NATO sẽ đối đầu Nga ở Bắc Cực

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, liên minh quân sự này có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực trong tương lai để đối đầu với Nga.

Tuyên bố này được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trong cuộc phỏng vấn với báo chí.

Trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag, ông Stoltenberg nêu rõ: "Chúng tôi quan sát thấy sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực gia tăng đáng kể. Nước này đang trong quá trình mở lại các căn cứ thời Liên Xô, triển khai và thử nghiệm ở đó các loại vũ khí hiện đại tối tân, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh... NATO nên gia tăng sự hiện diện ở Bắc Cực".

Ngoài ra, ông Stoltenberg biện hộ cho các hành động của liên minh là do ý nghĩa chiến lược quan trọng của khu vực Bắc Cực. Theo ý kiến của ông, Bắc Cực là "mắt xích liên kết quan trọng nhất giữa Bắc Mỹ và châu Âu", đồng thời hình thành "khoảng cách ngắn nhất giữa Bắc Mỹ và Nga". 

Tổng thư ký Stoltenberg cũng lưu ý đến tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này đối với hoạt động lưu thông hàng hải khi trái đất nóng lên và băng tan.

NATO sẽ đối đầu Nga ở Bắc Cực - Ảnh 1.

Vào tháng 3, quân đội NATO đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự lớn nhất ở Bắc Cực trong nhiều thập kỷ

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh phương Tây gia tăng lo ngại về hoạt động quân sự ngày càng tăng của Nga ở khu vực cực, sau cuộc chiến ở Ukraina.

Ông cho biết liên minh quốc phòng "đã đầu tư vào máy bay trinh sát hàng hải để có thể có được bức tranh rõ ràng về những gì đang diễn ra ở vùng cực bắc. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực của mình".

Nga đặt tên lửa siêu thanh

Ông Stoltenberg nói rằng Nga gần đây đã tăng cường các hoạt động ở khu vực giàu tài nguyên bằng cách "mở lại các căn cứ thời Liên Xô" và "đóng quân và thử nghiệm các loại vũ khí tối tân ở đó, chẳng hạn như tên lửa siêu thanh".

Trung Quốc cũng đang ngày càng quan tâm đến Bắc Cực, ông nói thêm, lưu ý rằng khu vực này ngày càng trở nên quan trọng đối với vận tải biển do biến đổi khí hậu. Trung Quốc, vốn tự mô tả mình là một quốc gia "cận Bắc Cực", có kế hoạch tạo ra cái gọi là Con đường Tơ lụa Bắc Cực, hưởng lợi từ việc các chỏm băng tan.

Đề xuất sẽ bao gồm việc xây dựng đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, cho phép các tuyến vận chuyển mới cho các nguồn tài nguyên khoáng sản mà nền kinh tế công nghiệp của nước này cần.

Trong một cuộc phỏng vấn với DW vào năm ngoái, người đứng đầu NATO cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể làm nóng địa chính trị ở khu vực cực.

Hoa Kỳ đề cử đại sứ Bắc Cực

Hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ cho biết, lần đầu tiên họ sẽ bổ nhiệm một đại sứ đặc biệt cho khu vực Bắc Cực.

Kế hoạch, vẫn cần Thượng viện phê duyệt, nhằm thúc đẩy "lợi ích và hợp tác của Mỹ với Đồng minh và các đối tác ở Bắc Cực", thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Vùng địa cực bao gồm các lãnh thổ thuộc Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển.

(Nguồn: AFP/AP/DW)

PV