Mức độ tăng, giảm tín dụng cũng là sự biểu hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính tới 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với mức tăng 6,47% cuối năm 2021. Do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng nóng, dẫn đến nhiều ngân hàng gần như đã cạn “room” cho nửa cuối năm và đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị NHNN nới hạn mức này một cách phù hợp...

Trong bối cảnh nhiều bất ổn từ bên trong kết hợp với bên ngoài tác động đến nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đều khuyến nghị, năng lực điều hành, giám sát hiệu quả dòng tiền lúc này mới là quan trọng nhất. Năng lực đó phải được nhận thức đồng thời từ bộ ba: Ngân hàng - Doanh nghiệp - Nhà quản lý. Phương châm là không thắt chặt toàn diện, mở có trọng tâm, trọng điểm và đóng đúng lúc, đúng nơi, đúng liều lượng. Lạm phát và lãi suất phải chấp nhận nương theo thị trường, nhưng cần nằm trong tầm kiểm soát.

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng giải thích, mức tín dụng đưa ra thị trường là yếu tố lạm phát lõi, lạm phát cơ bản do yếu tố tiền tệ. Mức độ tăng, giảm tín dụng cũng là sự biểu hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt. Trong đó, sự gia tăng tín dụng sẽ có tác động làm tăng cung tiền, qua đó tác động đến lạm phát. Nhưng ảnh hưởng của tín dụng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế sẽ không giống nhau giữa các quốc gia và trong mỗi giai đoạn phát triển của thị trường tiền tệ, thì mức tác động của tín dụng đến nền kinh tế trong cùng một quốc gia cũng không giống nhau.

Ngoài ra, luôn có độ trễ nhất định từ tác động của chính sách tiền tệ đến lạm phát và tăng trưởng qua các kênh tín dụng, lãi suất, giá tài sản tài chính và tỷ giá. Thực tế không gian tiền tệ sẽ chịu tác động mạnh hơn bởi lãi suất đô la Mỹ có xu hướng tăng khiến Ngân hàng trung ương các nước, bao gồm Việt Nam có xu hướng tăng lãi suất, hoặc chí ít cũng khó có thể giảm sâu lãi suất. Khi tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng ảnh hưởng mạnh đến việc nhập khẩu lạm phát. Vì vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ trong nước phải cẩn trọng hơn để ổn định vĩ mô, mà cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa để hỗ trợ kinh tế trong nước hồi phục.

“Dựa trên cả lý thuyết và thực tiễn, chúng ta thấy rõ hơn vai trò của chính sách tiền tệ nói chung, tín dụng nói riêng đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát, để từ đó có những nhận định và giải pháp phù hợp hơn. Riêng đối với Việt Nam, trong ngắn hạn, tín dụng cũng có vai trò nhất định đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng ảnh hưởng của tín dụng đối với lạm phát còn lớn hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Do tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng nóng, dẫn đến nhiều ngân hàng gần như đã cạn “room” cho nửa cuối năm và đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị NHNN nới hạn mức này một cách phù hợp, để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Còn tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%.

Lạm phát trong nước hiện chưa cao bởi độ trễ của nhập khẩu lạm phát, tăng trưởng GDP chưa cao và nhờ là nước xuất khẩu lương thực thực phẩm trong khi giá mặt hàng này leo thang.

Tổng Hợp