Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam

Song song với việc nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực, Moody's cũng điều chỉnh triển vọng xếp hạng với 15 ngân hàng Việt Nam.

15 ngân hàng được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) - một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới, điều chỉnh nâng triển vọng tín nhiệm trong đợt xếp hạng này gồm nhóm 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước với Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank. 

Nhóm ngân hàng TMCP "tốp trên" gồm Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

5 nhà băng còn lại là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

ngan-hang-viet-1418.jpg

Trong đợt xếp hạng này,Moody’s đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng: Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".

4 ngân hàng OCB, TPBank, VPBnk, VIB được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực".

6 ngân hàng ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank được điều chỉnh từ "Tiêu cực" lên "Ổn định".

Ngoại trừ ABBANK, ở xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.

Moody's đã hạ xếp hạng BCA và BCA điều chỉnh của ABBANK từ b1 xuống b2, bởi vốn tự có của ngân hàng này có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao hơn, do tài sản có vấn đề ngày càng tăng.

Trong khi đó, CRA và CRR dài hạn của ABBANK lần lượt bị hạ từ Ba3(cr) xuống B1(cr) và từ Ba3 xuống B1.

Với giả định tất cả các yếu tố khác không đổi, Moody's khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng "Tích cực", nếu Chính phủ được nâng xếp hạng tín nhiệm.

Trong đánh giá của Moody's, sức mạnh tín dụng nội tại của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong đánh giá xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành đối với các ngân hàng. Nguyên nhân do sức mạnh tín dụng của quốc gia ảnh hưởng đến năng lực của Chính phủ, trong việc hỗ trợ các ngân hàng trong thời điểm căng thẳng.

Việc nâng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam diễn ra ngay sau khi Moody's xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không bảo đảm dài hạn, được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3; đồng thời, nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".

Moody’s cũng đã đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc, lên "Tích cực". Đây là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu, kể từ đại dịch COVID-19.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, Moody’s dự báo nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả, góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

H.LINH