Nói hay Đừng? Nói chứ!

LÊ QUANG VINH

Ngày 18.6.2024, cuốn sách “Nói hay Đừng” đã ra mắt bạn đọc. Đó là tuyển tập sự nghiệp làm báo của tác giả cao niên nổi tiếng Lý Sinh Sự.

Vào năm 1994, trên mục “Nói hay Đừng” của báo Lao Động bắt đầu xuất hiện bút danh Lý Sinh Sự và ngay lập tức, đã thu hút bạn đọc và cả giới nghề gần xa. Sức hút có được là bởi tính chiến đấu ngay thẳng của tác giả trong các bài viết đó, dám tuyên chiến với các nghịch lý của đời sống xã hội cùng những thói hư tật xấu của người đời.

Các nhà báo trong phần giao lưu ra mắt sách “Nói hay Đừng”, từ trái sang: Đỗ Doàn Hoàng, Lưu Quang Định, Trần Duy Phương, Vũ Thu Trà và Vũ Kiều Minh. Ảnh: L.Q.V
Các nhà báo trong phần giao lưu ra mắt sách “Nói hay Đừng”, từ trái sang: Đỗ Doàn Hoàng, Lưu Quang Định, Trần Duy Phương, Vũ Thu Trà và Vũ Kiều Minh. Ảnh: L.Q.V

Theo thống kê của nhà báo Trần Đình Thảo - người bạn thân thiết của tác giả Lý Sinh Sự: Trong 10 năm gác mục “Nói hay Đừng”, đều đều như vắt chanh, mỗi ngày ông viết một bài cho chuyên mục, thì 10 năm là 3.600 bài - thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí. Đó là còn chưa kể số bài ông viết và đăng trên các báo khác. Vậy là, tổng cộng 10 năm viết khoảng 4.000 bài. Một con số đáng nể phục với một bút lực dồi dào và tâm huyết với nghề, với đời.

Cũng theo nhà báo Trần Đình Thảo: “Phong cách hài hước, châm biếm, đả kích trong các tiểu phẩm của Lý Sinh Sự khá đồng nhất. Cũng là một thông tin thời sự, với nhiều tờ báo sẽ chìm nghỉm trong rừng trong rừng rừng lớp lớp thông tin, nhưng một khi đã trở thành chất liệu cho tiểu phẩm “Nói hay Đừng”, thì nội dung đó sẽ ngấm rất sâu vào suy nghĩ, tâm thức và thái độ chính trị của người đọc. Đặc biệt, kiểu văn đối thoại của Lý Sinh Sự vừa thông minh, hóm hỉnh, lại vừa sâu sắc, lắng đọng. Văn phong độc đáo, dị biệt, nhưng mạch lạc, dân dã, hóm hỉnh đã cuốn hút bạn đọc lạ kỳ, dù bài báo chỉ bằng “bàn tay” trên trang báo…”.

Cuốn “Nói hay Đừng” của nhà báo Trần Đức Chính thực sự là một cẩm nang cho những người làm báo.
Cuốn “Nói hay Đừng” của nhà báo Trần Đức Chính thực sự là một cẩm nang cho những người làm báo.

Sau này, người ta mới biết, Lý Sinh Sự là bút danh của nhà báo Trần Đức Chính. Trong cuốn “Nói hay Đừng” vừa ra mắt bạn đọc (do NXB Văn học và Cty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phối hợp ấn hành, dày 472 trang), có 68 bài bình luận, tiểu phẩm báo chí đăng trên mục “Nói hay Đừng” của báo Lao Động từ năm 1994 đến 2012 với bút danh Lý Sinh Sự, 12 phóng sự đã đăng trên Lao Động và một số báo khác với bút danh Trần Chinh Đức, 52 bài viết trên mục “Tản mạn”, “Chuyện dọc đường” trên báo Lao Động với bút danh Hà Văn. Ngoài ra, là các bài viết và hình ảnh kỷ niệm về nhà báo Trần Đức Chính của các bạn bè, đồng nghiệp.

Năm 1967, nhà báo Trần Đức Chính tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (Văn khoa khóa 8). Trong thời gian 1968 - 1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông cũng từng học về văn hóa quần chúng tại ĐH Văn hóa Leningrad (Liên Xô trước đây). Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập báo Lao Động, nguyên Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận, đồng thời tham gia một số vị trí công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhà báo Lưu Quang Định tặng hoa chúc mừng nhà báo Nguyễn Thiếu Mai (phu nhân nhà báo Trần Đức Chính) và con gái. Ảnh: L.Q.V
Nhà báo Lưu Quang Định tặng hoa chúc mừng nhà báo Nguyễn Thiếu Mai (phu nhân nhà báo Trần Đức Chính) và con gái. Ảnh: L.Q.V

Vào ngày 16.4.2024 vừa qua, nhà báo Trần Đức Chính tròn 80 tuổi, nhưng sức khỏe đã có phần suy giảm. Nhân dịp mừng thọ “bác Lý” (tên thân mật mà những người làm việc tại báo Lao Động thường gọi nhà báo Trần Đức Chính) và hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng VN, theo sáng kiến của nhà báo Lưu Quang Định - nguyên Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay và báo điện tử Dân Việt, một ê-kíp nhân sự đã được hình thành để thực hiện trong một thời gian ngắn nhất cuốn “Nói hay Đừng”, gồm: Phó TBT Phan Huy Hà cùng các nhà báo Vũ Kiều Minh, Quảng Hà, Mỹ Hằng, Đỗ Doãn Hoàng, họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Choai), Lê Tuấn Anh, Mai Linh, Trần Đức Hùng… - nhằm tri ân nhà báo Trần Đức Chính - cây bút tài hoa, sắc sảo và tinh tế của báo giới Việt Nam.

Là một thành viên tham gia biên tập cuốn sách của nhà báo Trần Đức Chính, nữ nhà báo Mỹ Hằng đã tâm sự hết sức chân thành: “Ngồi đọc bản thảo, thật sự thích thú vì lại bị cuốn vào những trang viết năm ấy, khi báo chí và nhịp sống nói chung còn chậm rãi, ít ồn ào. Tôi bị cuốn hút vào những trang viết của ông về nghề báo - ông kể chuyện những ngày là phóng viên chiến trường, khi ông đi vào Quảng Trị, đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Càng đọc càng khâm phục cái thời các cụ chiến đấu và làm báo. Giá như hồi đấy được nghe ông kể những chuyện này, thay vì chỉ biết chung chung rằng ông đã từng đi vào tuyến lửa. Giá như hồi đấy quan tâm hơn, biết nhiều hơn cách ông làm việc với các cây bút phóng sự của báo, thay vì mải chơi và yêu đương, thì có lẽ tôi - và chúng tôi, sẽ đầy đủ, trưởng thành hơn nữa trong nghề.

Một số thành viên nhóm biên soạn cuốn sách thăm gia đình nhà báo Trần Đức Chính - Hà Nội năm 2023.
Một số thành viên nhóm biên soạn cuốn sách thăm gia đình nhà báo Trần Đức Chính - Hà Nội năm 2023.

Ông cũng kịp ghi nhận những đổi thay của báo chí trước khi nghỉ hưu hẳn, mà những điều ông suy ngẫm về nghề đến nay vẫn đúng cực kỳ:

“Làm báo mà không chú ý đến chính trị, nói rộng ra là chính kiến, mục đích của tờ báo với lợi ích quốc gia dân tộc thì chẳng khác gì anh làm nghề quảng cáo, bất cần mọi sự, có tiền thì làm, ai thuê cũng làm, bất cần bạn đọc là ai”.

“Một tiểu phẩm báo chí dù có viết kiểu gì cũng phải nêu được một sự thật nào đó, góp phần xây dựng và chống một cái gì đó. Tuyệt nhiên không phải mượn cớ để chọc ngoáy hay chửi đổng cho sướng mồm. Viết như thế bạn đọc sẽ “bắn đại bác” phản pháo lại cái “phát súng lục” vu vơ của anh ngay”.

Tất nhiên có những lý thuyết đã thành chân lý, nhưng đã biết về ông, đã chứng kiến ông làm việc, đã đọc ông, thì có thể hiểu được rằng điều ông viết ra không phải là một lý thuyết chung, mà là bằng sự đúc kết của một người làm nghề tài giỏi…”.

Nhà báo Trần Đức Chính đã có một số ấn phẩm về báo chí được xuất bản. Các ấn phẩm đó không chỉ được bạn đọc quan tâm, mà còn là “cẩm nang” học tập cho các sinh viên báo chí. Riêng những tiểu phẩm báo chí của ông đăng ở chuyên mục “Nói hay Đừng” trên báo Lao Động cũng từng là đề tài nghiên cứu khoa học cho các nhà báo, sinh viên báo chí. Và bây giờ, với tuyển tập “Nói hay Đừng” - chân dung sự nghiệp của nhà báo Trần Đức Chính - các nhà báo và những sinh viên chuyên ngành báo chí lại có thêm một nguồn tư liệu tham khảo trong công tác và học tập.