Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2021

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/11 cho biết, tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng euro đã giảm xuống 10% trong tháng 11.

Nền kinh tế chung của các nước nằm trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có kết quả hoạt động tốt hơn dự kiến với lạm phát hàng năm giảm xuống còn 10% vào tháng 11, một phần do giá năng lượng giảm. 

Đây là lần giảm lạm phát đầu tiên trong 17 tháng qua.

Bloomberg và FactSet đã dự đoán mức giảm nhiều hơn một chút là 10,4%. Lạm phát trong khu vực Eurozone đã tăng lên 10,6% trong tháng 10.

Việc giảm tốc độ tăng giá năng lượng là một trong những yếu tố chính dẫn đến lạm phát chung giảm.

Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2021 - Ảnh 1.

Lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2021.

Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong Eurozone ở mức 6,6%. Pháp, trước đây có tỷ lệ thấp nhất, hiện đang chứng kiến lạm phát 7,1%.

Hôm thứ Ba, dữ liệu sơ bộ từ cơ quan thống kê liên bang Đức Destatis cho thấy lạm phát ở nước này đã giảm xuống mức 10%.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ sự hoài nghi rằng lạm phát đã đạt đỉnh, trước khi giảm xuống như dự kiến.

Nhìn vào các yếu tố thúc đẩy làn sóng lạm phát "cho dù đó là thực phẩm và hàng hóa nói chung hay năng lượng, chúng tôi không thấy các thành phần hoặc hướng khiến tôi tin rằng chúng ta đã đạt đến mức lạm phát cao nhất và sẽ giảm trong thời gian ngắn", bà Lagarde nói với các nhà lập pháp châu Âu.

ECB đã chuyển sang hạn chế lạm phát bằng cách nâng lãi suất cơ bản, với một đợt tăng khác dự kiến vào giữa tháng 12, mặc dù có thể không mạnh như những lần trước.

Chuyên gia kinh tế của ngân hàng ING, Carsten Brzeski, cho biết hôm thứ Ba rằng dữ liệu mang lại một "sự xả hơi rất nhỏ".

Đầu tháng này, Ủy ban châu Âu cho biết khu vực đồng euro có khả năng rơi vào suy thoái trong mùa Đông này do lạm phát kéo dài hơn dự kiến.

Lạm phát đang được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng cao do Moscow cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trước sự hỗ trợ của phương Tây đối với Kiev. Nó cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhu cầu sau khi hầu hết thế giới dỡ bỏ các hạn chế COVID-19, các hạn chế đã tắc nghẽn nguồn cung trong thời gian dài.

(Nguồn: AFP, AP)

N.MINH