Bùng phát dịch bệnh
Đối với 2,3 triệu cư dân Gaza, việc tìm được nước uống gần như là điều không thể.
Tại một trường học do cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành ở Khan Younis, Osama Saqr, 33 tuổi, đã cố gắng đổ đầy nước vào một số chai cho những đứa trẻ đang khát của mình.
Anh nhấp một ngụm và nhăn mặt thở dài trước vị mặn của nước đã bị ô nhiễm, nhưng mọi người vẫn phải uống nó vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Con trai một tuổi của Saqr bị tiêu chảy nhưng anh không thể tìm được bất kỳ thuốc ở bệnh viện hoặc hiệu thuốc để điều trị. "Ngay cả khi tôi tìm ra thì vấn đề vẫn là nước bị ô nhiễm và mặn, không thích hợp để uống. Tất cả chúng tôi đều đang chết dần", Saqr nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 44.000 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy và 70.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, nhưng con số thực tế có thể cao hơn thế. Hôm thứ Sáu, cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết họ vô cùng lo ngại rằng mưa và lũ lụt trong mùa đông đang đến gần sẽ khiến tình hình vốn đã nghiêm trọng lại càng trở nên tồi tệ hơn.
Richard Brennan, giám đốc khẩn cấp khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, nói: "Có khoảng vài trăm người cho mỗi nhà vệ sinh tại các trung tâm UNRWA và những nơi này đã quá tải, vì vậy mọi người đang đi đại tiện ngoài trời. Họ phải tìm một nơi để đi vệ sinh ngay trong chính khuôn viên đang ở. Đó là một nguy cơ sức khỏe cộng đồng rất lớn và cũng rất nhục nhã".
Brennan cho biết tình trạng quá đông đúc, thiếu quản lý chất thải rắn, vệ sinh kém và đại tiện ngoài trời đều góp phần làm lây lan các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng da, bao gồm cả bệnh ghẻ lở.
Các cơ quan của Liên hợp quốc đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của các dịch vụ vệ sinh thậm chí có thể gây ra dịch tả nếu các viện trợ nhân đạo khẩn cấp không được cung cấp.
Hết nhiên liệu
Cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh thiết yếu của Gaza hoặc đã bị phá hủy bởi cuộc ném bom của Israel hoặc đã hết nhiên liệu. Theo UNRWA, tại các tỉnh phía Nam Deir el-Balah, Khan Younis và Rafah, tất cả 76 giếng nước cũng như 2 nhà máy nước uống chính và 15 trạm bơm nước thải đã ngừng hoạt động.
WHO ước tính một người dân trung bình ở Gaza hiện chỉ tiêu thụ 3 lít nước mỗi ngày để uống và vệ sinh, so với mức tối thiểu 7,5 lít được cơ quan khuyến nghị trong các tình huống khẩn cấp.
Cơ quan này cho biết việc ngừng các dịch vụ quan trọng bao gồm nhà máy khử mặn nước, xử lý nước thải và bệnh viện đã khiến tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở những người trú ẩn tại các trường học của UNRWA tăng 40%. Người ta ước tính khoảng 70% trong số 2,3 triệu người ở Gaza - hơn một nửa trong số đó là trẻ em - không còn được tiếp cận với nước sạch.
Hôm thứ Tư, chính quyền Israel chỉ cho phép hơn 23.000 lít (6.000 gallon) nhiên liệu được đưa vào Dải Gaza qua Ai Cập. Nhưng họ hạn chế sử dụng loại nhiên liệu này cho các xe tải vận chuyển số hàng viện trợ nhỏ tới. UNRWA cho biết họ cần 160.000 lít (42.000 gallon) nhiên liệu mỗi ngày cho các hoạt động nhân đạo cơ bản.
Tổng ủy viên của cơ quan - Philippe Lazzarini phát biểu trong một cuộc họp báo: "Nhiên liệu này không thể sử dụng được cho y tế. Thật kinh khủng khi lãng phí nhiên liệu để sử dụng làm vũ khí cho chiến tranh. Điều này làm tê liệt nghiêm trọng công việc của chúng tôi và việc cung cấp hỗ trợ cho cộng đồng người Palestine ở Gaza".
Bộ Y tế Gaza cảnh báo tình trạng thiếu nước sạch do thiếu nhiên liệu đã khiến tính mạng của 1.100 bệnh nhân bị suy thận, trong đó có 38 trẻ em, đặc biệt gặp nguy hiểm.
Trong số đó có Muhammad, anh trai 22 tuổi của Samer Abdeen, người đang bị cơn đau quặn thận cấp tính do chất lượng nước kém. Abdeen, 40 tuổi, nói với Al Jazeera khi đang tìm mua nước đóng chai trên đường phố Khan Younis. Dù nước đóng chai hiện nay đắt đỏ và khó tìm nhưng anh vẫn không chịu từ bỏ việc tìm kiếm. "Tôi không muốn mất anh ấy trong cuộc chiến bất công này", anh nói.
Chết vì khát
Samir Asaad, 60 tuổi, đến từ trại Deir el-Balah, bị huyết áp cao và bệnh càng trầm trọng hơn khi phải uống nước mặn.
Các quan chức nhân đạo đang kêu gọi thêm viện trợ vào Gaza. Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo hôm thứ Năm rằng nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống gần như không tồn tại ở Gaza và người dân đang phải đối mặt với khả năng mất nước và chết đói trước mắt.
Một số người dân phải đào giếng để lấy nước, bất chấp nước bị ô nhiễm bởi chất thải rắn chất đống chưa qua xử lý trên đường phố. Asaad cho biết gia đình anh phải xếp hàng hàng giờ để đổ đầy chai tại các trạm đổ xăng, nhưng họ không hề ảo tưởng rằng nước ở đó sẽ an toàn hơn để uống.
Umi al-Abadla, Phó tổng giám đốc cơ quan chăm sóc sức khỏe ban đầu của Bộ Y tế Gaza, cho biết nước đến trạm nạp từng được xử lý trước khi bơm, nhưng điều này không còn khả thi do thiếu nhiên liệu.
Ông nói: "Do mất điện, nước được phân phối ngẫu nhiên từ các giếng có nước bị ô nhiễm. Điều này đã gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ em, nhiều hơn mức trung bình hàng năm".
Việc thiếu vệ sinh cá nhân do sự di cư hàng loạt đang gây ra sự lây lan của các bệnh về da cũng như các bệnh do virus bao gồm cả thủy đậu, đồng thời làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh bao gồm cả bệnh tả. Đã có hơn 14.200 trường hợp phát ban trên da, ghẻ và chấy rận cũng như viêm gan A và B.
Tuyệt vọng để làm dịu cơn khát, một số người ở Gaza đã phải uống nước biển. Tuy nhiên, do hệ thống nước thải và nhà máy xử lý nước thải không hoạt động do thiếu nhiên liệu, hơn 130.000 mét khối nước thải đang được thải ra Biển Địa Trung Hải mỗi ngày.
Salwa Islam, 45 tuổi, cho biết cô và gia đình ra biển tắm và thỉnh thoảng uống nước từ biển.
"Quyền có nước của chúng tôi ở đâu? Đây có phải là hình phạt dành cho những đứa trẻ ngày nào cũng hỏi khi nào chiến tranh sẽ kết thúc?", cô ấy nói.
(Nguồn: Al Jazeera)