Những người phụ nữ trong gia đình Tân Hiệp Phát

Những người phụ nữ trong gia đình Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, hai con gái Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương.

Ngày 10/4, ông Thanh, 59 tuổi, Tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát và bà Uyên Phương bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Từ trước đến nay, thành công và thương hiệu Tân Hiệp Phát vẫn gắn liền với tên tuổi và hình ảnh ông Trần Quý Thanh. Tuy vậy, điều đặc biệt là ông Thanh không hề sở hữu số cổ phần nào tại công ty, cũng như không nắm giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tân Hiệp Phát. Cổ đông lớn nhất của Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh, sở hữu 54,4% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Cũng lúc này những thông tin về gia đình ông Thanh cũng trở thành tâm điểm chú ý. Nhiều người nói rằng, "đế chế" Tân Hiệp Phát lớn mạnh như ngày nay không chỉ bởi ông Trần Quí Thanh, mà còn dựa vào sự "quán xuyến" rất lớn của vợ và hai cô con gái.

Cùng nhìn lại những người phụ nữ trong gia đình Tân Hiệp Phát.

Bà Phạm Thị Nụ

Bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Trần Qúy Thanh - Chủ tịch Tân Hiệp Phát, sinh ra ở tỉnh Hải Dương, di cư vào Nam sau 1954. Gia đình bà sống ở đường Vũ Tùng, ngày đó gọi là khu Lò heo mới, gần chợ Bà Chiểu (TP.HCM). Bà Nụ sở hữu nhan sắc xinh đẹp và rất biết cách làm đẹp cho bản thân. Ngay từ nhỏ, bà Nụ đã nỗ lực sống tự lập, làm việc vất vả để tự kiếm tiền chứ không muốn lệ thuộc vào ai.

Bà Phạm Thị Nụ và ông Trần Quý Thanh cưới nhau 1979, thời điểm đất nước đang trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Dù mang bầu lớn nhưng bà vẫn lên núi Bà Đen để buôn bán đường. Không chỉ chăm con giỏi, bà Nụ còn rất chiều chồng. Bà luôn tự tay lựa cho ông những bộ quần áo lịch sự khi đi làm và luôn động viên và để ông yên tâm làm việc, phát triển sự nghiệp cho riêng mình.

Vợ chồng ông Trần Quý Thanh.
Vợ chồng ông Trần Quý Thanh.

Có thể nói bà Nụ chính là hậu phương vững chắc để ông Trần Qúy Thanh tự tin đi trên con đường “vươn ra biển lớn” của mình. 

Sau nhiều năm tháng dành dụm, hai ông bà lên kế hoạch và thành lập Tân Hiệp Phát vào năm 1994 với tầm nhìn tập đoàn hàng đầu ở châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm. Từng ngóc ngách của khu văn phòng lẫn trong nhà xưởng, không có chỗ nào bà không rành.

Khởi nghiệp từ một phân xưởng sản xuất nhỏ chỉ với vài chục nhân viên, Tân Hiệp Phát đã đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực sản xuất đồ uống và trở thành một công ty nước giải khát nổi tiếng.  Trên mỗi chặng đường của ông Thanh luôn có sự xuất hiện của vợ. Bà luôn hết lòng ủng hộ quyết định của chồng dù sẽ thành công hay gặp thất bại. Ông Thanh chia sẻ với các con: “Yếu tố má xinh đẹp không phải lí do chính ba lấy má, mà vì đẫ sớm biết đó là cô gái nhẹ nhàng ý tứ, tháo vát trong chuyện làm ăn, sống có trách nhiệm, không ăn chơi đua đòi”.

Là một người phụ nữ bản lĩnh, cá tính, bà biết lúc nào phải cứng rắn, lúc nào phải mềm mỏng với người chồng làm kinh doanh của mình. Trong nhiều năm tháng phát triển của Tân Hiệp Phát, bà Nụ ít khi xuất hiện trước truyền thông, mà thường chỉ đứng phía sau giúp chồng.

Con gái Trần Uyên Phương

Trần Uyên Phương (SN 1981) chủ yếu đảm nhận phát triển thị trường, đối ngoại, mở rộng xuất khẩu còn bà Trần Ngọc Bích hoạt động tại mảng quản trị nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát. 

Bà Trần Uyên Phương bắt đầu làm việc tại Tân Hiệp Phát năm 23 tuổi và hiện giữ chức vụ Phó tổng giám đốc tập đoàn. Bà Phương chịu trách nhiệm về các mảng tiếp thị sản phẩm, đối ngoại, quan hệ công chúng, và các chương trình CSR trên toàn quốc; đồng thời quản lý các chương trình tiếp thị sản phẩm của Tân Hiệp Phát trên 16 quốc gia.

Trần Uyên Phương
Trần Uyên Phương

Bà Phương được cho biết là đã thực hiện thành công chiến lược truyền thông hiệu quả cho 12 nhãn hàng của Tân Hiệp Phát trong nhiều năm qua, và đồng thời thành công trong việc quảng bá thương hiệu Tân Hiệp Phát ra thế giới.

Bên cạnh là thành viên của tổ chức Các nhà lãnh đạo trẻ - YPO (Young Presidents Organization), bà Phương còn là Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại TPHCM nhiệm kỳ 8/2018-7/2019.

Năm 2018, công chúng xôn xao với thông tin bà Trần Uyên Phương, con gái ông Trần Quí Thanh có chương trình làm việc dài ngày với Forbes ở trụ sở chính tại New York, Mỹ. Nhiều người cho rằng, ông Trần Quí Thanh có thể là tỷ phú USD mới của Việt Nam (sau khi Forbes đã công nhận 4 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Phương Thảo, ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long). Cuối tháng 8/2018, cuốn sách "Competing with Giants" (tạm dịch: Vượt lên người khổng lồ) của bà Phương ra mắt, nhà xuất bản là ForbesBook.

Bà Phương được cho biết có vai trò lớn trong việc khai phá mảng bất động sản tại Tân Hiệp Phát với hàng loạt doanh nghiệp Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh; Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng; Công ty TNHH Number One Quang Vinh; Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh. Tuy nhiên, với thương vụ đầu tư vào Yeah1, con gái ông Trần Quí Thanh lại thua đậm.

Trần Ngọc Bích

Con gái thứ hai của ông Trần Quí Thanh là Trần Ngọc Bích được giới thiệu tốt nghiệp ngành Quản trị Tài chính, Đại học Manchester (Vương Quốc Anh), là Phó tổng giám đốc Tập Đoàn Tân Hiệp Phát và đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Number One Hà Nam.

Trần Ngọc Bích
Trần Ngọc Bích

Bà Bích cho biết không thích xuất hiện nhiều bên ngoài mà muốn dành thời gian cho nhân viên nội bộ tập đoàn. 

Hai chị em Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương có Công ty mua bán nợ VNAMC với sở hữu mỗi cá nhân là 50% vốn. Trong đó, bà Bích là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc. Công ty này được thành lập đầu năm 2018 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, hoạt động tại hai ngành nghề kinh doanh chính là mua bán nợ và dịch vụ môi giới, tư vấn mua bán nợ.

Được biết, ngoài 2 ái nữ, ông Trần Quí Thanh còn một con trai út song hầu như không xuất hiện trước truyền thông. 

Thanh Mai

Tổ công tác 'gỡ khó' cho dự án bất động sản chỉ ra nhiều vướng mắc

Tổ công tác 'gỡ khó' cho dự án bất động sản chỉ ra nhiều vướng mắc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trên cơ sở kết quả kiểm tra, phân nhóm các vướng mắc để xác định các giải pháp tháo gỡ, xác định rõ nguyên nhân do tổ chức thực hiện ở địa phương, hay do bất cập trong các thông tư hướng dẫn, nghị định, luật,…