Năm 2022 được ví như một năm "bản lề" mở ra giai đoạn phát triển kinh tế

Năm 2022 được ví như một năm "bản lề" mở ra giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động bởi dịch COVID-19.

Thời gian tới, thị trường BĐS tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công. Giai đoạn 2021– 2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, ước tính giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 – 2020. Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.

Việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô sẽ tạo động lực lớn giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh cuối năm 2022 và những năm sau đó. Cùng với đó, các chính sách tài khóa như: miễn giảm thuế từ 10% xuống còn 8%, gia hạn nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… cũng tạo nên những xung lực mạnh mẽ, góp phần khơi thông kinh tế, tạo nhiều lực hấp dẫn thu hút đầu tư mới.

Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2022 cũng được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Có thể thấy, thời gian qua hàng loạt các thông tin về quy hoạch được công bố rầm rộ từ hệ thống cao tốc miền Tây đến sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, nâng cấp các đô thị,… đã tạo sức bật lớn cho thị trường BĐS toàn quốc. Mặc dù ngay sau đó, hàng loạt địa phương đã vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo trên thị trường, xây dựng bình ổn giá đất khiến cho cục diện giảm nhiệt, thế nhưng không thể phủ nhận xung lực mạnh mẽ từ yếu tố này, đặc biệt là phân khúc đất nền.

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung và "siết" van tín dụng đã tạo nút thắt khiến cho thị trường tưởng chừng như chững lại.

Nhưng ở thời điểm bắt đầu nửa cuối năm, các chuyên gia đánh giá thị trường BĐS có nhiều triển vọng nhờ cú hích từ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy, sự chênh lệch cung – cầu vẫn còn lớn… Mặc dù mức độ quan tâm giảm thế nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá năm 2021. Quy luật chung của thị trường là tiềm năng tăng giá sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và quy hoạch hạ tầng. Nhận định về bối cảnh thị trường BĐS những tháng cuối năm 2022, giới chuyên gia cho rằng các cơn sốt đất có thể sẽ tiếp diễn, đặc biệt là các khu vực vùng ven các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh.

Tại báo cáo đánh giá thị trường bất động sản mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cảnh báo việc “hãm phanh” đột ngột hoạt động cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, vì rủi ro không chỉ nằm ở con số thống kê nợ xấu, mà còn ở tỷ lệ thế chấp bằng bất động sản trong hệ thống ngân hàng hiện rất lớn, lên đến 60-70% giá trị tài sản đảm bảo, nếu thị trường đóng băng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) còn đưa ra lưu ý, khi giao dịch giảm do tác động từ siết tín dụng hay các giải pháp “cứng” thì lượng tồn kho neo trên giá cao tăng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp đối diện nguy cơ “chết trên đống tài sản”.

Các số liệu đưa ra là để tham khảo, nhưng không vì thế mà chủ quan trước thực trạng mặt bằng giá bất động sản nhà ở đang leo thang, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho thị trường, trong đó có nguy cơ “bong bóng” giá, xa hơn là khả năng gây suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cụ thể ở đây là chính sách phát triển nhà ở giá thấp của Chính phủ.

Theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), bất động sản là một ngành kinh tế quan trọng, nếu đà tăng trưởng bị chặn lại sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác.

Tổng Hợp