Nhiều mặt bằng có vị trí đắc địa ở trung tâm TPHCM nhưng không ai thuê

Nhiều mặt bằng có vị trí đắc địa ở trung tâm TPHCM nhưng không ai thuê. Trong vòng 1 năm tới, thị trường bán lẻ kỳ vọng sẽ khôi phục lại sức hút nhờ lượng lớn các thương hiệu nước ngoài cho tất cả các phân khúc bán lẻ, từ thời trang, mỹ phẩm, gia dụng đến nhà hàng ăn uống vào thị trường Việt Nam.

Shophouse là loại hình bất động sản vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng nên thời gian qua được giới đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến tình hình kinh doanh shophouse bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều căn shophouse đã rao cho thuê nhiều tháng nhưng đành bỏ trống, còn những căn đã có chủ thuê cũng đang cầm cự. Tại một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), dãy shophouse ở sảnh chung cư chỉ có vài thương hiệu cà phê, cửa hàng tiện lợi thuê mặt bằng kinh doanh, còn lại đều rơi vào cảnh vắng người thuê. Bên trong tấm cửa kính của các căn shophouse, các chủ nhà đều đề bảng cho thuê dài hạn.

Hiện nay mặt bằng cho thuê tại quận 1 vẫn còn bỏ trống nhiều là do tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều cửa hàng đang dần làm quen với việc kinh doanh online, không còn ưu tiên lấy địa điểm đẹp bằng mọi giá nữa. Hơn nữa, khách thuê của khu vực trung tâm TPHCM đang có phương án dịch chuyển ra quận ngoài trung tâm để tránh chi phí ăn mòn lợi nhuận.

Đánh giá từ Savills Việt Nam cũng nêu, do ảnh hưởng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang chú trọng hơn vào kênh trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. Dẫn đầu xu hướng này là các doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực như Starbucks, The Coffee House, Phúc Long… đã đóng hàng loạt cửa hàng.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM cho rằng, trong ngắn hạn thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong. Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị và bán hàng trực tuyến.

Chạy dọc theo phố Lý Tự Trọng (quận 1, gần chợ Bến Thành) nhiều căn nhà mặt tiền có chiều rộng 4m, dài 20m, kết cấu xây dựng một trệt, 2-3 lầu cũng có thời gian bỏ trống kéo dài cả năm. Giá thuê hiện được chào từ 6.000-7.000 USD/tháng nhưng cũng không có ai hỏi thăm. Tương tự, nhiều trục đường của quận 1 như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng… nhiều địa điểm kinh doanh tại đây cũng đang trong cảnh ế ẩm.

Phố thời trang Nguyễn Trãi quận 5 trước đây vốn rất sầm uất nhưng trải qua vài đợt dịch lại nhan nhản bảng cho thuê mặt bằng. Ghé vào một mặt bằng có bề ngang 6m, đang rao cho thuê với giá 140 triệu đồng/tháng thì được bảo vệ của cửa hàng bán quần áo bên cạnh nói, đã 2 năm rồi chưa buôn bán gì ở đây.

Trên trục đường được mệnh danh là “đất vàng” phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) có rất nhiều mặt bằng trống treo bảng cho thuê. Chúng tôi tìm gặp chủ một căn nhà phố bỏ không trên đường Nguyễn Huệ, có diện tích 4x16 m gồm 1 trệt 2 lầu đang được rao giá cho thuê 11.000 USD/tháng.

Tình trạng cửa hàng kinh doanh ế ẩm, nhiều chủ cũ không thể chịu lỗ kéo dài nên đóng cửa vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là với những ngành hàng như spa, nhà hàng ăn uống… Môi giới chuyên mặt bằng nhà phố quanh chợ Bến Thành cho hay, thời hoàng kim 2019 trở về trước, khách thuê phải trả giá cao 11.000-12.000 USD một tháng để tranh giành các vị trí đẹp, nay nhiều nhà mặt tiền có giá thuê mềm hơn vẫn mòn mỏi chờ khách.

Gần phố Tây Bùi Viện, trên trục đường Nguyễn Thái Học và Phạm Ngũ Lão, nhiều mặt bằng đôi (hai căn ghép lại) hoặc vị trí căn góc có giá thuê 12.000-15.000 USD một tháng cũng trong tình cảnh ế dài cả năm qua nhưng chủ cũng không giảm mạnh giá thuê.

Theo chia sẻ của các chủ nhà phố trên đường Mạc Thị Bưởi và Đồng Khởi, quận 1, họ tin vào cơ hội phục hồi của thị trường bán lẻ và du lịch quốc tế nên không giảm giá thuê tới mức 50-60% nữa. Mức giảm giá thuê nhiều nhất còn ghi nhận đến tháng 3 chỉ khoảng 15-20% cho những tháng thuê đầu tiên, sau đó tăng trở lại trong suốt thời hạn hợp đồng.

Hiện thị trường xuất hiện 2 luồng tâm lý ngược chiều nhau giữa chủ nhà và khách thuê. Chủ nhà tự tin năm 2022 sức mua tiêu dùng của TP HCM sẽ hồi phục và khách quốc tế trở lại đông đảo nên mạnh dạn tăng giá chào thuê so với năm 2021. Mặt khác chủ nhà mặt tiền ở khu lõi trung tâm quận 1 thuộc nhóm có tài chính mạnh, không ngại để trống thêm một thời gian nữa miễn là cho thuê được giá. Trong khi đó, tâm lý của bên đi thuê lại cho rằng, nếu kinh tế hứa hẹn khởi sắc, khách quốc tế sẽ đến TP HCM thì cố chờ đến khi đà hồi phục mạnh mẽ rồi hẵng thuê vẫn chưa muộn.

Sự giằng co này khiến cho mặt bằng cho thuê khu trung tâm Sài Gòn vẫn còn ế ẩm đến giữa tháng 3 dù cuộc sống ở thành phố đã thiết lập trạng thái bình thường mới 6 tháng nay.

Tổng Hợp