Lạm phát gia tăng mang lại rủi ro cho giá hàng hóa

Bị cản trở bởi chi phí nhiên liệu, giá phân bón tăng cao, cùng với cuộc khủng hoảng lao động do các hạn chế COVID-19, Trung Quốc có nguy cơ thu hoạch vào vụ mùa thu hạn hẹp có thể làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa.

Giá lương thực toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi xung đột Nga - Ukraina, nhà sản xuất lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn trên thế giới, khiến chi phí tăng cao kỷ lục.

Matxcơva bị cáo buộc đẩy toàn cầu đến bờ vực thảm họa bằng cách phong tỏa các cảng của Ukraina và chiếm giữ các kho hàng hóa, khiến giá cả tăng cao và khiến các quốc gia nghèo nhất thế giới phải đối mặt với nạn đói.

Trung Quốc tương đối tự chủ, sản xuất hơn 95% nhu cầu về gạo, lúa mì và ngô.

Nhưng sự gián đoạn liên tục do COVID-19 gây ra bởi những hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa và công nhân nông trại, cùng với chi phí phân bón và nhiên liệu cao hơn và các vấn đề về tiếp cận thiết bị, đe dọa đến thu hoạch vào mùa thu của các loại cây trồng chính như đậu tương và ngô.

Các chuyên gia cảnh báo ngay cả một sự gia tăng về nhu cầu từ quốc gia đông dân nhất thế giới cũng có thể khiến chi phí hàng hóa toàn cầu tăng mạnh.

"Điều cuối cùng mà thị trường toàn cầu cần ngay bây giờ là Trung Quốc trở thành quốc gia người mua tích cực hơn", Even Pay, một nhà phân tích nông nghiệp của công ty tư vấn Trivium China cho biết.

Lạm phát gia tăng mang lại rủi ro cho giá hàng hóa - Ảnh 1.

Chi phí cao hơn và tình trạng thiếu lao động đe dọa vụ thu hoạch mùa thu của Trung Quốc, điều này có thể tác động lên giá lương thực toàn cầu. Ảnh: AFP

Giá ngô đạt mức cao nhất trong 9 năm vào tháng 4, trong khi giá đậu tương giao dịch gần mức cao nhất trong 10 năm trong tháng này.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng tuân thủ chính sách "zero-COVID".

Điều đó thể hiện như thế nào trong vụ thu hoạch tiếp theo là không chắc chắn, nhưng bà Pay cho biết "công tác hậu cần chặng cuối" đã trở nên phức tạp do hạn chế ở các vùng nông thôn sợ dịch bệnh lây lan.

Bà nói thêm: "Các ngôi làng đã rất e dè với việc cho người ngoài vào trong thời gian kiểm soát COVID".

Darin Friedrichs, đồng sáng lập công ty nghiên cứu nông nghiệp Sitonia Consulting, cho biết, nếu Trung Quốc tiến ra thị trường toàn cầu để lấp đầy bất kỳ khoản thiếu hụt nào, thì sẽ có "tác động lớn" đến giá cả.

Hiện tại, Bắc Kinh đang theo dõi sát sao vụ thu hoạch lúa mì của nước này.

Tại một cuộc họp vào tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết một vụ thu hoạch mùa hè tăng mạnh với giá cả có thể kiểm soát được một phần phụ thuộc vào sự tiếp cận "không bị cản trở" của công nhân và máy móc tới các tỉnh trồng lúa mì từ đông An Huy đến bắc Sơn Tây.

Theo truyền thông địa phương, Trung Quốc đã thu hoạch khoảng 80% vụ lúa mì vụ đông cho đến nay, mặc dù Friedrichs cảnh báo rằng giá cao hơn 25% so với năm ngoái, vào khoảng 3.000 nhân dân tệ (450 USD) / tấn.

Mặc dù một vụ thu hoạch lúa mì tốt là một tin tốt đối với thị trường thế giới, nhưng "sự gián đoạn liên quan đến COVID vẫn chưa biến mất", theo bà Pay, người nói thêm rằng giá phân bón và nhiên liệu đang tăng cao.

Lạm phát gia tăng mang lại rủi ro cho giá hàng hóa - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa mạng nhện ở Flores, Indonesia. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cho thấy giá gạo quốc tế tăng tháng thứ năm liên tiếp để đạt mức cao nhất trong 12 tháng, theo dữ liệu mới nhất của tháng 5 được công bố vào tuần trước. Ảnh: CNBC

Theo Andrew Whitelaw, nhà phân tích của Thomas Elder Markets, Trung Quốc đã "tăng mạnh mua lúa mì, ngô, lúa mạch" trong những năm gần đây, từ mức dưới 20 triệu tấn/năm vào khoảng 4 năm trước lên khoảng 50 triệu tấn hiện nay.

Nhưng lạm phát toàn cầu và sự bất ổn sẽ khiến Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều hơn.

Trung Quốc đã mua lúa mì mới thu hoạch để dự trữ với giá cao ngất ngưởng trong tháng này.

Truyền thông nước này đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rằng Trung Quốc nên thực hiện "những nỗ lực không ngừng để đảm bảo an ninh ngũ cốc".

Friedrichs cho biết vấn đề này đã trở nên quan trọng hơn kể từ năm 2020 khi COVID lây lan trên toàn thế giới.

Ông nói: "Đã có những lo lắng về sự gián đoạn toàn cầu đối với chuỗi cung ứng, và bây giờ chúng ta đang có cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu - đó là sự tập trung gấp đôi vào an ninh lương thực".

Sau lúa mì, giá gạo có thể sẽ tăng vọt trên toàn cầu

Theo kênh truyền hình CNBC, một loạt yếu tố như chi phí phân bón và năng lượng tăng cao đã làm tăng giá nhiều loại thực phẩm.

Theo dữ liệu tháng 5 mới được công bố vào tuần trước, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã cho thấy giá gạo quốc tế tăng tháng thứ năm liên tiếp, đạt mức cao nhất trong 12 tháng.

Các chuyên gia cho biết tình hình sản xuất lúa gạo vẫn rất tốt, nhưng giá lúa mì tăng có thể khiến mọi người sẽ chuyển sang ăn gạo thay thế, qua đó làm tăng nhu cầu và giảm lượng gạo dự trữ hiện có.

(Nguồn: AFP/CNBC)

GIA HÂN