IMF dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu là 2,8% vào năm 2023, giảm nhẹ so với ước tính trước đó vào tháng 1 (-0,1%).
Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, giải thích tại một cuộc họp báo: "Chúng ta đang đối mặt với một nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau nhiều cú sốc khác nhau trong những năm gần đây, đặc biệt là đại dịch và cả xung đột tại Ukraina. Và chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi dần dần".
Tuy nhiên, tình hình có thể đen tối hơn nếu không có tác động của việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ, vốn "sẽ đóng góp một nửa vào tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023", theo nhận định mà Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva đưa ra hôm 6/4.
Đối với hầu hết các quốc gia, việc trở lại bình thường vẫn chưa xuất hiện. Đặc biệt, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao vào năm 2023, khoảng 7% trên toàn thế giới, chủ yếu do do lạm phát cơ bản - không bao gồm giá lương thực và năng lượng, vốn có nhiều biến động - vẫn bị định hướng sai.
Thêm vào đó là những biến động gần đây trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là ở Mỹ, sau sự phá sản của 2 ngân hàng khu vực, và ở Thụy Sỹ, với việc UBS mua lại Credit Suisse trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để chống lại lạm phát.
Ông Gourinchas cho biết thêm: "Rủi ro một lần nữa đè nặng lên tăng trưởng, phần lớn là do tình trạng bất ổn tài chính trong những tuần gần đây".
Trong bối cảnh đó IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2023, lên 1,6% (+0,2%), cũng như vào năm 2024, lên 1,1% (+0,1%).
IMF không thay đổi dự báo đối với tăng trưởng kinh tế Pháp trong năm 2023, ở mức 0,7%, nhưng giảm nhẹ vào năm 2024, ở mức 1,3% (-0,3%).
Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có thể hoạt động tốt hơn dự kiến ban đầu (+0,1%) vào năm 2023, ở mức 0,8%, nhờ tác động của tăng trưởng cao hơn ở Tây Ban Nha và Italy.
Tăng trưởng của Trung Quốc một lần nữa sẽ đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023, ở mức 5,2%, nhưng sẽ chậm lại từ năm 2024, xuống còn 4,5%, một trong những tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong 30 năm qua, không tính năm 2020 do đại dịch, và 2022 với chính sách "Không COVID".
Một lần nữa, các dấu hiệu suy yếu đã xuất hiện và khuyến khích IMF thận trọng trong các dự báo của mình.
Đối với năm 2024, IMF không thay đổi dự báo tăng trưởng toàn cầu, ở mức 3%. Tuy nhiên, theo bà Kristalina Georgieva, kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 3% trong 5 năm tới là triển vọng trung hạn yếu nhất của IMF kể từ năm 1990.
(Nguồn: TTXVN/IMF)