Ngân hàng bắt đầu chốt lịch đại hội đồng cổ đông năm 2021

Đến 22/2, đã có 5 ngân hàng chốt kế hoạch đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2021. Eximbank tiếp tục là dấu hỏi khi đi qua 2 năm 2019-2020 không tổ chức được đại hội.

Sacombank ngày 19/2 đã công bố Nghị quyết về tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2020. Đại hội sẽ tổ chức vào ngày 23/4/2021 tại TP.HCM. Ngày đăng ký cuối cùng tổ chức đại hội là 19/3/2021.

Nghị quyết cũng khẳng định tùy vào tình hình diễn biến của đại dịch COVID-19, đại hội sẽ tổ chức tập trung tiếp hoặc trực tuyến nếu phải thực hiện giãn cách xã hội.

Năm 2020, Sacombank là ngân hàng đầu tiên trong cả hệ thống tổ chức đại hội cổ đông năm tài chính 2019 theo hình thức trực tuyến. 
Cổ đông tham gia, theo dõi đại hội, gửi ý kiến và bỏ phiếu biểu quyết mà không phải đến địa điểm tổ chức, do cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong đợt đầu tiên bùng phát đại dịch COVID-19.

Kết thúc năm 2020, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.339 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra.

duong-cong-minh.jpg
Sacombank do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến năm 2020. Ảnh: SCB

Tổng tài sản hợp nhất của Sacombank dù không đạt con số kỳ vọng là 498.000 tỷ đồng nhưng vẫn tăng gần 10% so với năm 2019, đạt gần 493.000 tỷ đồng. Tổng huy động đạt 447.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 439.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt hơn 340.000 tỷ đồng, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Năm 2021, định hướng trọng tâm của Sacombank vẫn là tiếp tục tái cơ cấu hoạt động và tạo nền tảng phát triển ngân hàng số. Ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu sau sáp nhập, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; tăng cường quản trị rủi ro, giám sát toàn diện hoạt động hệ thống...

Ngân hàng Á Châu (ACB) đã thông báo kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 từ tháng 1. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội đồng là 5/3. Đại hội của ACB dự kiến diễn ra vào ngày 6/4/2021, tại TP.HCM.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tổ chức cuối tháng 6/2020, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng. Tổng tài sản dự tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%. Nhà băng dự kiến chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.

Kết thúc năm, ngân hàng này đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng mạnh đến 27,7%, với gần 9.600 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến 31/12/2020 đạt mức 444.530 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm 2019.

Tính bình quân mỗi ngày kinh doanh trong năm 2020, ACB có lãi 26,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng của ACB  tăng mạnh đến 27%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,9% so với năm trước, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,59%.

Năm 2020, ACB cũng đã chuyển gần 2,2 tỷ cổ phiếu ACB từ UpCOM lên niêm yết trên sàn HoSE. 

img_2007_ejvd.jpeg
Khai báo y tế, đo thân nhiệt, tuân thủ chặt quy định giãn cách đã trở thành quen thuộc tại các đại hội cổ đông của doanh nghiệp. Ảnh: BIDV

Cũng như năm 2020, BIDV tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 rất sớm, dự kiến vào ngày 12/3 tới, tại Hà Nội.

Năm 2020, BIDV cũng là ngân hàng tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên sớm, từ tuần đầu tiên của tháng 3, ngay khi Hà Nội bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19 với bệnh nhân 17.  

Tại đại hội năm nay, bên cạnh trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, BIDV cũng dự kiến thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022. 

Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông về việc chuyển đổi chi nhánh Yangon thành ngân hàng con.

Năm 2020, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 9.017 tỷ đồng, giảm mạnh 16% so với năm 2019.  Tổng tài sản của ngân hàng tại ngày 31/12/2020 đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng, là Ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Đây cũng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, với 40.220 tỷ đồng.

 So với cuối năm 2019, nợ xấu cuối năm 2020 của BIDV cũng tăng 9,5%, ở mức 21.342 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng nhẹ từ 1,75% lên 1,76%.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản tăng khoảng 9%; dư nợ tín dụng cuối kỳ tăng trưởng khoảng 12%; huy động vốn cuối kỳ phù hợp với sử dụng vốn với tăng trưởng khoảng 12 – 14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng thông báo tổ chức đại hội đồng cổ năm năm 2021 vào ngày 24/3, tại Hà Nội. Nhà băng này sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự đại hội năm 2021 trong ngày hôm nay, 22/2.

MSB cũng là một trong số 3 nhà băng tổ chức đại hội đồng cổ đông  năm 2021 ngay tháng 3 này.

Kết quả kinh doanh năm 2020 do MSB công bố cho biết lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.523 tỷ đồng, tăng đến hơn 94% so với năm 2019 và thực hiện được 174% kế hoạch đặt ra. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi sau thuế ngân hàng đạt được đến hơn 2.011 tỷ đồng.

Tổng tài sản của MSB tại ngày 31/12/2020 đạt gần 177.000 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với đầu năm.

Lợi nhuận tăng cao gần gấp đôi năm trước, MSB dự kiến tại đại hội này sẽ thông qua kế hoạch trả cổ tức cho đông tối thiểu 15%.

Ngân hàng cũng lên kế hoạch mục tiêu đến năm 2024 đạt tổng tài sản đạt hơn 340.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng kép gần 17%/năm cho giai đoạn 2019 - 2024. Lợi nhuận trước thuế gần 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng kép (CAGR) ở mức xấp xỉ 30%/năm cho giai đoạn 2019 - 2024.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là nhà băng đầu tiên lên lịch tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2021. Ngân hàng đã thông báo tổ chức đại hội từ cuối tháng 12/2020. Ngày chốt quyền tham dự là 7/1/2021 và thời gian tổ chức đại hội dự kiến vào 9/3/2021, tại Hà Nội.

lai-tien-gui-tiet-kiem_1605090737.jpg
Dù kinh doanh giữa dịch bệnh, nhưng năm 2020, các ngân hàng vẫn đua nhau báo lãi khủng, gần như miễn nhiễm với COVID-19. Ảnh: TP

Đại hội của PGBank dự kiến sẽ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 và kiện toàn nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. 

Vào tháng 11/2020, PG Bank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Giám đốc MSB làm Quyền Tổng giám đốc.

Trước ông Hùng,  một lãnh đạo khác của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp cũng đầu quân cho PGBank với vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Việc các lãnh đạo chủ chốt của MSB liên tục đầu quân về PGBank dấy lên đồn đoán 2 ngân hàng này sắp về chung một nhà. Năm ngoái, tại đại hội cổ đông HDBank và PGBank, vấn đề sáp nhập PGBank cũng được mổ xẻ. 

Xong dù đã có đề án và được cổ đông thông qua, đồng thời cũng từng được chấp thuận về chủ trương từ phía Ngân hàng Nhà nước, song đến thời điểm này, thương vụ PGBank sáp nhập vào HDBank vẫn chưa có thông tin mới.

Trong một báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá khả năng HDBank mua lại PG Bank là "khá thấp". 

Trước HDBank, PGBank từng có kế hoạch về với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

H.LINH