Biến động của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 dàn trải liên tiếp từ đầu năm đến tận những ngày cận kề năm mới. Trong bối cảnh thị trường đầu năm gặp khó nhiều mặt, COVID-19 xuất hiện giáng đòn nặng cho nền kinh tế quốc dân. Dẫu vậy, bằng nhiều biện pháp của Chính phủ cùng nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam vẫn góp mặt trên bản đồ điểm sáng của thế giới khi GDP tăng trưởng dương liên tiếp, chính sách ngày càng thông thoáng, sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do,…
Thịt heo gần chạm nóc 100.000 đồng/kg dịp Tết
Sau một năm chật vật với dịch tả heo châu Phi khi cả nước đều công bố dịch, đàn heo và nguồn thịt khan hiếm hơn bao giờ hết. Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày gần cuối tháng 12/2019, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành. Tổng cục Thống kê công bố tổng số heo tiêu hủy gần 6 triệu con, tương đương với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn, chiếm 8,9% tổng sản lượng thịt cả nước.
Dịch tả làm cho tổng đàn heo của cả nước đến tháng 12/2019 giảm 25,5% so với cùng thời điểm năm 2018. Kéo theo đó, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước tính đạt 3.289,7 nghìn tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.
Tình hình chăn nuôi heo bết bát trong năm 2019 khiến Tết năm 2020 khan hiếm thịt, giá tăng cao. Đồ hoạ: Tất Đạt |
Trong phiên họp cuối năm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước, quan ngại, từ thời điểm đó đến Tết 2020, nguồn cung thịt heo sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Kéo theo đó, giá thịt heo sẽ leo thang, có nơi bán giá 90.000-93.000 đồng/kg.
Trước tình hình này, TP.HCM nhập 10.000 tấn thịt heo đông lạnh để phần nào giảm khan hiếm thịt và bình ổn giá thành sau Tết. Ở miền Bắc, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng giáp với Hà Nội cam kết hỗ trợ 43.000 tấn thịt heo cho thành phố này trong dịp Tết 2020.
Nhiều địa phương đảm bảo được nguồn cung nhưng giá thịt heo ngày Tết tăng chóng mặt. Ảnh: VnExpress |
Dù thịt heo không khan hiếm nhưng vào những ngày cận Tết, giá thịt đua nhau tăng. Đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, giá thịt heo ở thị trường bắt đầu tăng trở lại từ ngày 28 tháng Chạp, tăng 5-10% so với trước. Cùng với giá thịt heo, một số thực phẩm tươi sống khác như thịt bò, thịt gà cũng nhích giá thêm 5-15% vào những ngày giáp Tết Canh Tý.
Đóng cửa khẩu với Trung Quốc, nông sản ùn ứ, giá “rẻ thúi”
Đại dịch COVID-19 hoành hành Trung Quốc dữ dội ngay từ đầu năm khiến sức mua của thị trường tỷ dân sụt giảm nghiêm trọng. Để phòng dịch, các cửa khẩu biên giới Việt - Trung lần lượt đóng kín. Đến nửa cuối tháng 4/2020, hàng hoá, nông sản ùn ứ ở Lạng Sơn vẫn lên mức kỷ lục 2.600 container.
Điều này dẫn đến từ sau Tết, tình trạng trượt giá xảy ra ở nhiều loại nông sản, nhất là trái cây. Giá mít tại miền Tây trước Tết 40.000-55.000 đồng/kg, sau Tết giảm xuống còn 10.000-15.000 đồng/kg. Giá chôm chôm cũng tuột dốc không phanh còn 6.000 đồng/kg. Tại Tây Nguyên, giá dưa hấu còn “rẻ thúi”, sát giá 1.000 - 1.500 đồng/kg,…
Lượng xe hàng tồn ở cửa khẩu chờ qua Trung Quốc có lúc lên đến hàng nghìn. Ảnh: Bộ Công Thương |
Anh Ngọc Thật, chủ vựa chuối nhỏ tại chợ Hóc Môn (TP.HCM), trước Tết nhập về hơn 160 tấn chuối ở Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng,… Anh hy vọng đợt Tết có thể xuất hết qua Trung Quốc, đủ tiền trả được số nợ mình đang gánh. Thế nhưng, bất ngờ, bên kia biên giới từ chối nhận hàng dù đã hứa mua với giá 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Xuất khẩu chẳng xong, vựa của anh xổ chuối lẻ ra bán tại chợ Hóc Môn. Sau Tết, giá chuối tuộc không phanh còn hơn 2.000 đồng/kg tuỳ loại. Do đó, anh Thật đang lỗ đến 900 triệu đồng trong mùa chuối đợt Tết 2020.
Các tụ điểm giải cứu nông sản tại TP.HCM được nhiều người dân ủng hộ. Ảnh: Phúc Minh |
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I/2020 đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%. Ngoài dịch bệnh, lượng xuất khẩu nông sản Việt giảm còn do các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc về kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác,…
14 ngày giãn cách xã hội
0h ngày 1/4, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội có hiệu lực. Riêng TP.HCM và 7 địa phương khác thực hiện đến 23/4. Việc áp dụng nghiêm các biện pháp phòng dịch buộc kinh tế cả nước vào thế tê liệt phần nào, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng hầu như ngừng trệ.
Hàng không Việt Nam đã khó vì dừng toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 25/3, nay còn khó hơn khi tê liệt hoàn toàn. Các hàng quán sập cửa, hoạt động kinh doanh không thiết yếu cũng không hoạt động. Khắp các tuyến phố đắt địa ngày nào, giờ đỏ rực bản treo chuyển nhượng mặt bằng, cho thuê giám giả,…
Đường xá vắng lặng trong 14 ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Nhân Dân |
Có một quán bún riêu trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM), chị Lương Thanh chọn đóng cửa phòng dịch đúng một tháng. "Thật sự khi hay tin phải đóng cửa, mình lo cho doanh thu quán, lo hơn là hàng chục nhân viên phải ra sao trong giai đoạn này. Nhưng nghĩ lại, bản thân mình cũng an tâm hơn vì chỉ có như thế, dịch bệnh mới không thể lây lan vào quán, lây lan cho nhân viên và gia đình họ", chị chia sẻ.
Trước dịch, quán của chị Thanh phát triển cả kênh bán online và offline. Lượng khách ghé quán chiếm khoảng 70%, khách đặt giao hàng khoảng 30%. Nhưng khi dịch bệnh xuất hiện, quán bún ghi nhận lượng khách ghé đến giảm 60%. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, dù chị Thanh vẫn duy trì việc bán online nhưng lượng khách đặt hàng vẫn giảm 30% so với trước đó.
Qua đợt giãn cách, các hàng quán chú trọng vào buôn bán online và thanh toán không tiền mặt. Ảnh: Tất Đạt |
Còn chị Cao Phượng, chủ một quán chè trên đường Phùng Văn Cung (quận Phú Nhuận, TP HCM), chia sẻ, trước dịch, quán chè có lượng khách hàng khá ổn định từ các nền tảng giao thức ăn. Nhờ đó, khi mở quán online trở lại vào những ngày đầu dở lệnh giãn cách, chị vẫn duy trì được hoạt động. Thay vì mỗi ngày bán đến 1.000 ly chè, chuyển sang bán online chỉ giao được 700-800 ly. "Dần dà, tối đa chỉ còn 600 ly. Như vậy là mừng dữ lắm rồi!", chị Phượng nói.
Kiểm soát tốt dịch, lên báo quốc tế, chuẩn bị thương mại hoá vaccine
Brand Finance, hãng định giá thương hiệu của Anh, vừa công bố báo cáo về thương hiệu quốc gia năm 2020. Theo đó, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới năm nay, với 29% lên 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng cải thiện từ 42 lên 33.
Brand Finance đánh giá Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 và tử vong thấp "đáng ngạc nhiên". "Việt Nam cũng đang nổi lên là địa điểm hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Các hiệp định thương mại gần đây với EU và Anh cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng", báo cáo nêu rõ.
Việt Nam được đặt kế loạt mỹ từ trên nhiều tít báo nước ngoài. Đồ hoạ: CafeF |
“Kỳ tích của châu Á”, “bình minh đang lên”, “ngôi sao sáng”, “con hổ châu Á”, “phép màu”… là những mỹ từ liên tục được các cơ quan báo chí quốc tế như Bloomberg, Forbes, Asian Nikkei Review, Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, Reuter, The New York Times… dành để ca ngợi Việt Nam.
Sự đánh giá cao của báo giới nước ngoài đến tử thành tích chống dịch tốt khi đến nay vẫn giữ nguyên số ca nhiễm trong nước dưới 700 và 35 ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng, xã hội hầu như “vắng bóng” COVID-19. Các biện pháp “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam đều được các tổ chức có uy tín đánh giá cao và lấy làm hình mẫu. Riêng bài hát cổ động rửa tay “Ghen Cô Vy” được Bộ Y tế đặt hàng cũng gây bão khắp mạng xã hội trong nước và quốc tế.
Chưa kể, Việt Nam đã có 3 quý liên tiếp tăng trưởng dương, lần lượt đạt 3,68%; 0,36% và 2,62%.
Mới đây, Việt Nam đã cho thử nghiệm giai đoạn 1 trên người đối với vaccine COVID-19 của hãng Nanogen. Kết quả thu được đến nay đều tích cực, Nanogen dự kiến khoảng 4 tháng nữa sẽ hoàn tất việc thử nghiệm và tính đến phương án đưa vào vaccine vào tiêm ngừa. Ngoài ra, cả nước còn có Ivac, Vabiotech đang thử nghiệm lâm sàn vaccine và hãng Polivac tiếp tục nghiên cứu.
Được phép xây căn hộ 25m2 và những tranh cãi
Sau thời gian gây nhiều tranh cãi, Thông tư 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư (QCVN 04:2019/BXD) của Bộ Xây dựng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Thông tư 21 quy định, diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư sẽ không nhỏ hơn 25m2 (đối với dự án nhà ở thương mại). Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45m2 không vượt quá 25% tổng số căn.
Bên cạnh đó, căn hộ phải có tối thiểu 1 phòng ở và 1 khu vệ sinh; được chiếu sáng tự nhiên, nếu có từ 2 phòng ở trở lên thì cho phép 1 phòng không có chiếu sáng tự nhiên. Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9m2, thông thoáng và được chiếu sáng tự nhiên,…
Các căn hộ có diện tích được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhiều người có thu nhập thấp. Ảnh: Happynest |
Theo khảo sát của DKRA Việt Nam, thị trường ngày càng thiếu vắng căn hộ hạng C. “Việc tìm được căn hộ dưới 1 tỷ đồng là rất khó ở TP.HCM!”, ông Phạm Lâm, CEO DKRA Việt Nam khẳng định.
Việc Thông tư 21 có hiệu lực được xem như khai thông chốt chặn cho phân khúc này. Với góc nhìn tích cực, những căn hộ 25m2 sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở của người có tài chính khiêm tốn. DKRA cho rằng, đây là một trong những cách để hạn chế sự tự phát của nhà ở tạm bợ, đồng thời kích hoạt toàn bộ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, việc cho phép xây dựng loại hình căn hộ 25m2 cũng không tránh khỏi những vấn đề nảy sinh. Thị trường đang lo lắng về việc cho phép xây dựng loại hình căn hộ nhỏ khiến cho dân số trong một toà chung cư, khu dân cư tăng lên đáng kể. Dân số tăng thêm kéo theo nhiều vấn đề về quản lý khu dân cư, quản lý đô thị và tạo thêm nhiều áp lực cho hạ tầng giao thông, kỹ thuật, tiện ích cho dự án,…
3 lần giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và gói hỗ trợ COVID-19
Năm 2020, lần đầu tiên chỉ trong vòng một năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất điều hành đã giảm từ 1,5%-2%/năm; trần lãi suất tiền gửi giảm từ 0,6%-1%/năm; trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm,…
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID-19.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất điều hành giảm tạo điều kiện tiếp cận vốn cho nhiều doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Infonet |
Trong năm, dưới ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ với tổng giá trị 62.000 tỷ đồng. Đối tượng được hướng đến là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất - kinh doanh), người lao động tại khu vực nông thôn.
Sau nhiều điểm “nghẽn”, đến cuối tháng 10, Chỉnh phủ bổ sung thêm nhóm đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn làm việc, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.
|
Gói hỗ trợ COVID-19 đến tay người dân, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Lao Động, Xây Dựng |
Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan đang xem xét bổ sung thêm gói hỗ trợ lần 2 với tổng giá trị là 18.000 tỷ đồng.
Thiên tai tang thương
Hiếm khi nào con người chứng kiến “mẹ thiên nhiên” nổi trận lôi đình như năm vừa qua. Thiên tai diễn ra trên cả nước với 16 loại hình khác nhau, trong đó có 13 cơn bão; 264 trận giông, lốc, mưa lớn ở 49 tỉnh, thành.
Hạn mặn kéo dài từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020, ảnh hưởng 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành đợt hạn mặn "nghiêm trọng nhất trong lịch sử", theo nhận xét của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều kênh rạch ở miền Tây trơ đáy, lúa chết khô trên đồng ruộng nứt nẻ. Người dân xếp hàng dài nhận tem phiếu để mua nước ngọt tưới cây, sinh hoạt với hơn 96.000 hộ dân chịu cảnh thiếu nước. Trên 42% diện tích tự nhiên của vựa lúa số 1 cả nước bị ảnh hưởng, tương đương với gần 1,7 triệu ha. Khoảng 41.900 ha lúa đông xuân 2019-2020 bị thiệt hại. 355 ha cây ăn trái mất trắng.
Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được xem là đợt thiên tai lớn trong lịch sử. Ảnh: VnExpress |
Hạn mặn ở miền Tây chưa dứt được bao lâu, ngay đầu tháng 10/2002, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi mưa to đột biến 1.000-2.000 mm, nhiều nơi trên 3.000 mm, mở đầu cho chuỗi ngày lũ lụt liên tiếp.
Hơn một tháng sau đó, “khúc ruột” đón liên tiếp 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn, dai dẳng. 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam ngập lụt kéo dài 15 ngày, cao điểm vào ngày 12/10 với trên 317.000 hộ, 1,2 triệu người bị ảnh hưởng. Mưa lớn nhiều ngày khiến đất no nước, bở bục dẫn đến hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng, gây thương vong, tan tác.
Hơn cả tháng, người dân miền Trung chìm trong nước lũ. Ảnh: Hữu Khoa |
Thiên tai năm vừa qua đã làm 291 người chết, 64 người mất tích. Trong đó, số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Tổng cục Phòng chống thiên tai ước tính, thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 35.000 tỷ đồng.
Xuất siêu kỷ lục và bộ đôi “cao tốc” thương mại EVFTA - RCEP
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đạt những con số ấn tượng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm nay ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế gần như đóng băng vì COVID-19, Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn hẳn nhập khẩu liên tiếp trong 7 tháng qua (kể từ tháng 5/2020). Do đó, cán cân thương mại hàng hóa luỹ kế trong 11 tháng năm 2020 ước tính xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Con số này gần gấp đôi cùng kỳ năm trước khi 11 tháng 2019 chỉ xuất siêu 10,8 tỷ USD. Riêng tháng 11/2020, ngành thương mại ước tính xuất siêu 600 triệu USD.
Tháng 11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết. RCEP được kỳ vọng sẽ tạo nên một thị trường thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với tổng GDP 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP và gần 28% thương mại toàn cầu. Do đó, Việt Nam trở thành sáng lập viên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Cùng với RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại cho Việt Nam. Trong khu vực, EU chỉ có hiệp định thương mại tự do với Singapore. Tuy nhiên, Singapore chỉ là quốc gia làm dịch vụ thương mại, còn Việt Nam là nước sản xuất. Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam cải thiện nền sản xuất là rất lớn.
RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch. Ảnh: VGP |
Trong năm, Việt Nam cũng đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại riêng với Anh trong bối cảnh Brexit. Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau.
Làm chủ công nghệ 5G và chuyển đổi số
Cuối tháng 11, Viettel, Vinaphone và Mobifone đồng loạt phát sóng thử nghiệm thương mại 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu cuộc đua 5G. Công nghệ này được xem là cơ sở hạ tầng quan trọng, mở ra cơ hội thúc đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam.
Trước đó, Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.
Như vậy, Việt Nam đã trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng, năm 2021 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm "make in Vietnam".
Công nghệ 5G được xem là nền tảng cho chuyển đổi số nhanh chóng của Việt Nam. Ảnh: GenK |
Trước đó, đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số - kinh tế số - xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Trong năm 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc số hoá hoạt động của các cơ quan Chính phủ, số hoá y tế, giáo dục… cũng như các dịch vụ số của doanh nghiệp. Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ cao thứ hai khu vực (29%), chỉ sau Philippines (30%).
Thành phố Thủ Đức và “kỳ tích sông Sài Gòn”
Ngày 9/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua quyết định thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM. Đây là "thành phố trong thành phố" đầu tiên ở Việt Nam/ Trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9 và Thủ Đức, thành phố mới rộng 211 km2, hơn một triệu người (chiếm 1/10 diện tích và dân số TP.HCM) với tổng cộng 34 phường.
Đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy thành phố và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Dự kiến thành phố Thủ Đức góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương 7% GDP cả nước, chỉ sau GRDP của Hà Nội và lớn hơn Bình Dương, Đồng Nai.
Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ góp 7% GDP cả nước. Ảnh: Lao Động |
Trong buổi hội thảo về đề án trên, PGS. TS Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, ví von, thành phố mới sẽ sứ mệnh trở thành “kỳ tích sông Sài Gòn”. Theo quy họach, thành phố Thủ Đức sẽ có 6 trọng điểm sáng tạo: ĐHQG-HCM là trung tâm công nghệ - giáo dục; Khu Công nghệ cao là trung tâm sản xuất tự động; Tam Đa là trung tâm công nghệ sinh thái; Rạch Chiếc là trung tâm thể thao và sức khoẻ; Thủ Thiêm là trung tâm công nghệ tài chính; Trường Thọ là đô thị tương lai.
Tuy nhiên, sự thành hình của một đô thị tầm cỡ vẫn còn nhiều trở ngại. Thách thức lớn nhất đối với tiềm lực phát triển của thành phố Thủ Đức được giới chuyên gia cho là nguồn kinh phí. Bên cạnh đó, giao thông cũng là điều nan giải của thành phố mới, nhất là giao thông công cộng, tiêu chí quan trọng hình thành nên thành phố thông minh.