặt trời dồn nắng cho buổi thu tàn, như ngọn đèn khi sắp tắt dồn những giọt dầu cuối cùng cho ngọn bấc bùng lên.

Xe hoa rong dồn về đây đủ loại đậu dài một dãy phố. Chị em toàn thành phố cũng dồn về đây thật đông thật nhiều làm một cuộc hội tụ của khăn áo sắc màu. Con phố đông nghìn nghịt lắm khi đến tắc cả đường. Đông nhất là khoảng trước tháp chuông nhà thờ Cửa Bắc, di tích thành cổ Hà Nội và cổng phụ trường Phan Đình Phùng. Cái cổng này đi tắt qua khu tập thể giáo viên, là lối tôi né đội trực tuần những hôm đi học muộn. Bạn mẹ tôi, cô giáo Mỹ Hạnh chị gái cô Mỹ Bình, ca sĩ hát bài “Người Hà Nội” hay nhất, thường thấy tôi lẻn qua nhưng chẳng bao giờ mách.

Hôm nay các kiều nữ xinh tươi đua nhau chụp với biển trường trung học dù họ có học trường này hay không thì chỉ có Chúa mới biết. Các nàng vừa mới e thẹn cùng bó hoa baby trong trắng nữ sinh trên tay, thoắt cái đã vén tà áo dài chụp trước cổng thành uy nghiêm với vết đạn đại bác thực dân toang hoác nã vào từ quá khứ. Hết lấp lối vỉa hè, các bà các cô lại tràn cả xuống lòng đường tạo dáng, cười duyên với những lượt xe chậm qua mà họ trót làm phiền.

Đây đó tiếng còi công an giao thông phân luồng rít lên nửa như sốt ruột nửa đành bất lực. Chỗ này không phải khu vực cấm quay phim chụp ảnh, mà cũng chẳng ai nỡ phạt những nụ cười xinh, những tà áo dài duyên dáng nhường kia. Họ có thể gây phiền nhưng không phạm luật. Có chị bán hoa rong giỏi tiếp thị những bó hoa luân lưu với giá hai chục đồng một lượt chụp thoải mái. Lại có cả những anh bày trên vỉa hè những túi sấu chín mà họ thản nhiên giới thiệu rằng đó là sấu vừa hái trên đường.

Gần “phố nữ sinh” Phan Đình Phùng là “phố bích họa” Phùng Hưng. Đoạn phố bích họa thành hình theo sáng kiến cùng sự góp sức của một nhóm họa sĩ Hàn – Việt với tiêu chí “Nghệ thuật vì một không gian sống đẹp hơn”. Trên bức tường cầu tàu đá dẫn lối lên cầu Long Biên, các nghệ sĩ đã vẽ những bức tranh 3D mô tả phong cảnh, đời sống Hà Nội cũ. Tại đây các bà các chị có thể ngồi diễn sự suy tư trên một bậc thềm được xây thật bên cửa ngôi nhà cũ, là tranh vẽ trên tường. Lại cũng có thể giả vờ hoài niệm dắt một chiếc xe Honda cub 50 máy đời cổ cánh được dựng bên tường đi theo một toa tàu điện đỏ không biết về Vọng hay lên Yên Phụ.

Phố bích họa vào những đêm mùa thu còn lộng lẫy hơn nữa bởi hàng trăm chiếc đèn lồng sáng rực treo cao thấp. Không gian cùng những tà áo dài sẽ trở nên hoàn mỹ và lãng mạn thêm gấp bội nếu trên phố không vương mùi thịt chó thui cùng mắm tôm riềng sả ban chiều từ dãy quán bán thứ thực phẩm giải xui cuối tháng. Dãy hàng quốc hồn quốc túy này đã từng trụ trì ở đây lâu năm, và tất nhiên chỉ có các nghệ sĩ Hàn - Việt mới có thể làm việc tích cực trong một không gian đậm mùi truyền thống chung của hai nước như thế.

Những áo dài trên phố cũ mùa thu

Rảo chân theo lối cầu đá vài trăm mét nữa lại có một không gian đặc sắc khác dành cho chị em Hà Nội chụp hình khoe Facebook. Đó chính là cây cầu cổ Long Biên hơn trăm năm tuổi. Tuổi tác của cây cầu cùng sự cũ kỹ hoen gỉ của nó làm cho các nhan sắc luống tuổi tự tin hơn. Những tà áo mềm mại tương phản với các thanh giằng thép kết cấu. Đường ray sâu hút trong tấm hình dàn dựng gợi niềm bơ vơ thân gái dặm trường khiến các fan thương hết cỡ thợ mộc. Ga Long Biên đầu cầu bây giờ còn cải tạo thêm không gian làm quán cà phê Hỏa Xa bài trí cực kỳ lãng mạn. Những tâm hồn nhạy cảm bước vào, mới nghe tiếng còi tàu dù chưa kịp gọi đồ đã thấy dâng dâng trong hồn đắng đót từng giọt chia ly.

Chụp trong quán, chụp bên cầu chưa đủ, chị em xăm xăm xách áo vén quần trèo qua lan can vào trong lòng cây cầu già nua khốn khổ, tranh thủ hành hạ nó lúc tàu chưa đến. Em về giũ áo mù sa/ Trút quần phong nhụy cho tà huy bay. Câu thơ Bùi Giáng như minh chứng cho sự xả thân bất chấp nguy hiểm vì cái đẹp của các bà các cô trên cây cầu này. Chị có hình thì em cũng phải có ảnh. Biết làm sao được khi nó đã đua nhau thành “trend” trên mạng xã hội.

Mới loanh quanh khu vực Bắc thành đã có ngần ấy điểm cho chị em chụp hình khoe sắc. Người viết bài này đôi khi cũng nói quá lên để giỡn vui và nhắc nhở nhẹ thôi chứ đâu dám chê trách gì. Không có các tà áo màu bay trên phố cũ mùa thu thì thành phố này chẳng còn là Hà Nội nữa. Xuống phố chụp hình đi các chị, kẻo mai gió lạnh về mưa bay xám phố đời lại buồn tênh.

Trung Sỹ

Những bài hát hay về mùa Thu Hà Nội

Những bài hát hay về mùa Thu Hà Nội

Những bài hát về mùa thu Hà Nội với chút gió heo may, lá thu rơi xào xạc... từ lâu đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người.