Nhiều người đã “lách” để tách thửa, phân lô bán nền

Riêng tại TP Biên Hòa, với quy định 500m2 đất nông nghiệp tại đô thị thì được tách thửa, nhiều người đã “lách” bằng cách góp tiền mua đất (đồng sở hữu), sau đó “xé nhỏ” làm nhiều sổ đỏ. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, sắp tới, UBND tỉnh sẽ ban hành quy định mới về tách thửa như: diện tích sau khi tách thửa đất đô thị tối thiểu là 60m2 và đất nông thôn tối thiểu 80m2, đất nông nghiệp tại đô thị tối thiểu 500m2, đất nông nghiệp ở nông thôn tối thiểu 1.000m2. Đặc biệt, các thửa đất nông nghiệp tách thành nhiều thửa nhỏ và cho nhiều người đồng sở hữu sẽ được ghi rõ “đất nông nghiệp không được phép xây dựng các công trình; nếu xây dựng sẽ bị tháo gỡ”, nhằm ngăn chặn tình trạng tách thửa đất nông nghiệp tràn lan, mua đi bán lại kiếm lời, dẫn đến xây dựng trái phép, hình thành các khu dân cư tự phát gây phá vỡ quy hoạch.

Theo số liệu của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2021, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.100 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng, trong đó có 94 trường hợp phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, chủ yếu là ở huyện Long Thành. Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công xảy ra nhiều ở các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Tân Phú.

Tại thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), tình trạng phân lô, bán nền diễn ra phức tạp, khu phố nào cũng có các dự án khu dân cư tự phát. Đặc biệt là trên tuyến đường xuống khu phố Phước Hiệp có khu đất nông nghiệp khoảng 10ha đã được phân lô, bán nền, diện tích 100m2/nền, rao bán giá 900 triệu đồng - 1 tỷ đồng/nền, tùy vị trí. Khu vực này đã có đường bê tông, đường điện tự kéo về và các hộ dân bỏ tiền mua đất đang chờ điều chỉnh quy hoạch để “hợp thức hóa” đất nông nghiệp thành đất ở… Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các xã Phú Hội, Phước An. Theo người dân địa phương, từ khi có chủ trương xây dựng cảng Phước An và cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai mở thêm một số tuyến đường kết nối các dự án tại huyện Nhơn Trạch, nhiều nhà đầu tư bất động sản “đón đầu” lập các dự án khu dân cư trên đất nông nghiệp, bán kiếm lời.

Tại huyện Long Thành - nơi dự án sân bay Long Thành và nhiều tuyến đường kết nối sân bay đang được triển khai xây dựng, tình trạng phân lô, bán nền đang diễn ra phức tạp. Từ năm 2016 đến nay, huyện Long Thành phát hiện 176 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp, trong đó có 99 trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp và 77 trường hợp làm đường giao thông trên đất nông nghiệp để làm dự án phân lô, bán nền.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, cá biệt như tại Hà Nội, đã xuất hiện tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp nhỏ mua gom đất của người dân ở trong các thôn, xóm, làng, xã rồi phân thành lô, bán nền. Trước khi phân lô, nhiều khu đất có nguồn gốc là đất trồng cây lâu năm, đất vườn… được chuyển đổi sang đất ở nhưng không nhằm mục đích ở mà để bán nền. Hiện nay, pháp luật đất đai hiện hành không có quy định riêng đối với trường hợp kinh doanh dự án "phân lô bán nền" không xin phép thành lập dự án đầu tư phát triển nhà ở. Tuy nhiên, một số nghị định lại cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Liên quan đến tình trạng ồ ạt phân lô bán nền tại tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm vừa báo cáo về các nội dung về hiến đất làm đường giao thông mới và tách thửa trên địa bàn. Báo cáo này được thực hiện theo đề nghị của tổ công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm phục vụ công tác kiểm tra, rà soát các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Theo UBND huyện Bảo Lâm, từ năm 2018 đến nay, địa phương này đã giải quyết hồ sơ để 77 hộ gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất làm đường giao thông. Những địa phương có nhiều hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường như xã Lộc Quảng, xã Lộc An và xã Lộc Tân.

Tổng diện tích khu đất của 77 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thực hiện hiến đất, trả lại đất làm đường giao thông trên địa bàn huyện Bảo Lâm là 153ha. Trong đó, diện tích đất hiến làm đường hơn 10ha chỉ có 1 hộ, là Trần Thị Mỹ đồng quyền sử dụng đất với hộ Đậu Công Anh; 5 hộ có diện tích đất hiến trên 5ha; 9 hộ có diện tích đất hiến hơn 3ha; 34 hộ có diện tích đất hiến hơn 1ha; và 28 hộ có diện tích đất hiến dưới 1ha.

Tổng Hợp