Nhiều sàn giao dịch bất động sản gặp khó

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện cả nước có trên 1.000 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động và phải chịu rất nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

 Các sàn giao dịch vẫn phải trả lương cho cán bộ nhân viên, nộp bảo hiểm xã hội, nộp thuế, trả tiền thuê mặt bằng, tiền lãi vay..., trong khi lại không thể triển khai bán hàng do dịch bệnh, theo TTXVN.

Cùng đó, những người hành nghề môi giới bất động sản phải nghỉ việc do giãn cách xã hội, không được ra ngoài, không được tiếp xúc khách hàng hoặc sàn giao dịch không có sản phẩm để bán, thị trường thiếu nguồn cung...

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch VARS cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Do đó, nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, thuê văn phòng. Điều này khiến hàng ngàn môi giới bất động sản rơi vào cảnh thất nghiệp. Tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, gây bất ổn với những lo lắng, xáo trộn.

noi-kho-thuong-gap-cua-cac-chu-san-giao-dich-bds-va-cach-giai-quyet-4-600x338.jpg
Ảnh minh họa

Khảo sát của VARS cho thấy, trong số 300.000 môi giới đang hoạt động thì có khoảng 70% là chính quy. Bản đội ngũ môi giới bất động sản hầu hết đã chuyển trạng thái sang làm việc tại nhà nhưng cũng chưa thực sự nhận được nhiều sự hỗ trợ từ công nghệ.

Hiện thị trường bất động sản đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng vẫn phải dừng hoạt động khiến nguồn cung không được cải thiện; lực cầu suy yếu, giá cả tăng mạnh, nguy cơ bong bóng…

Tổng Giám đốc DKRA Phạm Lâm cho biết, hiện nay 50% đơn vị bất động sản có nguy cơ ngừng hoạt động cao, 30% doanh nghiệp đặc biệt khó khăn và 20% sàn giao dịch đang đứng trên bờ vực phá sản. Các sàn giao dịch đang rất cần “oxy” để tiếp tục “sống”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với các công ty quy mô lớn, thu nhập của môi giới bất động sản giảm trung bình 40 - 50% so với 6 tháng trước. Các  công ty nhỏ cũng có con số sụt giảm thu nhập khoảng 70-80% bởi doanh số bán hàng suy giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường khó khăn, thanh khoản kém…

Bên cạnh đó, nguồn cung sản phẩm cũng có những trở ngại bởi chủ đầu tư nhìn thấy bức tranh thị trường chưa thuận lợi thì sẽ cân nhắc về việc tung sản phẩm ở giai đoạn này và sẵn sàng “ém hàng” để chờ đợi thời điểm thích hợp hơn, ông Lâm phân tích.

noi-kho-thuong-gap-cua-cac-chu-san-giao-dich-bds-va-cach-giai-quyet-3.jpg
Ảnh minh họa

Dưới góc độ của người hành nghề môi giới bất động sản, ông Đặng Văn Đức (Hà Nội) chia sẻ, thu nhập của người môi giới chủ yếu từ nguồn phần trăm được trích lại sau khi bán sản phẩm. Dù được hưởng lương cơ bản hàng tháng nhưng con số này không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm mà bản thân các môi giới phải tự bỏ ra để quảng bá theo các kênh riêng.

Theo ông Đức, sau những đợt dịch liên tiếp kéo dài vắt qua 2 năm thì thu nhập của môi giới như ông hiện không đủ chi tiêu mà phần lớn chi phí trang trải cuộc sống là từ nguồn tiền đã tích luỹ từ trước. Vì an toàn sức khỏe, việc tiếp xúc trực tiếp khó khăn, bị hạn chế nên giao dịch thành công sụt giảm mạnh. Với các dự án chung cư còn có thể giới thiệu thông tin, thông số sản phẩm với khách hàng qua hình ảnh trang web của chủ đầu tư, sơ đồ... chứ riêng phân khúc nhà ở riêng lẻ thì gần như “án binh bất động” – ông Đức cho hay.

Trước thực tế này, VARS đề xuất đưa sàn giao dịch và môi giới bất động sản vào đối tượng được quan tâm, hỗ trợ; được hỗ trợ để hoãn, giãn nộp một số nghĩa vụ tài chính; các ngân hàng tạm dừng thu các khoản vay gốc, điều chỉnh lãi suất cho vay; hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó... Đặc biệt, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc điều chỉnh chính sách để các dự án sớm được phê duyệt, bổ sung nguồn hàng nhằm cân bằng cung cầu trên thị trường.

Theo VARS, để thích nghi với tình hình thực tế, các sàn giao dịch cần thúc đẩy phát triển hoạt động công nghệ, chuyển đổi số, tạo hiệu quả tốt nhất cho môi giới bất động sản; cắt giảm chi phí, đảm bảo có đủ vốn cho kinh doanh nhưng không cắt giảm quân số, chế độ; ứng dụng công nghệ để gia tăng năng lực kinh doanh; đào tạo nâng cao chất lượng, trình độ, tính chuyên nghiệp; tiêm vaccine cho nhân viên để sớm hoạt động trở lại trong trạng thái mới.

Ngoài ra, VARS khuyến cáo các sàn giao dịch không tham gia vào những dự án không tuân thủ đúng quy định của pháp luật để tránh gây bất ổn và làm suy yếu thị trường.

Bản thân các môi giới bất động sản nên tranh thủ thời gian giãn cách để trau dồi, nâng cao kiến thức; bám sát thị trường, khách hàng qua hệ thống công nghệ.

Việc liên kết các sàn giao dịch bất động sản để tạo sức mạnh tập thể, sàn lớn chung tay hỗ trợ các sàn nhỏ vượt qua khó khăn... cũng là giải pháp được VARS khuyến nghị.

PV