Cơ quan Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết việc trồng thuốc phiện ở Afghanistan giảm 95% sau lệnh cấm ma túy của Taliban vào năm 2022 đã khiến nguồn cung toàn cầu chuyển sang Myanmar, nơi bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế do cuộc đảo chính năm 2021 gây ra đã khiến nhiều người phải trồng cây thuốc phiện.
Nông dân Myanmar hiện kiếm được thêm khoảng 75% thu nhập từ việc trồng cây thuốc phiện vì giá trung bình của hoa đã đạt khoảng 355 USD/kg.
Diện tích trồng cây thuốc phiện tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 40.100 lên 47.000 ha, đẩy năng suất lên mức cao nhất từ năm 2001, UNODC cho hay.
"Những biến động về kinh tế, an ninh và quản trị xảy ra sau sự tiếp quản của quân đội Myanmar vào tháng 2/2021 tiếp tục thúc đẩy nông dân vùng sâu vùng xa tìm đến cây thuốc phiện để kiếm sống", Đại diện khu vực của UNODC, Jeremy Douglas, cho biết.

Một cây anh túc khô trên cánh đồng ở thị trấn Tangyan, quận Lashio, phía bắc bang Shan, Myanmar năm 2018. Ảnh: Reuters
Báo cáo của UNODC cho biết, diện tích trồng thuốc phiện mở rộng nhiều nhất ở các khu vực biên giới của Myanmar ở phía bắc bang Shan, tiếp theo là các bang Chin và Kachin, khi năng suất tăng 16% lên 22,9 kg/ha do các biện pháp canh tác phức tạp hơn.
Douglas cho biết, sự gia tăng giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang rất có thể sẽ đẩy nhanh việc mở rộng trồng thuốc phiện.
Việc mở rộng trồng thuốc phiện góp phần vào nền kinh tế bất hợp pháp đang phát triển ở Myanmar, bao gồm sản xuất và buôn bán ma túy tổng hợp ở mức độ cao cũng như các doanh nghiệp tội phạm khác từ rửa tiền đến các trung tâm lừa đảo trực tuyến do tội phạm có tổ chức điều hành.
(Nguồn: Reuters)