Nhà đầu tư đang “ôm” trái phiếu doanh nghiệp phải ứng xử ra sao?

Hiện nhà đầu tư trái phiếu muốn đáo hạn sớm đã được giải quyết và nhiều doanh nghiệp cũng chủ động “trả lại” tiền cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đang “ôm” trái phiếu doanh nghiệp phải ứng xử ra sao?

Bên cạnh đa phần các nhà phát hành vẫn có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu, thì một số doanh nghiệp phát hành đã có dấu hiệu vỡ nợ. Vậy nếu xảy ra vỡ nợ trái phiếu thì nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu nên làm gì?

Nhà đầu tư cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không. Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. Với công ty chứng khoán, không phải công ty nào cũng có hể mua lại hết số trái phiếu doanh nghiệp đã phân phối bởi nguồn lực vốn có hạn. Hơn nữa, hầu hết điều khoản hợp đồng mua TPDN hiện nay không bắt buộc công ty chứng khoán có trách nhiệm mua lại.

Ngoài ra, vốn điều lệ công ty chứng khoán có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng số dư tiền mặt không phải lúc nào cũng có thể đủ để mua lại của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay. Vốn tự có của công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu để phục vụ hoạt động cho vay margin và đầu tư/ tự doanh của chính họ.

Do đó, giải pháp bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán không khả thi, kể cả trong trường hợp nhà đầu tư chỉ cần nhận về gốc. Thực tế, cắt lỗ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn hơn cổ phiếu bởi Việt Nam chưa có thị trường giao dịch thứ cấp tập trung.

Tài sản đảm bảo cũng là một giải pháp song thực tế khi đã xảy ra tình huống vỡ nợ thì nó không còn nhiều giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng.

Một giải pháp khác mà thị trường Trung Quốc đã áp dụng khá nhiều đó là “hàng đổi hàng”. Nói cách khác, trái chủ yêu cầu hoặc doanh nghiệp phát hành tự nguyện thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dich vụ của họ.

Ở Việt Nam, đã có doanh nghiệp bất động sản thực hiện cách làm này. Theo đó, thay vì mua lại trái phiếu đã phát hành, doanh nghiệp cho phép trái chủ chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự. Nếu giá trị lô đất cao hơn số dư đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó.

Tuy vậy, với giải pháp này, yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới. Nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn.

Hoạt động phát hành mới giảm sút trong 9 tháng năm 2022 cộng với việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đã làm cho số dư trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đã giảm đi đáng kể. Điều này khiến rủi ro đến với hệ thống tài chính cũng cơ bản được kiểm soát, mặc dù việc đáo hạn sớm đã tạo ra những xáo trộn trên thị trường trái phiếu và lây sang cả thị trường cổ phiếu.

Số dư trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm 30/9/2022 chỉ còn ở mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng (giảm 200.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021). Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện có số lưu hành là 455.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nhìn sang Trung Quốc, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của quốc gia này lên tới 8.000 tỷ USD, chiếm 44% GDP, nhưng vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn 2 năm qua.

Các giải pháp như bán lại trái phiếu cho công ty chứng khoán, xử lý tài sản đảm bảo , hàng đổi hàng… đều khó khả thi với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh hiện nay. Vậy giải pháp khả thi là gì?

Tổng Hợp