Ngân hàng chạy đua tăng vốn

Các ngân hàng đang đẩy nhanh tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Đây cũng là chỉ tiêu để ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu Basel II, III.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022, đáng chú ý nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Việc tăng vốn giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Đây cũng là chỉ tiêu để được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu Basel II, III.

Thực tế trong năm 2021, các ngân hàng đã tăng vốn hơn 23% với tổng cộng hơn 92.000 tỷ đồng. Đây là năm có tốc độ tăng vốn mạnh mẽ nhất và vượt qua cả năm 2018.

nh-tang-von.jpg
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Các ngân hàng có mức tăng vốn mạnh nhất trong năm đáng kể nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 78%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội tăng 52%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng 48%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng 40%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tăng (MBBank) tăng 35%.

Top đầu vốn điều lệ đã xuất hiện các gương mặt mới như VPBank, MBBanK và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Dự kiến năm 2022, Vietcombank sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Vietcombank còn có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. Ngân hàng có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 54.134 tỷ đồng trong thời gian tới thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2021 thông qua.

OCB đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 21,8% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), MBBank, VIB và OCB cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ khoảng 20% để tăng vốn điều lệ trong năm nay. Đặc biệt, MBBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên trên 45.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tiếp đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ.

Nhận định về kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng năm 2022, Chứng khoán VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.

Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), MBBank, Techcombak, ACB, TPBank, MSB.

Trên thị trường chứng khoán, mức định giá của cổ phiếu các ngân hàng đã cao hơn trung bình quá khứ. Do đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng năm 2022 có thể sẽ diễn biến trái chiều do tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng, VCBS nhận định.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương