Trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, đặc biệt là từ ngày 6/3 đến nay, tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 là thận trọng, không được chủ quan; thực hiện “ mục tiêu kép ”: Vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng quán triệt đến toàn thể cán bộ và tổ chức triển khai ngay một số nội dung, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch trong hệ thống ngân hàng.
Thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như: giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ; miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID – 19 gây ra.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN, sự vào cuộc khẩn trương của các Vụ, Cục, đơn vị chức năng, NHNN đã nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện và ban hành Thông tư Quy định về việc TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh Thông tư 1 được ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp , người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN): Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Cập nhật đến ngày 4/3, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Đến nay, hệ thống TCTD đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, được Chính phủ, các tổ chức Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.
Các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Tính đến ngày 4/3 đã có thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn/giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, nâng tổng số ngân hàng tham gia miễn/giảm phí lên 32/45 ngân hàng thành viên của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Theo đó, toàn hệ thống ngân hàng khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua các kênh ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đề nghị các TCTD phải có phương án nghiên cứu phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn.
Đồng thời, các TCTD chủ động, chú trích lập lãi dự thu phải làm theo đúng quy định, chủ động giảm bớt chi phí đặc biệt là chi phí quản lý hành chính. Riêng đối với NHCSXH phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng dịch COVID-19...