Nhiều nhà thầu xây dựng bị nợ đọng cả trăm, cả nghìn tỷ đồng, có những khoản nợ kéo dài chục năm

Đây là thực trạng đáng báo động về tình trạng nợ đọng của các nhà thầu được lãnh đạo Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu ra mới đây. Nhiều nhà thầu xây dựng bị nợ đọng cả trăm, cả nghìn tỷ đồng, có những khoản nợ kéo dài chục năm...

Lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) chia sẻ, nhiều hợp đồng mà chủ đầu tư là vốn tư nhân thì thường tìm cách trì hoãn thanh toán như bắt bẻ hồ sơ, không bố trí hay điều động người ký hồ sơ đi xa, hoặc khi quyết toán sẽ viện đủ mọi lý do để trốn tránh hoặc trì hoãn nhằm kéo dài thanh toán. Trong khi đó, công trình đã đưa vào sử dụng.

Theo nhà thầu này, một công trình đã đưa vào sử dụng thì tất cả công việc của dự án phải được coi như hoàn thành và được thanh toán. "Nếu một hạng mục của công trình đó chưa xong, hoặc làm rồi, đạt chất lượng rồi mà bị trì hoãn thanh toán vì lý do nào đó, chủ đầu tư không được phép bàn giao vận hành thương mại", lãnh đạo COMA kiến nghị.

Đại diện Tập đoàn Hòa Bình cũng cho biết, thực tế doanh nghiệp cũng đã phải giải quyết tranh chấp về nợ bằng biện pháp khởi kiện. "Với tinh thần thiện chí và hợp tác, Tập đoàn Hòa Bình đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán và đề nghị tổ chức họp để xử lý các khoản tồn đọng. Tuy nhiên, chủ đầu tư luôn cố tình trốn tránh nghĩa vụ, nhiều lần yêu cầu hoãn, không tôn trọng tinh thần hòa giải…", đại diện nhà thầu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC, hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng, trong đó 90% có quy mô vốn đăng ký trên dưới 100 tỷ đồng. Số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng còn ít.

"Đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, dòng tiền để hoạt động chủ yếu là nguồn tạm ứng từ chủ đầu tư và vay ngân hàng, vốn tự có không nhiều", ông Hiệp cho biết. Mặc dù nhà thầu chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn mỏng, song theo ông Hiệp, nhiều bên đang bị nợ đọng rất lớn và phổ biến. Nhiều doanh nghiệp bị nợ đọng cả trăm, cả nghìn tỷ đồng, ông Hiệp thông tin.

Đáng chú ý, theo vị này, có những đơn vị nợ kéo dài phải đưa ra tòa, bởi thực tế người nợ thường muốn giữ tiền, nợ lâu. Cũng có những chủ đầu tư năng lực tài chính kém, không có tiền phải trả bằng sản phẩm, cũng có chủ đầu tư bán hết nhà nhưng không chịu thanh toán. "Có tiền không trả, chây ỳ. Vậy xử lý thế nào, chế tài gì", ông Nguyễn Quốc Hiệp băn khoăn khi bàn về giải pháp.

Về lâu dài, ông cho biết đã bàn bạc và thống nhất với các hội viên, sắp tới đề xuất các cơ quan chức năng thống kê những chủ đầu tư nào chây ỳ, không nghiêm chỉnh thì công bố, công khai trên trang website của các Sở Kế hoạch và Đầu tư…

"Công bố ra để các ông chây ỳ hết cửa quay lại tỉnh đó. Đó là biện pháp tháo gỡ, làm chủ đầu tư nghiêm túc hơn", ông Hiệp nói và cho rằng, nếu kiến nghị này được chấp thuận, chủ đầu tư chắc chắn sẽ rất "ngại" chây ỳ.

Mặc dù đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị song ông Hiệp vẫn nhấn mạnh cần phải có phương án "bêu tên" chủ đầu tư chây ỳ. "Nếu cơ quan chức năng không làm, Hiệp hội nhà thầu sẽ cân nhắc tự làm. Có danh sách đen của nhà thầu thì cũng cần công bằng là có danh sách đen chủ đầu tư chây ỳ", ông nói.

Ông Dương Văn Cận - Phó chủ tịch VACC - nói thêm, đa số các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng ở khoảng 20-25% giá trị khối lượng cuối của dự án. Cá biệt, có những dự án đã đưa vào sử dụng rất nhiều năm song vẫn chưa quyết toán được.

Tình trạng này không chỉ xảy ra tại dự án vốn ngân sách mà còn cả vốn tư nhân, tại các công trình có chủ đầu tư năng lực tài chính yếu, muốn lợi dụng dòng vốn của người khác.

Tổng Hợp