Có một khoản tiết kiệm ổn định khi còn trẻ sẽ giúp người trẻ tự tin hơn và chứng minh khả năng quản lý tài chính của họ. Cũng vì thế, nhiều người thường đặt mục tiêu tiết kiệm được 100 triệu đồng trước tuổi 25. Có quan điểm cho rằng, để có khoản tích luỹ này thì họ phải sống tằn tiện lắm. Còn thực tế ra sao?
Làm sao để tiết kiệm được 100 triệu đầu tiên trước tuổi 25?
Phúc Thịnh (27 tuổi, Quảng Ngãi) nhớ lại, anh có khoản tích luỹ 100 triệu đầu tiên năm 24 tuổi. Đây là số tiền Phúc Thịnh dành 1 năm 3 tháng để có được. Hiện nay, bằng đầu tư và thu nhập từ công việc thiết kế đồ hoạ tự do với mức lương 30 triệu đồng/tháng, số dư trong tài khoản tiết kiệm của anh chàng đã tăng lên gấp đôi.
Trong quá khứ, Phúc Thịnh từng là người kiếm được bao nhiêu sẽ tiêu xài hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, chàng trai đã thay đổi thói quen tài chính từ khi bắt đầu đi làm. Đây là quãng thời gian Phúc Thịnh nhận ra rõ nhất về giá trị của đồng tiền, cũng như các áp lực để có thể đạt được nhiều mục tiêu tài chính lớn như mua nhà, mua xe.
Phúc Thịnh bắt đầu tích luỹ số tiền 100 triệu đồng từ khi mới bắt đầu đi làm. Từ đó đến nay, chàng trai vẫn duy trì nguyên tắc trích ra 20% thu nhập làm ra để xây dựng quỹ tiết kiệm và đầu tư. Theo thời gian, trộm vía là con số dành dụm được tăng đều theo thu nhập và khối lượng công việc mà anh chàng đảm nhận.
“Về khoản tích luỹ 100 triệu đầu tiên, để có được chúng thì mình chỉ làm 1 cách duy nhất là gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Bởi khi đó, tiền dư hàng tháng quá ít để tính đến chuyện đầu tư. Cụ thể, mỗi tháng mình để dành được 5-6 triệu đồng, kết hợp thêm tiền thưởng thì sau hơn 1 năm mình có được 100 triệu đồng”, anh chàng nhớ lại.
Ảnh minh hoạ |
Một trường hợp khác, Hoàng Trang (25 tuổi, Hà Nội) nhớ lại, để chạm được cột mốc tích luỹ 100 triệu đầu tiên vào giữa năm ngoái, cô đã mất gần 3 năm. Tương tự như Phúc Thịnh và nhiều người trẻ khác, Hoàng Trang đã có quãng thời gian chật vật để học cách quản lý tài chính.
“Do ỷ lại vào tài chính của gia đình nên dù đi làm từ thời sinh viên nhưng mình gần như tiêu hết sạch tiền kiếm được. Một điều tệ hại là mình từng lạm dụng thẻ tín dụng, hiếm khi đắn đo và suy nghĩ cẩn thận khi mua những món đồ được coi là đắt hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Cho đến một ngày, bố mẹ quyết định ngừng chu cấp cho con gái thì mình mới bắt đầu hành trình tiết kiệm từng đồng tiền kiếm ra", Hoàng Trang nhớ lại.
Từ khi mới ra trường đến nay, Hoàng Trang đã trải qua cột mốc gia tăng mức lương hàng tháng từ 7 triệu đồng lên đến 25 triệu đồng cho vị trí chuyên viên Digital Marketing. Năm 22 tuổi, cô chỉ để dành được 15 triệu đồng, tuy nhiên một năm sau, số tiền tích luỹ đã lên đến 60 triệu đồng. Và cho đến năm ngoái, cô chính thức chạm mốc có 100 triệu đồng đầu tiên trong tài khoản tiết kiệm.
Nói về số tiền 100 triệu đồng này, cô cho hay đến từ thói quen trích lại 30% thu nhập hàng tháng cho quỹ tiết kiệm dài hạn, phần còn lại là tìm kiếm cơ hội đầu tư tiềm năng và chi phí sinh hoạt cá nhân.
Ảnh minh hoạ |
Đạt cột mốc tích luỹ 100 triệu đầu tiên, mình nhận ra đừng nên chỉ chăm chăm tiết kiệm
Với Phúc Thịnh, tích lũy được 100 triệu đầu tiên là thành quả đáng tự hào. Bởi anh cho rằng, chúng thể hiện sự nỗ lực trong quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình trong suốt thời gian dài.
Theo kinh nghiệm cá nhân, anh chàng cho rằng việc tiết kiệm không chỉ dựa vào mức thu nhập cao hay thấp, mà còn là cách tích lũy của mỗi người. Theo vào đó, dẫu biết có tài khoản tích lũy đạt 100 triệu đầu tiên sẽ phần nào khẳng định được khả năng tài chính, song bạn không nên chỉ chăm chăm tiết kiệm mà còn nên tìm cách gia tăng thu nhập và sinh lời nhiều hơn.
Anh chàng bày tỏ: “Khi có 100 triệu đầu tiên trong tài khoản, mình nghĩ nhiều hơn về tiết kiệm, tài chính cá nhân và xa hơn là các mục tiêu khác như mua nhà và mua xe. Thêm nữa, mình liên tục tìm ra cách gì đó để rút ngắn thời gian kiếm được 100 triệu đồng thứ hai, thứ ba… Hiện nay, tài khoản của mình chỉ có 200 triệu đồng nhưng mình còn gửi tiền vào một số hình thức đầu tư khác. Quả thật, khi có trong tay một khoản tiền nhỏ, 100 triệu đồng chẳng hạn, mình sẽ tự tin hơn, chủ động tìm cách kiếm tiền và đầu tư hiệu quả.
Cũng vì thế, khi thấy nhiều bạn than thở không tích góp được gì dù đi làm nhiều năm thì theo mình, họ có thể bị cuốn vào cái bẫy tiêu dùng, chi tiêu không có kế hoạch hoặc không tích lũy đường dài cho tương lai".
Phúc Thịnh nói thêm, nếu thấy chưa đủ động lực phấn đấu, bạn hãy thử đặt mục tiêu tiết kiệm được 100 triệu đồng trong một thời gian nhất định, chẳng hạn 1 năm hoặc nửa năm. “Từ đó, bạn sẽ cố gắng cân đối chi tiêu hàng tháng, cố để ra số dư càng nhiều càng tốt. Hiện nay, mình đang quản lý thu chi khá chặt vì còn dành tiền để đầu tư. Và mình đang ghi chép chi tiêu ra giấy, kết hợp dùng ứng dụng riêng", anh chàng nói thêm.
Ảnh minh hoạ |
Trong khi đó, Hoàng Trang bày tỏ không nên lấy việc có được 100 triệu trước tuổi 25 để gán với những tên lớn lao như “mục tiêu" hay “thành tựu cá nhân". Bởi mỗi người lại có cách dùng tiền khác nhau và con đường thành công riêng biệt. Chẳng hạn, nếu có một bạn trẻ không nỗ lực gia tăng số dư trong tài khoản, thay vào đó mang hết thu nhập đi kinh doanh riêng thì dù có thất bại, họ vẫn có được bài học kinh nghiệm để làm giàu trong tương lai.
Bên cạnh đó, Hoàng Trang cũng cho rằng để tiết kiệm, thì cần chú trọng quản lý chi tiêu và phân nhỏ thu nhập hàng tháng. Thêm nữa, mọi người không nên quá áp lực trong việc tiết kiệm tiền. Đơn cử như Hoàng Trang thường trích 20% thu nhập để đi du lịch hoặc tự thưởng khi đạt được các thành tựu lớn trong công việc và tiết kiệm.
Cách giới trẻ làm giàu trong năm 2024: Đặt mục tiêu kiếm 100 triệu đồng đầu tiên, đầu tư cho bản thân là chẳng bao giờ lỗ
Nâng cấp bản thân, sẵn sàng thay đổi để phát triển là mục tiêu quan trọng của nhiều bạn trẻ đặt ra trong năm 2024.