Theo báo cáo mới nhất của chính phủ Nhật Bản, du khách quốc tế đến đất nước này ngày càng quan tâm và chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm du lịch như thăm quan công viên giải trí và bảo tàng. Xu hướng này tạo ra cơ hội cho các khu vực nông thôn thu hút nhiều khách hơn với các tour đặc biệt.
Dự báo từ báo cáo cho biết từ năm 2022 trở đi, số lượng du khách quốc tế tới Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng, kéo theo chi tiêu trung bình mỗi khách du lịch cũng sẽ tăng lên. Năm 2023, mỗi khách du lịch đã chi tiêu trung bình khoảng 204.000 Yên (1.300 USD), tăng 31% so với năm 2019 khi mức chi tiêu chỉ là 155.000 Yên.
Trong các khoản chi tiêu của du khách, chi phí cho vé sự kiện thể thao, bảo tàng và các dịch vụ giải trí khác đã tăng đáng kể. So với bốn năm trước đó, mức tăng là 52%. Cụ thể, chi tiêu bình quân của mỗi du khách cho hạng mục này đã tăng lên 9.097 Yên từ mức 5.970 Yên năm 2019, theo thông tin thu thập từ Cơ quan Du lịch Nhật Bản.
Trong khi đó, chi tiêu cho chỗ ở đã tăng 59% lên 69.746 yên, và chi tiêu cho vận chuyển cũng tăng 47% lên 23.852 Yên. Tuy nhiên, mức chi tiêu cho mua sắm lại giảm nhẹ 1% xuống còn 55.192 Yên.
Xu hướng tăng lên trong việc chi tiêu cho giải trí và các dịch vụ khác cho thấy dấu hiệu tăng trưởng trong chi tiêu cho các trải nghiệm du lịch. Năm 2023, chi tiêu cho giải trí và các dịch vụ khác chiếm 5,1% tổng chi tiêu bình quân đầu người của du khách quốc tế đến Nhật Bản.
Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với du khách nước ngoài đến Mỹ trong cùng năm, với 13,5%. Do đó, danh mục này có tiềm năng để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới tại Nhật Bản.
Các hình thức giải trí ưa thích của du khách đến Nhật Bản rất đa dạng. Du khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc thường chi tiêu nhiều cho công viên giải trí, trong khi du khách từ Mỹ và Anh thích thăm bảo tàng, vườn thú và thủy cung. Du khách Úc lại thích dành nhiều tiền để mua vé trượt tuyết tại các khu nghỉ dưỡng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng sau khi các lệnh hạn chế do đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ, du khách quốc tế đổ xô đến ba khu vực đô thị lớn của Nhật Bản. Cụ thể khu vực Greater Tokyo, vùng quanh Kyoto và Osaka, và khu vực Nagoya đã chiếm tổng cộng 72,1% lượt lưu trú của du khách quốc tế vào năm 2023, tăng từ 62,7% vào năm 2019.
Trong báo cáo của chính phủ cũng đưa ra lời kêu gọi thúc đẩy du lịch ở các vùng ngoại ô và nông thôn ngoài ba khu vực đô thị lớn. Giới chuyên gia cho biết để làm được điều này, việc phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách từ các quốc gia khác nhau là rất cần thiết, đồng thời cần củng cố mạng lưới giao thông và cung cấp hỗ trợ đa ngôn ngữ.
(Nguồn: Nikkei Asia)